Hạn chế rác thải nhựa: Sớm luật hóa nghĩa vụ của doanh nghiệp

Theo daibieunhandan.vn

Nhiều chuyên gia cho rằng, để hạn chế rác thải nhựa, Nhà nước cần có chiến lược cụ thể về vấn đề sản xuất và sử dụng sản phẩm dễ tiêu hủy…

Sự ra đời của các sản phẩm từ nhựa và nilon là tác nhân gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người.
Sự ra đời của các sản phẩm từ nhựa và nilon là tác nhân gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người.

Mối nguy hại rác thải nhựa

Dù Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và môi trường biển nói riêng như: Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quy định về việc kiểm soát ô nhiễm môi trường biển từ các hoạt động trên biển, từ đất liền và xuyên biên giới.

Tuy nhiên, chất thải nhựa mới chỉ được quy định chung trong nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế chứ chưa có quy định riêng, hướng dẫn cụ thể về việc quản lý, thu gom và xử lý chất thải nhựa trên biển. Nhất là khi các sản phẩm nhựa và túi nilon là những vật dụng phổ biến trở nên quen thuộc trong đời sống sinh hoạt của con người. Sự ra đời của các sản phẩm từ nhựa và nilon mang lại các tiện ích, nhưng nó cũng chính là tác nhân gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam mỗi năm phát thải khoảng 25 triệu tấn rác thải sinh hoạt/năm, trong đó rác thải nhựa khoảng 2 triệu tấn/năm. Riêng tại Hà Nội, số liệu thống kê cho thấy, mỗi ngày trên địa bàn thành phố khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh từ 5.500 - 6.000 tấn, trong đó, rác thải nhựa chiếm gần 10% (khoảng 60 tấn).

Tuy nhiên, việc thu hồi rác thải nhựa hiện nay chưa cao, chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Rác thải hiện chủ yếu được tập trung, xử lý tại các bãi rác và một phần trôi nổi ra biển. Với số lượng rác thải như trên Việt Nam hiện đứng thứ 4 trên thế giới về khối lượng rác thải nhựa với mỗi năm có khoảng 730.000 tấn rác thải nhựa ra biển. Vấn nạn “ô nhiễm trắng” không chỉ có ở tại các điểm địa du lịch nổi tiếng, khu đô thị, thành phố lớn mà giờ còn là nỗi ám ảnh ở nhiều làng quê.

Đáng lo ngại, ở không ít vùng biển du lịch đẹp nổi tiếng trở thành “điểm đen” vì ô nhiễm do rác thải nhựa. Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Vũ Sĩ Tuấn, thực trạng biển và đại dương đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng, điển hình nhất là ô nhiễm do rác thải nhựa đại dương.

Hiện thực hóa cam kết

Cùng với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang nỗ lực để loại bỏ ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra. Mục tiêu đến năm 2020 sẽ giảm 65% số lượng túi nilon phân hủy dùng tại các siêu thị và các trung tâm thương mại lớn. Để đạt được mục tiêu này theo đánh giá của các chuyên gia không dễ.

Theo báo cáo của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, năm 2015, Việt Nam sản xuất và tiêu thụ khoảng 5 triệu tấn nhựa, trong đó, khoảng 80% nguyên liệu nhập khẩu sử dụng từ nhựa phế liệu. Chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tại Việt Nam tăng nhanh từ 3,8kg/năm/người năm 1990, tăng lên 41kg/năm/người vào năm 2015. Dự tính, đến năm 2020, mức tiêu thụ này tăng lên 45kg/người/năm. Tuy nhiên, khả năng tái chế nhựa thải chỉ đạt mức chưa tới 10%. Điều này cho thấy, lượng lớn chất thải nhựa đang bị thải bỏ vào môi trường sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.

 

Bởi, hiện nay nước ta vẫn chưa có cơ chế chính sách cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ, hay ưu đãi về vay vốn, về thuế… cho doanh nghiệp để chuyển đổi từ sản xuất sản phẩm nhựa sang các sản phẩm thân thiện với môi trường; chưa có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp phân phối, tiêu dùng chuyển đổi từ túi nilon khó phân hủy sang sản phẩm dễ phân hủy… Do đó, để có thể hạn chế việc rác thải nhựa giải pháp đầu tiên cần hạn chế các sản phảm làm từ đồ nhựa.

Theo đó, Nhà nước cần có chiến lược cụ thể về vấn đề sản xuất và sử dụng sản phẩm dễ tiêu hủy. Đồng thời, có những chính sách ưu đãi, khuyến khích đối với doanh nghiệp sản xuất cũng như doanh nghiệp phân phối; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm thân thiện với môi trường… Đặc biệt, cần tiến tới luật hóa nghĩa vụ của các doanh nghiệp trong việc thu hồi, tái chế hoặc xử lý chất thải của các sản phẩm mà doanh nghiệp sản xuất.

Thực tế trong thời gian qua, Việt Nam đã có những cam kết chính trị mạnh mẽ và nhiều hoạt động thiết thực trong quản lý, giảm rác thải nhựa. Đối với rác thải nhựa đại dương, Chính phủ hiện đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam là đơn vị trực tiếp thực hiện xây dựng Kế hoạch) và Bộ đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch vào ngày 17/6/2019.

Theo đó, kế hoạch đề xuất nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng như: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương; rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý rác thải nhựa đại dương; tăng cường xã hội hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động làm sạch, thu gom rác thải nhựa và rác thải nhựa đại dương…