Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi:
Hạn chế sự chi phối của nhóm cổ đông đối với ngân hàng
Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi siết tỷ lệ sở hữu tối đa và tỷ lệ cho vay vốn nhằm hạn chế sự chi phối của nhóm cổ đông cũng như giảm thiểu rủi ro từ tập trung tín dụng đối với ngân hàng.
Luật TCTD sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua vào ngày 18/1/2024, gồm 15 chương, 210 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Theo đó, những thay đổi có tác động trọng yếu đến các hoạt động của ngành Ngân hàng.
Về tỷ lệ sở hữu của các TCTD, Luật Các TCTD quy định giảm tỷ lệ sở hữu tối đa tại một TCTD từ 15% xuống 10% vốn điều lệ đối với một cổ đông tổ chức; giảm từ 20% xuống còn 15% vốn điều lệ đối với một nhóm cổ đông liên quan, đồng thời mở rộng đối tướng liên quan. Trong khi đó, tỷ lệ sở hữu tối đa của một cá nhân được giữ nguyên ở mức 5%.
Các cổ đông trong nước có tỷ lệ sở hữu vượt quy định được tiếp tục duy trì cổ phần nhưng không được tăng thêm cho đến khi tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu.
Các cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của TCTD phải thực hiện cung cấp thông tin và TCTD phải công bố công khai thông tin của các cổ đông này.
Theo ông Cao Việt Hùng – Chuyên gia phân tích Công ty Chúng khoán ACB (ACBS), việc thắt chặt tỷ lệ sở hữu đối với các cổ đông tổ chức nhằm mục đích giảm sự chi phối của một hoặc một nhóm cổ đông tại các TCTD. Yêu cầu công bố thông tin cổ đông sở hữu 1% trở lên sẽ phần nào gia tăng tính minh bạch và tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý trong việc giám sát.
Các cổ đông trong nước có tỷ lệ sở hữu vượt quy định không phải chịu áp lực bán ra cổ phiếu. Tuy nhiên, các cổ đông chiến lược và cổ đông lớn với mục đích đầu tư tài chính đơn thuần sẽ bị hạn chế tỷ lệ nắm giữ mới. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến việc huy động vốn cấp 1 (nếu có) của các ngân hàng trong tương lai.
Đối với giới hạn cấp tín dụng, Luật Các TCTD quy định giảm tỷ lệ cấp tín dụng trong vòng 5 năm năm tới, từ tối đa 15% xuống còn 10% vốn tự có của ngân hàng đối với một khách hàng; từ tối đa từ 25% xuống còn 15% vốn tự có của ngân hàng đối với một khách hàng và nhóm liên quan.
Ông Hùng cho rằng, quy định mới này có tác động không đáng kể đối với các ngân hàng lớn nhờ xu hướng tăng tỷ trọng cho vay bán lẻ và tăng quy mô vốn chủ sở hữu trong những năm qua.
Ngược lại, các ngành ngân hàng có quy mô vốn chủ sở hữu nhỏ hoặc có tỷ trọng cho vay doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, việc có một lộ trình giảm tỷ lệ cấp tín dụng đến năm 2028 thay vì áp dụng ngay giúp các ngân hàng có nhiều thời gian để tuân thủ hơn.
Như vậy, Luật Các TCTD sửa đổi được thông qua gần như không có sự thay đổi nào khác so với kỳ vọng trước đó của thị trường và so với bản dự thảo đã được đưa ra lấy ý kiến từ tháng 10/2023. Nhìn chung, các vấn đề liên quan đến tỷ lệ sở hữu và giới hạn cấp tín dụng được điều chỉnh theo hướng thắt chặt mà không gây xáo trộn lớn đến các hoạt động của ngành Ngân hàng và nền kinh tế.
Các thông tư, nghị được ban hành tiếp theo để thực thi các nội dung Luật Các TCTD sửa đổi sẽ là chủ đề cần theo dõi, cùng với đó là cần quan sát sự phối hợp giám sát của các cơ quan quản lý trong việc thực thi tinh thần Luật Các TCTD sửa đổi.