Hải quan: Kiểm soát chặt hoạt động vận chuyển mặt hàng thực phẩm tươi sống
Từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm soát toàn ngành Hải quan triển khai hiệu quả hàng loại giải pháp chống buôn lậu nhằm đấu tranh triệt để với hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng thực phẩm tươi sống.
Theo đánh giá của ngành Hải quan, qua công tác rà soát nắm tình hình và kiểm tra, phát hiện cho thấy nhiều đối tượng lợi dụng địa hình đường biên có nhiều đường mòn, lối mở, đường đồng ruộng, các đối tượng thuê người dân mang, vác hàng qua biên giới rồi dùng xe máy, xe tải nhỏ vận chuyển hàng hóa nhập lậu vào các khu vực chợ, bến xe, trung tâm thương mại, kho hàng, bến, bãi. Xé lẻ hàng hóa vận chuyển trốn qua hai bên cánh gà.
Lợi dụng các xe khách hoặc một số xe tải thùng kín, xe con để chôn giấu hàng lậu trong các hầm, thành vách được gia cố tinh vi trên xe nhằm trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng vận chuyển sâu vào nội địa tiêu thụ.
Các đối tượng thường bố trí người dùng xe gắn máy đi trước cảnh giới, canh đường theo dõi sát lực lượng chức năng nhằm trốn tránh hoặc tẩu tán hàng hoá khi bị kiểm tra, bắt giữ,…Lợi dụng dòng sông chung tại khu vực biên giới với nhiều kênh rạch để vận chuyển hàng hóa trái phép.
Thành lập các Công ty TNHH, Doanh nghiệp tư nhân, Hộ kinh doanh cá thể có địa điểm sản xuất, kinh doanh tại khu vực cửa khẩu để buôn lậu, gian lận thương mại bằng thủ đoạn xuất hoá đơn bán hàng, phiếu xuất kho để hợp thức hoá hàng nhập lậu hoặc quay vòng hồ sơ hàng thanh lý để vận chuyển hàng nhập lậu vào nội địa tiêu thụ...
Các vụ vi phạm xảy ra cả trên 3 tuyến gồm: Tuyến đường bộ: Địa bàn khu vực trọng điểm Cao Bằng, Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị; An Giang, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp...
Tuyến đường biển,đường sông quốc tế: Trọng điểm vẫn là khu vực cảng biển TP. Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai,… vùng biển Đông Bắc và Miền Trung. Đây là tuyến đường có lưu lượng hàng hóa rất lớn, nên cũng là tuyến đường dễ bị các đối tượng lợi dụng để buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa về Việt Nam.
Tuyến hàng không – Bưu điện: Địa bàn trọng điểm là: Sân bay quốc tế Nội Bài; Say bay quốc tế Đà Nẵng, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Mặt hàng trọng điểm: Thủy hải sản, Con giống Hải sản, Gia cầm giống nuôi, Trứng gia cầm, Thịt gia súc, gia cầm, đồ đóng hộp, hàng đông lạnh, hoa quả, các loại rau, củ quả tươi, khô, phụ gia thực phẩm,...
Theo đó, trên các tuyến đường bộ: Các chủ phương tiện vận tải, lái xe vận chuyển chuyên tuyến đường bộ và một số tỉnh, thành phố khác; Chủ hàng; Cư dân và lao động làm thuê tại khu vực biên giới, một số tổ chức, cá nhân có hoạt động xuất nhập khẩu. Dọc tuyến biên giới vẫn còn tồn tại nhiều kho chứa hàng lậu.
Tuyến đường biển: Các thuyền viên, các doanh nghiệp thường xuyên đăng ký kiểm tra cào giờ cao điểm, thường xuyên hủy tờ khai đã được phê duyệt kiểm tra, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh kho ngoại quan và xuất nhập khẩu hàng hóa qua kho ngoại quan.
Tuyến đường sông biên giới: Tại địa bàn cửa khẩu đường sông, hàng hóa XNK, người và phương tiện vận tải XNC qua lại thường xuyên nên việc buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới vẫn diễn ra, nhất là các mặt hàng nông sản (đậu, lúa, ngô…)
Tuyến hàng không: Phi công, tiếp viên hàng không, doanh nghiệp có hoạt động xuất, nhập khẩu tuyến hàng không, bưu điện và các cá nhân xuất nhập cảnh nhiều lần.
Quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Tài chính về tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc nhập lậu, lưu thông, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, thực phẩm tươi sống không an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tập trung triển khai có hiệu quả: Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; Công văn số 9555/VPCP-KGVX ngày 04/11/2016 của Văn phòng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm an toàn thực phẩm….
Cụ thể, lực lượng Hải quan các địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hàng hoá XNK, người và phương tiện vận tải XNC qua các cửa khẩu; tăng cường sử dụng chó nghiệp vụ, máy soi hành lý để hỗ trợ cho công tác kiểm tra hành lý, phương tiện của các đối tượng nghi vấn qua lại cửa khẩu.
Xây dựng Kế hoạch thường xuyên tuần tra, kiểm soát trong địa bàn hoạt động Hải quan, tập trung kiểm soát chặt chẽ hàng giả, gia cầm, sản phẩm gia cầm, thực phẩm tươi sống, các mặt hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thẩm lậu qua biên giới vào nội địa để tiêu thụ, sẵn sàng triển khai lực lượng ngăn chặn, bắt giữ và xử lý kịp thời các vụ việc khi phát sinh.
Tăng cường thu thập thông tin, nắm chắc địa bàn, theo dõi sát mọi diễn biến về hoạt động buôn lậu hai bên biên giới trong địa bàn hoạt động Hải quan; Triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát Hải quan, theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ cửa hàng miễn thuế, xây dựng kế hoạch, triển khai ngăn chặn, bắt giữ, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong địa bàn quản lý.
Phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng trên địa bàn như: Công an, Bộ đội Biên phòng, và chính quyền địa phương tăng cường trao đổi thông tin về tình hình buôn lậu, tổ chức tuần tra công khai trong địa bàn hoạt động Hải quan nhằm kịp thời phát hiện, bắt giữ xử lý các hành vi vi phạm, góp phần bình ổn thị trường.