Hai điểm trọng yếu "công phá" thị trường châu Âu
Để gia tăng cả về số lượng lẫn giá trị xuất khẩu sang EU, các chuyên gia thị trường đến từ châu Âu khuyến cáo, các DN phải đáp ứng các yêu cầu về chuỗi và đẩy mạnh xuất khẩu theo chuỗi...
Kỳ vọng thêm lớn khi các đối tác nhập khẩu, các nhà phân phối bán buôn, bán lẻ cũng như người tiêu dùng châu Âu đã có cái nhìn khác đối với quá trình hiện đại hóa và đổi mới của ngành nông sản, thực phẩm Việt Nam.
Theo đó, các DN nông sản, thực phẩm Việt Nam ngày càng đáp ứng tốt hơn các yêu cầu, đòi hỏi khắt khe của thị trường châu Âu, có khả năng cung ứng cho nhiều nhà nhập khẩu hàng đầu và kênh phân phối cao cấp của châu Âu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao với số lượng lớn.
Tuy nhiên, ông Reindert Dekker - chuyên gia cao cấp của Tổ chức CBI (Hà Lan) cho rằng, nông sản thực phẩm là ngành truyền thống nhưng đòi hỏi cải tiến và thay đổi liên tục. Ngày nay yêu cầu thay đổi cả trong cách thức và phương tiện buôn bán. Vì vậy, để thích nghi được, các DN, ngành hàng cần biết được xu hướng thay đổi của thị trường và nhu cầu của thị trường EU, nếu không rất khó để có thể xâm nhập vào thị trường này. Xu hướng của thị trường hiện nay phải là sản phẩm tự nhiên hữu cơ có nguồn gốc rõ ràng.
Về cảnh quan ẩm thực, các DN mới mở cần phá vỡ thị trường bằng ý tưởng mới và sản phẩm mới mà nó chạm vào cảm xúc và nhu cầu của người tiêu dùng. Ví dụ như bánh dinh dưỡng giờ có nhiều loại và nhiều công ty hoàn toàn mới, họ sử dụng hương vị mới để người tiêu dùng tạo trải nghiệm mới…
Đứng trong top 3 các quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới, song một số chuyên gia xuất khẩu cho rằng, mặc dù có nhiều lợi thế trong sản xuất nông sản nhiệt đới nhưng Việt Nam đang dần đánh mất thị phần tại thị trường thế giới nói chung và EU nói riêng. Bởi lẽ nông sản Việt Nam đa phần phát triển nhỏ lẻ, phân tán không theo quy hoạch nên quản lý và đầu tư phát triển hạ tầng khó khăn.
Ngoài ra, việc thiếu các vùng quy hoạch cây trồng cũng khiến nông sản thường xuyên rơi vào tình trạng được mùa rớt giá kèm theo bản đồ vùng trồng nông sản manh mún khiến việc áp dụng quy trình sản xuất Global GAP - một tiêu chuẩn nghiêm ngặt từ thị trường EU liên tục gặp trở ngại.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc kinh doanh Công ty IFP Việt Nam cho biết, DN Việt Nam, nhất là DN khởi nghiệp, đang rất thiếu thông tin về thị trường EU. Có 3 lý do khiến sản phẩm nông sản Việt Nam không xuất khẩu hoặc bán không được giá cao vào EU vì chất lượng sản phẩm không cao; thứ hai do bao bì, gói bọc kém hấp dẫn; thứ ba là do Việt Nam không phân định được vùng nguyên liệu và xây dựng được thương hiệu.
Các thống kê từ Bộ Công thương cũng cho thấy, trong bảng xếp hạng của EU về những đối tác thương mại nông sản lớn nhất, Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng 1,1%. Sau thời gian khủng hoảng kinh tế thế giới đã khiến nhu cầu tiêu thụ nông sản nhập khẩu nói chung của khu vực EU, trong đó có nhập khẩu từ Việt Nam giảm mạnh, vài năm trở lại đây dù kim ngạch xuất khẩu sang khu vực này đã tăng trưởng trở lại, nhưng những rào cản về tiêu chuẩn kỹ thuật ngày càng cao, xuất khẩu sang EU ngày càng khó khăn.
Điều này đòi hỏi các DN nông sản tập trung đầu tư công nghệ mới và hết sức nhạy bén trong nhận định thị trường cũng như tìm kiếm đối tác xuất khẩu mới có thể khai thác được tiềm năng từ thị trường này.
Đánh giá từ các chuyên gia cũng cho thấy phần lớn các DN xuất khẩu của Việt Nam vẫn chú trọng nhiều hơn đến những thương vụ, đối tượng khách hàng cụ thể và trước mắt, hoàn toàn thiếu một bức tranh toàn cảnh về tiềm năng thị trường. Chính vì thế DN rất khó xác định được mức ngân sách hoặc những nguồn lực khác như con người, thời gian để dành cho quá trình xúc tiến xuất khẩu.
Mặt khác, DN Việt ngoài việc không có đầy đủ thông tin thị trường, còn thiếu sự tuân thủ về minh bạch và truy xuất nguồn gốc. Bởi thực tế, các DN xuất khẩu gặp rất nhiều chi phí để có thể áp dụng, tuân thủ một cách có hệ thống và bài bản các quy chuẩn trong toàn bộ hệ thống sản xuất hoặc trong chuỗi cung ứng mà bên nhập khẩu đưa ra.
Để gia tăng cả về số lượng lẫn giá trị xuất khẩu sang EU, các chuyên gia thị trường đến từ châu Âu khuyến cáo, các DN phải đáp ứng các yêu cầu về chuỗi và đẩy mạnh xuất khẩu theo chuỗi. Các mặt hàng nông sản hiện nay bên cạnh bán nhỏ lẻ bên ngoài nên tìm cách bán trực tiếp cho các hệ thống phân phối như siêu thị để có tính ổn định và bền vững cao hơn.
Ngoài ra, DN trong nước cần đặc biệt chú ý đến chất lượng sản phẩm. Không chỉ ở giai đoạn vận chuyển mà phải kiểm soát chặt chẽ trong toàn bộ quy trình sản xuất, minh bạch về nguồn gốc xuất xứ, giúp nhà nhập khẩu thuận lợi phân luồng an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, các DN của Việt Nam cần đáp ứng mọi rào cản thương mại nếu muốn giữ vững tốc độ xuất khẩu vào thị trường này, như về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm SPS, đóng gói, duy trì ổn định chất lượng sản phẩm… Để hỗ trợ DN, Bộ Công thương sẽ tiếp tục hỗ trợ cho người sản xuất, nông dân thông qua các chương trình tập huấn về sản xuất theo quy chuẩn cũng như công tác xúc tiến thương mại tại thị trường này.