Hải quan Lạng Sơn: Góp phần đưa nông sản Việt xuất khẩu
Do tính đặc thù, không thể chậm trễ trong khâu thông quan, vì thế đối với các mặt hàng nông sản của Việt Nam luôn được Cục Hải quan Lạng Sơn tạo điều kiện bằng cách bố trí cán bộ hải quan hỗ trợ làm thủ tục 24/7 cho DN, miễn kiểm tra thực tế để XK nhanh nhất, tránh thiệt hại không đáng có cho DN. Với cách làm này, nhiều DN, chủ hàng đánh giá cao sự tích cực của Hải quan Lạng Sơn trong việc tạo điều kiện cho nông sản XK, nhất là đối với mặt hàng hoa quả tươi.
Thông quan trước hàng nông sản
Mặc dù 8 giờ sáng mới bắt đầu thời gian làm việc, nhưng tại cửa khẩu Tân Thanh, CBCC hải quan đã có mặt từ 6 giờ để tiếp nhận thủ tục thông quan cho chuyến hàng thanh long của DN. Nhìn lướt qua bãi kiểm hóa của Công ty CP Đầu tư Thăng Long, lúc này hàng trăm container đã nằm sẵn, chật kín bãi và đã được làm thủ tục hải quan chờ phía Trung Quốc mở cửa là bắt đầu thông quan.
Trao đổi với lãnh đạo Chi cục Hải quan Tân Thanh (Cục Hải quan Lạng Sơn) được biết, do các loại hoa quả như thanh long, măng cụt, sầu riêng, dưa hấu đang vào vụ thu hoạch nên bình quân mỗi ngày Chi cục đón khoảng 250 - 280 xe hàng làm thủ tục, lượng hàng XK hàng ngày dao động từ 2.600 đến 3.200 tấn. Hầu hết hoa quả tươi được các DN đóng và bảo quản trong các container lạnh.
Thống kê cho thấy, tổng kim ngạch XK nông sản qua Chi cục Hải quan từ đầu năm đến nay đạt trên 607 triệu USD, trong đó, mặt hàng thanh long đạt 273.154 tấn với kim ngạch đạt trên 203 triệu USD; dưa hấu XK được 167.035 tấn với kim ngạch gần 75 triệu USD và vải thiều tươi XK đạt 19.505 tấn với kim ngạch trên 9,3 triệu USD.
Đang hối hả làm thủ tục thông quan cho các container chở thanh long XK, chị Nguyễn Thị Phương, chủ hàng XK nông sản tại cửa khẩu Tân Thanh cho biết, mỗi ngày chị làm thủ tục XK cho khoảng 30 - 40 container thanh long sang Trung Quốc với giá dao động từ 20.000 đến 22.000 đồng/kg.
Việc XK nông sản tại cửa khẩu này luôn được các lực lượng chức năng tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên cho mặt hàng hoa quả tươi, đặc biệt là cơ quan Hải quan tạo điều kiện bằng việc áp dụng công nghệ thông tin trong khai báo nên DN có thể làm thủ tục điện tử và chỉ mất từ 3-5 phút để cán bộ hải quan kiểm tra và duyệt hồ sơ là lô hàng có thể thông quan.
Anh Huỳnh Chí Hải, lái xe chở thanh long từ Bình Thuận cho biết, cán bộ hải quan Tân Thanh luôn tạo điều kiện để chuyến hàng của chúng tôi sớm thông quan, thanh long được XK sang Trung Quốc dễ dàng.
Năm 2017, hoạt động XNK tại cửa khẩu sôi động trở lại với nhiều mặt hàng nông sản. Một trong những lý do khiến hoạt động XNK sôi động chính là việc đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện cho DN XNK, nhất là các DN XK nông sản. Nhờ đó, ngày càng có nhiều DN XK nông sản chọn Lạng Sơn làm điểm thông quan.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Chi cục Hải quan Tân Thanh cho biết, đơn vị luôn bố trí đảm bảo đầy đủ về nhân lực lẫn phương tiện để phục vụ hoạt động XK nông sản. Đặc biệt, các tổ công tác túc trực xử lý hồ sơ thông quan cho hàng nông sản thực hiện theo đúng chủ trương chỉ đạo của UBND tỉnh là “làm hết việc chứ không phải hết giờ”.
Theo đó, hàng nông sản sẽ được ưu tiên thông quan trước, sau đó mới đến các mặt hàng khác. Mọi thủ tục thông quan đều được số hóa, nông sản lại thuộc luồng Xanh, nên thời gian thông quan thực hiện rất nhanh. Để hỗ trợ góp phần thông quan nhanh hơn nữa các lô hàng, thời gian tới đơn vị tiếp tục có những cơ chế mở đối với mặt hàng nông sản đặc thù, giúp nông sản Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế.
