Hải quan Quảng Ninh gắn giám sát, quản lý với hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp
Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao, Cục Hải quan Quảng Ninh luôn gắn công tác giám sát quản lý với hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp. Nhờ nỗ lực đồng hành, hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp về làm thủ tục đã giúp cho Cục Hải quan Quảng Ninh tăng thu ngân sách. Công tác giám sát, chống buôn lậu được triển khai hiệu quả cũng góp phần đảm bảo an ninh kinh tế trên địa bàn.
Hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp
Ngay từ đầu năm 2024, Lãnh đạo Cục Hải quan Quảng Ninh đã chỉ đạo đơn vị thực hiện đồng bộ, quyết liệt các kế hoạch, các biện pháp nghiệp vụ nhằm tạo thuận lợi thương mại, đảm bảo xuất nhập khẩu bền vững trên địa bàn, đặc biệt đảm bảo các điều kiện, quản lý chặt chẽ, nâng cao năng lực thông quan qua các cửa khẩu.
Lãnh đạo Cục chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc quán triệt và triển khai đồng bộ các giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, tập trung giải pháp chuyển đổi số và tăng cường quản lý tài chính theo chỉ đạo của Tổng cục Hải quan.
Đồng thời, triển khai Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp cơ sở (CDCI) 2024 nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng quản lý điều hành cấp cơ sở của Cục Hải quan Quảng Ninh. Theo đó, Tổ công tác DDCI của Cục Hải quan tỉnh hoàn thành 03 đợt phát phiếu khảo sát tới 555 doanh nghiệp làm thủ tục qua địa bàn. Hiện tại, đã tiếp nhận 317 số phiếu đánh giá gửi về, đạt tỷ lệ 57%.
Đơn vị cũng đã triển khai các hoạt động phát triển quan hệ đối tác Hải quan - doanh nghiệp và các bên liên quan năm 2024. Các chi cục thành lập các đoàn công tác đi đến trụ sở 80 doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn để gặp gỡ, tiếp xúc và hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục xuất nhập khẩu; tổ chức 14 hội nghị gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, đã trực tiếp giải quyết 58 vướng mắc tại Hội nghị.
Qua 2 năm triển khai Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan, các đơn vị đã hỗ trợ giải đáp 71 vướng mắc, gửi 88 văn bản cung cấp thông tin định kỳ cho các doanh nghiệp tham gia Chương trình. Tổ hỗ trợ và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp (ISEC) của Cục đã gửi cung cấp thông tin văn bản pháp luật mới tới 5.634 lượt doanh nghiệp qua email; trên fanpage, ISEC đã đăng tải 151 bài viết cung cấp thông tin, giải đáp vướng mắc, thu hút 562.954 lượt tiếp cận.
Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS cũng được Cục Hải quan Quảng Ninh chú trọng triển khai. Đến nay, đơn vị đã thực hiện thủ tục hải quan qua Hệ thống VNACCS/VCIS cho 119.818 tờ khai của 1.826 doanh nghiệp với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 15,7 tỷ USD; tăng 34% về tờ khai, tăng 368 doanh nghiệp, tăng 20% về kim ngạch so với năm trước. Nhờ nhiều giải pháp hỗ trợ, đồng hành được triển khai, từ đầu năm 2024 đến ngày 30/10/2024, đã thu hút được 866 doanh nghiệp mới về làm thủ tục, với kim ngạch 1,0 tỷ USD, số thuế tăng thêm là 895 tỷ đồng.
Thu đúng, thu đủ vào ngân sách nhà nước
Bám sát nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước được giao, Cục Hải quan Quảng Ninh đã triển khai quyết liệt các kế hoạch, giải pháp tăng thu ngân sách ngay từ đầu năm. Đơn vị đã tập trung đánh giá những tác động, ảnh hưởng đến tiến độ, kịch bản thu ngân sách nhà nước đã xây dựng; đẩy mạnh hoạt động của Tổ quản lý và tăng thu ngân sách năm 2024. Đồng thời, chỉ đạo các Chi cục Hải quan tăng cường các hoạt động kết nối, gặp gỡ, nắm bắt hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thu hút doanh nghiệp về làm thủ tục qua địa bàn.
Cùng với đó, đơn vị đã triển khai đồng loạt các giải pháp chống thất thu qua chống buôn lậu, gian lận thương mại, quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan, xác định trị giá hải quan; phân loại, quản lý chặt chẽ hồ sơ nợ thuế; áp dụng triệt để các biện pháp cưỡng chế, thu nồi nợ ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật... để thu đúng, thu đủ vào ngân sách nhà nước.
Đơn vị quyết tâm không để hình thành điểm nóng, đường dây, ổ nhóm buôn lậu trên địa bàn. Theo đó, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và trong địa bàn hoạt động hải quan. Đồng thời, duy trì hiệu quả hợp tác với Hải quan Nam Ninh (Trung Quốc) trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa, ma túy qua biên giới, tăng cường phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng trong và ngoài ngành, trong và ngoài địa bàn trong trao đổi thông tin, phối hợp tuần tra, bắt giữ, xử lý hành vi vi phạm.
Đến nay, đơn vị đã thực hiện thủ tục hải quan qua Hệ thống VNACCS/VCIS cho 119.818 tờ khai của 1.826 doanh nghiệp với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 15,7 tỷ USD; tăng 34% về tờ khai, tăng 368 doanh nghiệp, tăng 20% về kim ngạch so với năm trước.
10 tháng năm 2024, Cục Hải quan Quảng Ninh đã chủ trì bắt giữ và xử lý 213 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa, ma túy, trị giá 7,2 tỷ đồng (tăng 41% về số vụ và tăng 26% về trị giá so với cùng kỳ năm trước), vượt 25% về số vụ và vượt 44% về trị giá bắt giữ do Tổng cục Hải quan giao. Tính đến hết ngày 31/10/2024, thu nộp ngân sách nhà nước đạt 15.114 tỷ đồng; vượt 21% chỉ tiêu 12.500 tỷ đồng do Chính phủ giao; vượt 16% chỉ tiêu 13.000 tỷ đồng do Tỉnh ủy, HĐND Tỉnh, đạt 89% chỉ tiêu 17.000 tỷ đồng UBND Tỉnh giao bổ sung.
Từ nay đến cuối năm 2024, đơn vị xác định tiếp tục thực hiện theo lộ trình tại Kế hoạch triển khai những nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành (DDCI) năm 2024 của Cục Hải quan tỉnh; Kế hoạch triển khai các giải pháp nâng cao điểm chỉ số cải cách hành chính năm 2024 của Cục Hải quan tỉnh. Đồng thời, chủ động tiếp xúc, gặp gỡ các doanh nghiệp để nắm thông tin hình hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp và hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp giải quyết vướng mắc hoặc đề xuất kiến nghị với các cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn.
Song song với đó, đơn vị tập trung triển khai các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan đấu tranh có hiệu quả đối với hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong địa bàn quản lý. Tích cực phối hợp giữa các lực lượng chức năng, đặc biệt là các ngành Công an, Biên phòng, Quản lý thị trường nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, chủ động phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về buôn lậu, đảm bảo an ninh trật tự xã hội.