Hải quan TP. Hồ Chí Minh: Cách nào tăng nguồn thu?
Chưa năm nào số thu ngân sách của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh lại giảm sâu như quý I năm nay. Với kết quả này, năm 2018 sẽ rất khó khăn đối với Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh trong công tác thu NSNN.
Quý I thu giảm hơn 2.400 tỷ đồng
Phân tích của Cục Hải quan TP.HCM cho thấy, số thu NSNN trong tháng 3/2018 chỉ đạt 8.252 tỷ đồng, bằng 85,72% so với số thu NSNN tháng 3/2017 (đạt 9.627 tỷ đồng). Tính chung 3 tháng đầu năm 2018, số thu NSNN của Hải quan TP.HCM đạt 22.869,613 tỷ đồng, đạt 21,18% dự toán. So sánh cùng kỳ quý I năm 2017 chỉ bằng 90,67%, giảm 9,03% so với cùng kỳ 2017. Như vậy, số thu NSNN của Cục Hải quan TP.HCM đã giảm so với cùng kỳ năm 2017 gần 2.270 tỷ đồng, riêng thuế XNK đã giảm 2.425 tỷ đồng. Nguyên nhân là do kim ngạch nhập khẩu giảm sâu so với cùng kỳ năm 2017.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Thuế XNK, những tác động nổi bật ảnh hưởng đến thu NSNN của Cục Hải quan TP.HCM trong quý I/2018, bao gồm: Hiệp định FTAs tác động trực tiếp đến số thu NSNN của ngành Hải quan. Trong quý I/2017, Cục Hải quan TP.HCM thu NSNN từ xe ôtô dưới 9 chỗ đạt gần 4.000 tỷ đồng, trong khi đó, quý I/2018 số thu từ mặt hàng ô tô chỉ đạt 832 tỷ đồng, giảm tới 3.200 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng sắt thép giảm 70 triệu USD do bị áp thuế tự vệ và thuế chống bán phá giá đã giảm gần 400 tỷ đồng tiền thuế.
Đối với mặt hàng dầu nhập khẩu – một trong những mặt hàng trọng điểm – có kim ngạch tăng 227 triệu USD, nhưng mặt hàng xăng lại giảm 82 triệu USD so với cùng kỳ năm 2017 nên thu NSNN mặc dù có tăng nhưng không đáng kể. Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 3 mặc dù không làm thủ tục ôtô, kim ngạch mặt hàng sắt thép giảm sâu (gần 70 triệu USD) nhưng vẫn thu NSNN đạt khá 4.550 tỷ đồng (cùng kỳ 2017 chỉ đạt 3.890 tỷ đồng). Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 thu NSNN đạt khá, trên 9.000 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ năm 2017 chỉ đạt 8.100 tỷ đồng).
Ngoài 3 đơn vị Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1; Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 3 và Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất tăng thu NSNN thì các Chi cục Hải quan còn lại đều giảm so với cùng kỳ 2017.
Mỗi tháng phải thu gần 10.000 tỷ đồng
Để đạt được mục tiêu 108.000 tỷ đồng, ngay trong quý II/2018, Cục Hải quan TP.HCM phấn đấu thu NSNN mỗi tháng phải đạt 9.600 tỷ đồng (quý II phải đạt 28.800 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2018 phải đạt mức 51.600 tỷ đồng, đạt 47,78%).
Từ thực tế trên, lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM đã chỉ đạo các chi cục có số thu NSNN đạt thấp cần phải nghiên cứu và tìm hiểu nguyên nhân vì sao số thu tại đơn vị mình giảm kéo theo số thu của toàn đơn vị giảm đến 9,03%. Một số DN trước đây làm thủ tục tại cảng Cát Lái nay đã đăng ký làm thủ tục tại tỉnh khác… cũng đang được Cục Hải quan TP.HCM tìm hiểu nguyên nhân để khắc phục. Các chi cục thống kê danh sách DN thường xuyên làm thủ tục tại chi cục, nhưng hiện nay đăng ký tại nơi khác, từ đó cần tổ chức hội nghị đối thoại với DN để nắm bắt nguyện vọng, tháo gỡ vướng mắc cho DN.
Cục Hải quan TP.HCM cũng yêu cầu các đơn vị nghiêm túc đánh giá lại kế hoạch tạo thuận lợi thương mại, nuôi dưỡng nguồn thu, những cam kết của lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM với DN trong những tháng đầu năm để có giải pháp đồng bộ, tạo thuận lợi nhất cho hoạt động thương mại của DN.
Trong quý II, Cục Hải quan TP.HCM tiếp tục triển khai Kế hoạch số 151/KH-HQHCM về chương trình “Cộng đồng DN và cơ quan Hải quan là đối tác tin cậy và đồng hành cùng phát triển trong năm 2018” hướng đến hỗ trợ tối đa cho cộng đồng DN chấp hành tốt pháp luật hải quan, có số thuế nộp NSNN lớn để hoạt động thuận lợi nhất trong thông quan hàng hóa.
Về giải pháp quản lý giá tính thuế, thực hiện nghiêm túc và hiệu quả chỉ thị số 555/CT-TCHQ của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, phối hợp các Chi cục tổ chức tham vấn nhanh chóng, chính xác, hiệu quả, thu đúng và đủ thuế cho NSNN. Nghiên cứu đặc thù chung tại từng chi cục để thay đổi phương thức quản lý theo hướng vừa tạo thuận lợi thương mại, tạo điều kiện cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng trong cộng đồng DN, vừa quản lý chặt chẽ theo chính sách pháp luật, chống nợ đọng thuế. Về công tác kiểm tra sau thông quan, tập trung phân tích thu thập thông tin đối với các nhóm nghiệp vụ theo chuyên đề: gia công, sản xuất - xuất khẩu, tạm nhập - tái xuất, mã số HS, giá tính thuế, xuất xứ... để tổ chức kiểm tra sau thông quan hiệu quả, hạn chế rủi ro cho khâu trong thông quan, phấn đấu tăng thu 680 tỷ đồng.
Để đạt kết quả cao trong thu hồi nợ đọng, Cục Hải quan TP.HCM đã chỉ đạo các chi cục trưởng có trách nhiệm xây dựng kế hoạch chi tiết và cụ thể, chỉ đạo đôn đốc bộ phận thừa hành theo dõi việc tổ chức thực hiện để đạt 2 mục tiêu chính: Một là, phấn đấu không để phát sinh nợ khó đòi trong năm 2018 mà không có lý do chính đáng. Khi phát sinh nợ thuế mới chi cục phải khẩn trương phối hợp và tích cực thu hồi nợ thuế ngay, áp dụng biện pháp dừng làm thủ tục để yêu cầu doanh nghiệp nộp thuế. Hai là, phân công bộ phận quản lý nợ thuế có trách nhiệm sắp xếp, hệ thống lại toàn bộ hồ sơ theo dõi nợ thuế, báo cáo Tổng cục Hải quan đúng thời hạn.