Trở lại cửa khẩu Cốc Nam, đúng lúc hàng hóa đang tấp nập được “cửu vạn” bốc xếp sang tải khiến cho phía đường vào cửa khẩu tắc nhẹ. Trao đổi với ông Trần Văn Nghĩa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cốc Nam được biết, hàng hóa XK qua cửa khẩu Cốc Nam chủ yếu là hàng nông sản như: Dừa khô, tỏi, ớt, hành, cá khô, hoa quả tươi, thực phẩm, tôm hùm. Thống kê, 6 tháng đầu năm đơn vị đã làm thủ tục cho 9.675 tờ khai, trị giá đạt trên 250 triệu USD.
Anh Nguyễn Đệ (chủ hàng) cho biết, mỗi ngày anh làm thủ tục XK sang Trung Quốc khoảng 40-50 container hàng hoa quả tươi, chủ yếu là thanh long, măng cụt, sầu riêng và được cơ quan Hải quan tạo mọi điều kiện để thông quan nhanh hàng hóa, tránh hư hỏng. Đặc biệt, khi có vướng mắc về thủ tục hải quan, cán bộ hải quan luôn hướng dẫn tỷ mỉ để DN hiểu và thực hiện các bước khai một cách chính xác.
Hiện Việt Nam đang XK sang Trung Quốc 9 mặt hàng thuộc nhóm nông, lâm, thủy sản. Trong đó, có 5 mặt hàng chiếm tỷ trọng cao trong tổng XK của cả nước như sắn, rau củ quả, cao su, dăm gỗ, gạo. Kim ngạch XK nông sản qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn luôn chiếm trên 70% tổng kim ngạch XK.
CBCC Hải quan Tân Thanh kiểm tra hàng nông sản xuất khẩu: Nguồn: PV. |
Cần thay đổi phương thức kinh doanh
Để hỗ trợ các DN XK sang Trung Quốc, UBND tỉnh Lạng Sơn đã quan tâm nâng cấp và xây dựng mới hệ thống nhà làm việc liên hợp tại một số cửa khẩu. Hệ thống bãi đỗ xe, kho hàng tại các cửa khẩu và nhiều bãi sang tải hàng hóa được cải tạo, đáp ứng nhu cầu của các thương nhân, DN.
Ông Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho hay, hiện tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc chiếm 85% tổng kim ngạch mua bán, trao đổi hàng hóa qua cửa khẩu biên giới. Thống kê hàng năm, hàng Việt Nam xuất sang Trung Quốc đạt 1,6 tỷ USD. Riêng hàng nông sản, hoa quả XK sang Trung Quốc qua tỉnh Lạng Sơn đã chiếm một nửa tổng kim ngạch XK, đạt 1 tỷ USD. Từ đầu năm đến nay, mỗi ngày có hơn 1.500 xe ôtô chở hàng qua cửa khẩu Lạng Sơn XK sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Công Trưởng, dù kim ngạch XK hoa quả sang Trung Quốc lớn nhưng phía Trung Quốc chỉ nhận hàng qua cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam. Trong khi đó, lượng nông sản mỗi ngày dồn về cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam chờ XK sang Trung Quốc với số lượng lên tới 1.500 xe khiến cho khu vực bãi kiểm hóa, sang tải ở đây không “tải nổi”. Một khó khăn khác là phía Trung Quốc luôn linh hoạt điều tiết hàng XK của Việt Nam qua các lối mở, điểm thông quan, điều này gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động XNK của Lạng Sơn.
Để công tác XNK, nhất là XNK nông sản được thông suốt, ông Nguyễn Công Trưởng kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần có dự báo và định hướng các mặt hàng XK. Đồng thời, có cơ chế chính sách quy hoạch vùng trồng trái cây, nông sản hợp lý nhằm hạn chế phát sinh thiệt hại cho nông dân; đầu tư công nghệ chế biến, công nghệ sinh học bảo quản sau thu hoạch... DN và thương nhân cũng cần thay đổi phương thức kinh doanh, từ buôn bán hàng theo kiểu bạn hàng truyền thống kinh doanh tiểu ngạch sang phương thức kinh doanh chính ngạch có hợp đồng ngoại thương theo thông lệ quốc tế, để giảm thiểu được rủi ro khi XK nông sản sang Trung Quốc.
Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, 6 tháng đầu năm kim ngạch XK hàng nông sản đạt 8,51 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Hàng nông sản chủ yếu được XK sang các thị trường Trung Quốc với hơn 3,05 tỷ USD, tăng 34,6% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 35,8% trong tổng kim ngạch XK hàng nông sản của cả nước. Chỉ tính riêng nửa đầu tháng 7, XK rau quả của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh, đạt 180 triệu USD, tăng 37,7% tương ứng tăng 49 triệu USD so với nửa cuối tháng 6. Trong tổng giá trị XK rau quả hiện nay, chiếm phần lớn là trái cây và mặt hàng thanh long chiếm hơn 50% tổng giá trị XK trái cây.