Hải quan Lạng Sơn: Phát hiện sai phạm qua áp dụng quản lý rủi ro
(Tài chính) Thông qua đánh giá rủi ro từng mặt hàng, doanh nghiệp trọng điểm, Phòng Quản lý rủi ro (QLRR) thuộc Cục Hải quan Lạng Sơn đã phát hiện nhiều trường hợp gian lận qua khai báo.
Ông Mỗ Quang Đại, Phó trưởng Phòng QLRR cho biết, một trong những yếu tố quan trọng trong việc áp dụng QLRR là thu thập, xử lý thông tin, xây dựng hồ sơ rủi ro, hồ sơ doanh nghiệp. Thời gian qua, Cục Hải quan Lạng Sơn đã chú trọng công tác kiểm tra thu thập thông tin và áp dụng QLRR, kịp thời chấn chỉnh các sai sót trong quá trình thực hiện.
Qua thu thập, xử lý thông tin, lực lượng chuyên trách QLRR tập trung phân tích QLRR, quản lý doanh nghiệp, mặt hàng có độ rủi ro cao, trọng điểm… giúp ngăn chặn hiện tượng đăng ký nhiều tờ khai cho cùng một lô hàng, cũng như kiểm tra chặt chẽ việc nộp thuế đối với những lô hàng luồng Xanh. Đồng thời, đơn vị tiếp tục bổ sung các mặt hàng có rủi ro cao vào danh mục QLRR, hàng hóa xuất nhập khẩu để hạn chế gian lận qua giá tính thuế.
Bên cạnh đó, Hải quan Lạng Sơn đã ban hành quy chế thực hiện QLRR trong thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại. Trong đó, tập trung cập nhật trên hệ thống QLRR đối với các doanh nghiệp (giải thể, phá sản, bỏ địa chỉ kinh doanh), xây dựng hồ sơ quản lý doanh nghiệp, qua đó kiểm soát rủi ro trong hoạt động xuất nhập khẩu và theo dõi, đánh giá quá trình chấp hành tốt pháp luật của doanh nghiệp.
Qua công tác phân luồng, chuyển luồng, Cục Hải quan Lạng Sơn đã điều chỉnh tăng, giảm và ấn định thuế. Căn cứ vào kết quả phân tích, đánh giá rủi ro, Phòng QLRR đã gửi nhiều thông tin về các lô hàng có nguy cơ gian lận trong khai báo về số lượng, chủng loại, phân loại hàng hóa cho các Chi cục Hải quan cửa khẩu kịp thời xử lý.
Riêng trong năm 2013, Phòng QLRR đã gửi 75 phiếu chuyển giao thông tin QLRR và các Chi cục đã phát hiện xử lý 15 vụ vi phạm, đã truy thu và nộp vào ngân sách Nhà nước 870 triệu đồng. Qua xử lý, các Chi cục còn phát hiện một số sai phạm như khai sai tên, chủng loại hàng hóa; thiếu so với khai báo…
Điển hình là trường hợp Doanh nghiệp xuất nhập khẩu Bình Dương làm thủ tục nhập khẩu qua Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma đối với mặt hàng thảm trải sàn. Qua kiểm tra, Chi cục phát hiện số hàng trên lại là mặt hàng vải không dệt nên đã tiến hành truy thu, xử phạt số tiền 146 triệu đồng.
Tương tự, Doanh nghiệp Thành Hiền nhập khẩu linh kiện xe máy (thừa so với khai báo ban đầu). Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị đã truy thu, xử phạt 100 triệu đồng. Công ty TNHH Sơn Hà làm thủ tục tạm nhập- tái xuất đối với ống nước làm dàn giáo xây dựng (có chiều dài 9 mét). Sau khi làm thủ tục tái xuất, doanh nghiệp này khai báo không đủ số lượng hàng hóa. Doanh nghiệp trên đã bị truy thu, xử phạt 68 triệu đồng.
Cũng theo ông Mỗ Văn Đại, năm 2014, việc áp dụng QLRR được tập trung triển khai có trọng tâm, trọng điểm. Đó là, tập trung vào những loại hình nhập kinh doanh (hàng tiêu dùng, hàng linh kiện máy móc, thiết bị…), xây dựng hồ sơ rủi ro, hồ sơ doanh nghiệp.
Tính đến cuối tháng 2/2014, Phòng QLRR đã chuyển giao 34 phiếu thông tin gửi các Chi cục. Trong đó, tập trung phần lớn vào những doanh nghiệp nhập khẩu hàng tiêu dùng. Hiện các Chi cục đã gửi mẫu yêu cầu phân tích phân loại để xử lý theo quy định.