Hai kịch bản tăng trưởng GDP năm 2021
Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) đưa ra hai kịch bản tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2021 với kịch bản cao là 1,8%, còn thấp chỉ tăng 0,2%.
Tại buổi trao đổi mở về kinh tế vĩ mô chủ đề “Đánh giá tình trạng kinh tế Việt Nam 2021 và dự báo những rủi ro trong năm 2022” do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) tổ chức ngày 18/10, TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VESS, đã đưa ra hai kịch bản tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam trong năm 2021.
Ở kịch bản cao, Việt Nam sẽ thống nhất được các biện pháp thích ứng với dịch bệnh và vẫn đảm bảo sản xuất và lưu thông hàng hóa không bị đứt gãy từ quý 4/2021. Bên cạnh đó, các hoạt động sản xuất và tiêu dùng được hồi phục tích cực. Các trung tâm kinh tế hoàn thành kế hoạch tiêm chủng ngay trong nửa đầu quý 4/2021 và mở rộng ra các tỉnh trong những tháng cuối năm, tăng trưởng GDP năm 2021 có thể đạt 1,8%. Trong đó lĩnh vực nông, lâm và thủy sản tăng trưởng 2,5%; công nghiệp và xây dựng tăng 4%; dịch vụ tăng 0%.
Đối với kịch bản thấp, VESS dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam chỉ đạt 0,2%. Trong đó lĩnh vực nông, lâm và thủy sản tăng trưởng 1,4%; công nghiệp và xây dựng tăng 1%; dịch vụ giảm 0,7%.
TS. Nguyễn Đức Thành khuyến nghị, thời gian tới Chính phủ cần đưa ra các gói tài khóa tập trung vào củng cố hạ tầng, trang thiết bị ngành y tế và lực lượng y bác sĩ. Đồng thời, người lao động mất việc làm cần được hỗ trợ ngay, đặc biệt là trong khu vực phi chính thức.
Việt Nam cũng cần thực hiện các chính sách tiền tệ thích ứng nhằm đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế. Tuy nhiên, lưu ý rằng tăng trưởng cung tiền nên kiểm soát quanh mức 10% kèm theo các biện pháp kiểm soát rủi ro ở mức vừa phải.
"Nhìn chung, triển vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam sẽ phụ thuộc vào tốc độ và quy mô tiêm chủng vắc xin; hiệu quả/phản ứng phụ của các biện pháp phòng chống bệnh dịch; và hiệu quả thực chất của các gói hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng", TS. Nguyễn Đức Thành nói.
PGS.TS. Phạm Thế Anh, Chuyên gia Kinh tế vĩ mô, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Trường đại học Kinh tế Quốc dân, Kinh tế trưởng VESS cho rằng: Trong thời gian qua, do tác động của dịch bệnh nên sức cầu yếu, không lưu thông được hàng hóa, tuy vậy, nguy cơ lạm phát vẫn tương đối lớn. "Trước sau gì, chi phí sản xuất cũng sẽ phản ánh vào giá đầu ra sản phẩm, từ xăng dầu, logistics, chi phí phòng chống dịch bệnh, doanh nghiệp đang gánh chịu rất lớn".
Theo ông Phạm Thế Anh, khi hoạt động xã hội trở lại, nhu cầu tiêu dùng tăng lên, những yếu tố đó sẽ tác động vào giá cả và sức ép lên lạm phát. Dự báo, giá thực phẩm lương thực cuối năm có thể sẽ tăng trở lại, do những khó khăn về tăng nguồn cung như tái đàn, mưa bão,… trong khi nhu cầu tăng về cuối năm.
Ngoài ra, Kinh tế trưởng VESS khuyến nghị, mặt bằng lãi suất thấp cũng kích thích dòng tiền chuyển sang bất động sản, chứng khoán, dẫn tới sự hình thành của "bong bóng" tài sản. Nhiều doanh nghiệp cũng đã tranh thủ đem tiền nhàn rỗi đi đầu tư vào thị trường chứng khoán. Dư địa giảm lãi suất tiếp của NHNN gần như không có, thay vào đó, các biện pháp hỗ trợ cho nền kinh tế sẽ chủ yếu đến từ chính sách tài khoá.