Hạn chế dịch vụ “cơi nới” rút tiền qua máy POS
Dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ tín dụng qua máy POS đang rất phổ biến. Tuy nhiên, đa số những người chấp nhận rút tiền từ thẻ tín dụng với hạn mức lên đến 100% thường có khả năng không trả được nợ rất cao, nhiều trường hợp, khách hàng bế tắc buộc phải đi vòng qua kênh này để xoay bằng được tiền mặt trả khoản nợ đến hạn khác.
Lo ngại những rủi ro tiềm ẩn, mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra quy định về hạn mức rút tiền mặt trên thẻ tín dụng nhằm hạn chế rủi ro và hạn chế tội phạm mạng “tung hoành”.
Cửa hàng mở dịch vụ máy POS
Hiện nay, nhiều cửa hàng công khai dịch vụ hỗ trợ khách hàng rút tiền mặt qua thẻ tín dụng. Về nguyên tắc, họ không vi phạm vì vẫn thực hiện trên giao dịch mua bán và cà thẻ qua máy POS tương tự như thanh toán sau khi mua hàng, nhưng sau đó, được nhận lại số tiền này và trả khoản phí dịch vụ theo quy định cụ thể của từng cửa hàng.
Theo quy định, thẻ tín dụng không cho rút tiền mặt hoặc rút tiền mặt tại cây ATM sẽ mất phí rất cao, 4% – 4,5% trên tổng số tiền rút, với hạn mức tối đa 50%. Trong khi đó, rút tiền tại máy POS tại các cửa hàng phí thấp hơn nhiều, chỉ 1,6%-2% và hạn mức rút có thể lên đến 100%.
Vì vậy, rất nhiều người đã tìm đến dịch vụ này để giải quyết nhu cầu tiền mặt. Anh Thành Hưng (chủ trang Website LinkPay) cho biết: Thay vì dùng thẻ tín dụng với mục đích mua nợ, hiện nay nhiều người sử dụng thẻ tín dụng để rút tiền mặt sử dụng vào mục đích cá nhân. Tuy nhiên, họ thường tìm đến dịch vụ rút tiền qua POS bởi không bị ngân hàng tính lãi vay, lãi phạt và hạn mức rút cao.
Anh Hưng nêu ví dụ: Thẻ tín dụng có hạn mức 100 triệu đồng, nếu khách hàng rút tiền ở cây ATM chỉ được tối 50 triệu đồng và bị phạt 4%, đồng thời bị tính lãi luôn. Cuối cùng, số tiền khách hàng thực nhận là 48 triệu đồng, đồng thời số tiền này sẽ phát sinh lãi luôn và được ngân hàng hoạch toán vào tháng tiếp theo. Thông thường lãi suất thẻ tín dụng từ 2,5% đến 2,99%/tháng, tức là từ 28% đến 35%/năm.
Tuy nhiên, rút tiền qua dịch POS không khác quẹt thẻ chi tiêu nên ngân hàng sẽ không được tính lãi tại thời điểm rút và được miễn lãi lên đến 45 ngày và rút được toàn bộ hạn mức.
Theo các chuyên gia Tài chính-Ngân hàng hoạt động này nở rộ sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây nợ xấu tăng cao.
Đa số những người chấp nhận rút tiền từ thẻ tín dụng thường không biết xoay tiền mặt bằng cách nào. Thậm chí, có người phải thông qua kênh này để rút tiền trả nợ ngân hàng các khoản vay như vay tín chấp, vay thế chấp đã đến kỳ hạn.
Thực tế, NHNN đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn việc cho vay qua thẻ tín dụng, từ điều kiện cho vay, vấn đề hồ sơ, quy trình thủ tục và cả quy định về trách nhiệm thanh tra đối với hoạt động này.
Thế nhưng, dịch vụ này vẫn ngày càng bùng phát do lợi nhuận mang lại cho các công ty, cửa hàng vì chỉ cần đầu tư một máy POS là họ có thể thu lợi nhuận khủng từ phí dịch vụ này. Trong khi đó, chủ thẻ vay được tiền của ngân hàng nhưng được hưởng mức lãi thấp hơn với quy định, rút tiền nhanh chóng và hạn mức tối đa mà không bị ngân hàng phạt.
Với những trường hợp có tài sản đảm bảo, ngân hàng cấp hạn mức tín dụng không quá 80% giá trị của tài sản đó và tối đa là 1 tỷ đồng. Đối với chủ thẻ không có tài sản đảm bảo thì hạn mức cấp tín dụng tối đa là 500 triệu đồng.
Theo NHNN, việc giới hạn hạn mức rút tiền theo ngày nhằm hạn chế chủ thẻ tín dụng rút tiền mặt, chi tiêu không đúng mục đích theo luật quản lý ngoại hối và hạn chế rủi ro giao dịch qua máy POS.
Đồng thời, thông qua biện pháp quản lý này, các giao dịch rút tiền mặt với số lượng bị khống chế trong ngày cũng giúp giảm thiểu những thiệt hại nếu chẳng may chủ thẻ bị “hắc” tài khoản lấy trộm tiền.
Hầu hết các chuyên gia tài chính đều đồng tình với quy định này của NHNN và cho rằng việc đưa ra hạn mức rút tiền mặt qua máy POS sẽ hạn chế được rủi ro, nợ xấu.
Tuy nhiên, đối với quy định giới hạn rút ngoại tệ tại nước ngoài tối đa 30 triệu đồng/ngày (khoảng 1.300 USD/ngày) một số chuyên gia cũng cho rằng NHNN nên quy định rõ trong mức 5.000 USD (hơn 110 triệu đồng), số ngoại tệ quy định cho mỗi người Việt đi ra nước ngoài có quyền mang theo.
Bởi nếu cứ rút được 1.300 USD/ngày, mà ngày nào cũng rút thì con số đó sẽ lớn hơn số 5.000 USD tiền mặt mà luật cho phép mỗi cá nhân được mang ra nước ngoài.