Hải quan Bình Dương đối thoại với các doanh nghiệp Hàn Quốc

PV.

Cục Hải quan Bình Dương vừa phối hợp với Chi hội doanh nghiệp đầu tư Hàn Quốc tại Bình Dương (Kocham Bình Dương) tổ chức Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp Hàn Quốc năm 2024 tại Cục Hải quan tỉnh Bình Dương.

Hội nghị đối thoại giữa Hải quan Bình Dương với các doanh nghiệp Hàn Quốc
Hội nghị đối thoại giữa Hải quan Bình Dương với các doanh nghiệp Hàn Quốc

Phó cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương Nguyễn Thanh Bình cho biết, hiện nay, Cục Hải quan tỉnh Bình Dương đang làm thủ tục cho khoảng 328 doanh nghiệp Hàn Quốc. Thời gian qua, hầu hết các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư trên địa bàn đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật, hối hợp tốt với cơ quan hải quan trong quá trình làm thủ tục xuất nhập khẩu, có nhiều đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ của Cục Hải quan Bình Dương. Nhiều doanh nghiệp ngày càng phát triển và mở rộng dự án đầu tư, góp phần tích cực cho phát triển kinh tế của địa phương.

Đánh giá cao mối quan hệ giữa Cục Hải quan Bình Dương và Kocham Bình Dương cũng như công tác hỗ trợ, tạo thuận lợi của đối với hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Hàn Quốc trên địa bàn, ông Kang Hyoung Sik, Phó Chủ tịch Kocham Bình Dương cho biết, thời gian qua, Cục Hải quan Bình Dương đã có nhiều hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời cho các doanh nghiệp mỗi khi có những thay đổi về mặt chính sách, luật pháp, quy định về thủ tục hải quan…

“Tôi tin tưởng rằng trong thời gian tới mối quan hệ giữa Cục Hải quan Bình Dương và Kocham Bình Dương ngày càng phát triển hơn nữa, giúp doanh nghiệp Hàn Quốc yên tâm đầu tư và phát triển lâu dài”, ông Kang Hyoung Sik nhấn mạnh.

Theo đó, nhằm tiếp tục giúp các nhà đầu tư Hàn Quốc hiểu rõ hơn về các chính sách, pháp luật mới có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, trong khuôn khổ hội nghị, Cục Hải quan Bình Dương đã phổ biến đến các doanh nghiệp quy định về người khai hải quan và khai hải quan; một số lỗi thường gặp trong hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất; một số vướng mắc tồn tại.

Điển hình như lỗi khai báo, quyết toán định mức với cơ quan hải quan không phù hợp với thực tế sản xuất, dẫn đến hậu quả chênh lệch lượng hàng tồn kho, chênh lệch lượng nguyên liệu vật tư sử dụng sản xuất sản phẩm xuất khẩu.

Điều này khiến doanh nghiệp bị truy thu thuế và xử phạt vi phạm với số tiền thuế lên tới 20% hoặc từ 1 đến 3 lần số thuế bị truy thu, cộng thêm số tiền phạt chậm nộp tính từ ngày thông quan lô hàng nhập khẩu.

Mặt khác, doanh nghiệp sẽ gặp bất lợi trong quá trình làm thủ tục hải quan vì mức độ tuân thủ pháp luật hải quan thấp sẽ thuộc diện phải phân luồng tờ khai, bị kiểm tra thực tế hàng hóa…

Liên quan đến các vướng mắc của doanh nghiệp về hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ, Phó cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương Nguyễn Thanh Bình cho biết, thời gian qua, đơn vị đã ghi nhận và báo cáo Tổng cục Hải quan về những vướng mắc loại hình xuất nhập khẩu tại chỗ của các doanh nghiệp trên địa bàn Bình Dương, trong đó có doanh nghiệp Hàn Quốc.

Hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Chính phủ xem xét các phương án xử lý khi bãi bỏ Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các hệ thống pháp luật và phù hợp với thực tiễn đối với hoạt động này. Khi có hướng dẫn mới nhất, Cục Hải quan Bình Dương sẽ cập nhật tới cộng đồng doanh nghiệp.

Trả lời vướng mắc của Công ty TNHH SEWHA VINA về việc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) về việc kinh doanh tạm nhập tái xuất, đại diện Cục Hải quan Bình Dương cho biết, căn cứ khoản 2 Điều 13 Nghị định 69/2018/NĐ-CP, tổ chức kinh doanh có vốn đầu tư FDI không được thực hiện hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất. Thẩm quyền thuộc Bộ Công Thương, Cục Hải quan Bình Dương đề nghị doanh nghiệp liên hệ để được hướng dẫn cụ thể thêm về trường hợp này.