“Hãm phanh” tăng phí dịch vụ
Tuy mức tăng vẫn nằm trong khung cho phép của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhưng trước phản ứng gay gắt của dư luận, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại không được tăng phí rút tiền ATM nội mạng vào thời điểm này.
Biểu phí khung dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa được NHNN quy định với mỗi giao dịch: Phí in sao kê tài khoản nội mạng 100-500 đồng, ngoại mạng 300-800 đồng; Phí rút tiền mặt nội và ngoại mạng 0-3.000 đồng; Phí chuyển khoản 0-15.000 đồng.
Số liệu thống kê từ Hội Thẻ ngân hàng cho thấy, chỉ tính riêng 3 “ông lớn” ngân hàng thương mại nhà nước là Agribank, Vietcombank và VietinBank đã chiếm đến hơn 50% số lượng thẻ ATM trên thị trường.
Hoa mắt với phí ngân hàng
Trong vòng 2 tháng gần đây, 3 ngân hàng này đã có động thái điều chỉnh biểu giá dịch vụ theo hướng tăng.
Chẳng hạn, phí rút tiền từ thẻ tại ATM nội mạng của các ngân hàng này tăng từ 1.100 đồng lên 1.650 đồng. Điều này tác động đến khoảng 38,73 triệu chủ thẻ phải trả thêm phí.
Trong khi đó, mức phí chuyển tiền qua ATM của Agribank là 0,05% số tiền giao dịch, Vietcombank quy định thành hai mức: Dưới 10 triệu đồng là 7.700 đồng/giao dịch, trên 10 triệu đồng là 0,022% số tiền giao dịch. Còn VietinBank áp dụng mức phí khá cao: 10.000 đồng/giao dịch.
Sau động thái tăng phí của các “ông lớn”, hàng loạt ngân hàng thương mại cổ phần cũng điều chỉnh tăng mạnh.
Chẳng hạn, Ngân hàng Đông Á âm thầm áp dụng phí chuyển khoản qua Internet Banking khác hệ thống là 11.000 đồng/giao dịch, cùng hệ thống nhưng khác tỉnh là 5.500 đồng/giao dịch.
Chủ thẻ ATM của Eximbank nếu chuyển khoản sẽ phải đóng mức phí 0,03% số tiền giao dịch. Ngoài ra, nếu sử dụng dịch vụ SMS Banking, Internet Banking và Mobile Banking phải đóng số tiền tổng cộng 33.000 đồng.
VIB cũng đã không đứng ngoài cuộc đua tăng phí khi triển khai thu phí nhiều dịch vụ trước đây được miễn.
Bỗng dưng bị thu thêm một khoản tiền dù nhỏ nhưng chất lượng, tiện ích, dịch vụ không có gì thay đổi, nhiều khách hàng tỏ ra vô cùng bức xúc.
Chị Hương, một chủ thẻ Vietcombank cho rằng số tiền chỉ tăng lên 550 đồng/giao dịch rút tiền nội mạng, nhưng việc điều chỉnh không chỉ dừng lại một loại dịch vụ này, nhiều dịch vụ cùng được điều chỉnh một lúc sẽ khiến chi phí mà khách hàng phải trả tăng cao.
Chưa kể, bất kỳ hoạt động nào liên quan đến thẻ đều bị ngân hàng thu phí dịch vụ, chẳng khác nào ngân hàng chỉ tính cách tận thu mà không nghĩ đến quyền lợi của khách hàng.
Có thể nói, hầu hết các ngân hàng điều chỉnh mức tăng phí dịch vụ thời gian qua vẫn nằm trong khung cho phép của NHNN, tuy nhiên vẫn khiến dư luận xôn xao. Vì vậy, NHNN vừa có chỉ đạo các ngân hàng tạm dừng tăng phí dịch vụ nội mạng vào thời điểm này.
Chỉ là bước tạm dừng?
Đại diện NHNN cho biết NHNN ban hành quy định về khung phí dịch vụ để các ngân hàng tuân thủ. Dựa vào khung đó, ngân hàng ban hành các mức phí theo chính sách cũng như sự cạnh tranh của ngân hàng. Vì vậy, có ngân hàng thu phí, có ngân hàng không thu.
Tuy nhiên, trên thực tế lâu nay, việc thu các loại phí này thường được các ngân hàng âm thầm quy định và buộc khách hàng phải thực hiện mà không có một lời giải thích, không có sự minh bạch về lý do thu.
Tại văn bản chỉ đạo các ngân hàng tạm dừng tăng phí dịch vụ, NHNN nêu vấn đề “các ngân hàng cần minh bạch thông tin và giải thích cho khách hàng hiểu khi đưa ra bất kỳ thay đổi nào”.
Thời gian qua, các ngân hàng cho rằng phí dịch vụ đang quá thấp, ngân hàng phải bù lỗ nhiều. Ngoài việc phải bỏ một khoản tiền lớn để đầu tư công nghệ, máy ATM, chi phí thuê chỗ đặt máy ATM, đường truyền, bảo trì, điện, tiếp quỹ… mà nặng nhất là số tiền nạp tại các máy ATM đã ngốn của ngân hàng rất nhiều tiền.
Ông Phùng Duy Khương, Phó Tổng Giám đốc VietinBank, phân tích: “Ví dụ mỗi máy nạp 1 tỷ đồng/ngày, hệ thống 2.000 ATM của VietinBank tồn số tiền 2.000 tỷ đồng không sinh lãi. Nếu tính đúng, tính đủ thì giá vốn cho một giao dịch ATM lên đến 9.000 đồng”.
Nhiều ý kiến cho rằng ngân hàng chỉ nêu chung chung để khẳng định “thu không đủ bù chi” mà không tính đến những lợi ích ngân hàng đang được hưởng như: Số tiền gửi không kỳ hạn tồn trên tài khoản, chi phí mà ngân hàng tiết kiệm được nhờ giảm lượng nhân viên, phòng giao dịch, số lượng khách hàng sử dụng thẻ càng tăng thì ngân hàng sẽ có thêm doanh thu…
Theo ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Thẻ ngân hàng, trước phản ứng của dư luận, Hội đã ngồi lại và các ngân hàng thành viên thống nhất sẽ chờ sau hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm xem tình hình kinh doanh thế nào, đặc biệt về mảng thẻ, rồi mới quyết định. Do vậy, phí rút tiền ATM nội mạng có tăng sẽ phải qua quý III năm nay.
Như vậy, động thái của NHNN đã bước đầu tạm “hãm phanh” cuộc đua tăng phí. Sau quý III, nếu các ngân hàng vẫn chỉ lo cho mình mà không tính đến quyền lợi khách hàng, sự hài hòa đôi bên thì chắc chắn cuối năm nay, cuộc đua tăng phí lại nóng trở lại.