Hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới
Trong giai đoạn 2020-2022, sẽ hạn chế cấp bảo lãnh mới cho doanh nghiệp vay trong nước cũng như vay nước ngoài; hạn mức bảo lãnh vay trong nước, nước ngoài hàng năm đảm bảo tốc độ tăng dư nợ bảo lãnh Chính phủ không vượt quá tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội của năm trước.
Trong 6 tháng đầu năm, dịch bệnh Covid-19 bùng phát phần nào ảnh hưởng đến tình hình thực hiện hạn mức bảo lãnh Chính phủ. Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, đối với bảo lãnh Chính phủ cho các dự án vay nước ngoài, 6 tháng đầu năm, không cấp mới bảo lãnh cho dự án vay vốn nước ngoài. Tổng rút vốn nước ngoài trong nửa đầu năm khoảng 4.207,4 tỷ đồng, trả nợ gốc và lãi khoảng 21.630,4 tỷ đồng. Trong khi đó, cũng không cấp mới đối với bảo lãnh Chính phủ cho các dự án vay trong nước. Các dự án được cấp bảo lãnh trước đây không thực hiện rút vốn, tổng trả nợ là 907,7 tỷ đồng, trong đó trả nợ gốc khoảng 311,5 tỷ đồng, trả nợ lãi khoảng 596,2 tỷ đồng.
Nửa đầu năm, Ngân hàng Chính sách Xã hội không thực hiện phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh. Tổng trả nợ 6 tháng đầu năm của ngân hàng này đạt 3.190 tỷ đồng, trong đó trả gốc là 2.325 tỷ đồng và trả lãi 865 tỷ đồng, dư nợ cuối kì của trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh khoảng 37.006 tỷ đồng. Cũng giống như Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Phát triển cũng không thực hiện phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh. Tổng trả nợ của ngân hàng này đạt 18.666 tỷ đồng, trả gốc đạt 15.222 tỷ đồng và trả lãi đạt 3.444 tỷ đồng, dư nợ của trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh là 92.303 tỷ đồng...
Như vậy, trong 6 tháng đầu năm 2020, các chương trình, dự án và ngân hàng chính sách sử dụng vốn vay được Chính phủ bảo lãnh không sử dụng hạn mức bảo lãnh cho năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt. Tính đến ngày 10/6/2020, ước thực hiện dư nợ bảo lãnh Chính phủ khoảng 372.291 tỷ đồng, giảm 7,4% so với dư nợ đầu năm, trong đó nợ trong nước khoảng 167.970 tỷ đồng (giảm 10,4%), nợ nước ngoài khoảng 217.921,9 tỷ đồng (giảm 5,1%).
Được biết, nhằm hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới theo chủ trương của Bộ Chính trị, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ phê duyệt hạn mức bảo lãnh Chính phủ năm 2020 tại Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ về hạn mức bảo lãnh Chính phủ và hạn mức vay về cho vay lại năm 2020. Theo đó, đối với các dự án vay vốn trong và ngoài nước, số rút vốn trong năm 2020 không vượt quá số trả nợ gốc trong năm. Mức bảo lãnh phát hành tối đa đối với hai ngân hàng chính sách năm 2020 bằng mức trả nợ gốc đến hạn trong năm, cụ thể Ngân hàng Phát triển Việt Nam tối đa là 27.062 tỷ đồng và Ngân hàng Chính sách Xã hội tối đa là 4.375 tỷ đồng.
Ngoài ra, theo Quyết định số 1130/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ, liên quan đến hạn mức vay được Chính phủ bảo lãnh và vay thương mại trung và dài hạn nước ngoài của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả năm 2020, thì mức bảo lãnh phát hành trái phiếu đối với 2 ngân hàng chính sách sẽ được xác định trên cơ sở Bộ Tài chính thẩm định hồ sơ đề nghị phát hành của 2 ngân hàng này theo quy định tại Nghị định số 91/2018/NĐ-CP ngày 26/6/2018 của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ.
Đồng thời, việc rút vốn vay trong nước và nước ngoài của các doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ gốc trong năm. Hạn mức vay thương mại nước ngoài trung, dài hạn của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả tối đa 6.090 triệu USD; tốc độ tăng dư nợ nước ngoài ngắn hạn khoảng 16-18% so với dư nợ tại thời điểm 31/12/2019.
Riêng trong giai đoạn 2020-2022, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, đối với 2 ngân hàng chính sách, khống chế mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ gốc hàng năm. Đồng thời, hạn chế cấp bảo lãnh mới cho doanh nghiệp vay trong nước và vay nước ngoài; hạn mức bảo lãnh vay trong nước, nước ngoài hàng năm đảm bảo tốc độ tăng dư nợ bảo lãnh Chính phủ không vượt quá tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội của năm trước.
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, đối với bảo lãnh Chính phủ cho các dự án vay nước ngoài, 6 tháng đầu năm, không cấp mới bảo lãnh cho dự án vay vốn nước ngoài. Tổng rút vốn nước ngoài trong nửa đầu năm khoảng 4.207,4 tỷ đồng, trả nợ gốc và lãi khoảng 21.630,4 tỷ đồng. Trong khi đó, cũng không cấp mới đối với bảo lãnh Chính phủ cho các dự án vay trong nước. Các dự án được cấp bảo lãnh trước đây không thực hiện rút vốn, tổng trả nợ là 907,7 tỷ đồng, trong đó trả nợ gốc khoảng 311,5 tỷ đồng, trả nợ lãi khoảng 596,2 tỷ đồng.