Hàng hải tăng trưởng trong “bão” dịch COVID-19
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội thì hàng hóa qua hệ thống cảng biển Việt Nam vẫn được đảm bảo thông suốt, tăng trưởng 2 con số. Cùng với đó đội tàu Việt tiếp tục vươn xa hơn với tuyến vận tải container kết nối trực tiếp Việt Nam - Malaysia - Ấn Độ chính thức được thiết lập cuối tháng 11/2021.
Đảm bảo ổn định hoạt động khai thác cảng biển
Theo Cục Hàng hải Việt Nam (HHVN), từ đầu năm đến nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nên Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam (HHVN) và các doanh nghiệp liên tục rà soát, kiểm tra, xây dựng phương án di dời container, tăng cường liên kết giữa các cảng trong cùng khu vực và trên cả nước, nếu nguy cơ ùn tắc xuất hiện ở một cảng bất kỳ, dòng chảy hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) không bị gián đoạn.
Nhờ đó, hệ thống cảng biển Việt Nam luôn ổn định, không để xảy ra tình trạng tắc nghẽn. Sản lượng hàng container thông qua cảng biển Việt Nam vẫn tăng trưởng hơn 18% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, hàng container xuất khẩu tăng 16%, hàng nhập khẩu tăng tới 21%.
Ông Hoàng Hồng Giang - Phó Cục trưởng Cục HHVN cho biết, việc đảm bảo ổn định cho hoạt động khai thác cảng biển không chỉ giúp cho hàng hóa duy trì sự tăng trưởng mà còn mang đến lợi thế cho các hiệp hội chủ hàng, doanh nghiệp XNK trong quá trình thương lượng giá cước vận chuyển với hãng tàu.
Nhờ sự ổn định của cảng biển, xu thế giá vận tải biển của Việt Nam hiện thấp nhất trong khu vực trên cùng tuyến. Đơn cử, giá cước trên cùng chặng đến cảng Los Angles, giá cước hãng tàu đang thu của chủ hàng Việt Nam thấp hơn các nước từ 500 - 1.000 USD. Trong suốt thời gian qua, tắc nghẽn tại các cảng lớn trên thế giới khiến tình trạng thiếu container, thiếu tàu liên tục xảy ra, song, các khoản phụ phí hãng tàu áp dụng tại Việt Nam vẫn không tăng, không phát sinh phụ phí mới.
Nghiên cứu của Cục Hàng hải cho thấy, hiện tại, trong cùng khu vực, quy mô xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ chỉ đứng sau Trung Quốc. Thị trường tiềm năng và cộng với giải pháp hiệu quả ngăn chặn nguy cơ ùn ứ sẽ hút các hãng tàu mở thêm tuyến dịch vụ, duy trì định tuyến, định chuyến, giúp hàng hóa XNK Việt Nam thoát được cảnh bị động trong bối cảnh thiếu tàu, khan container, duy trì chuỗi cung ứng và đà tăng trưởng, góp phần thực hiện thành công mục tiêu kép.
Giúp đội tàu Việt đủ sức cạnh tranh tàu ngoại
Với lĩnh vực vận tải biển cũng có tín hiệu đáng mừng. Đó là, tháng 11/2021, Tổng công ty hàng hải Việt Nam (VIMC) đã thiết lập tuyến vận tải container kết nối trực tiếp Việt Nam - Malaysia - Ấn Độ giúp rút ngắn thời gian vận chuyển 10 ngày so với tuyến trung chuyển qua cảng Port Kelang (Malaysia) trước đây và đi trực tiếp, không phải kết hợp với tàu vận tải container nước ngoài.
Qua đó, thắp lên hy vọng Việt Nam sẽ có đội tàu liên lục địa, giúp chủ hàng chủ động hơn trong xuất, nhập khẩu hàng hóa thay vì phải phụ thuộc vào hãng tàu ngoại với giá cước tăng 4 - 8 lần trong hơn 1 năm qua.
Tuy nhiên, thực tế, ở thị trường nội Á, cỡ tàu container trung bình được sử dụng từ 3.000 - 5.000 TEU, trong khi tàu container lớn nhất của Việt Nam mới có gần 1.800 TEU. Chính vì vậy cần sớm nâng cấp đội tàu Việt để tiếp tục vươn xa hơn. Hiện đội tàu vận tải hàng hóa mang cờ Việt Nam có 1.043 chiếc. Trong đó, số tàu trên 30.000 GT chỉ có 13 chiếc. Riêng nhóm tàu container chỉ chiếm 4% với 38 tàu và gần như không có tăng trưởng trong giai đoạn năm 2016 - 2021.
Theo Cục HHVN, đội tàu biển Việt Nam chủ yếu phù hợp với thị trường vận chuyển hàng hóa ven biển nội địa hoặc quốc tế ngắn trong khu vực. Thị trường vận tải hàng xuất, nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu do các hãng tàu ngoại chiếm lĩnh, tỷ lệ đảm nhận của đội tàu trong nước dù trong năm 2021 đã tăng so với hai năm trước đó, song cũng chỉ khiêm tốn ở mức 6%. Ngay thị trường nội địa, nếu không có chính sách bảo hộ, chắc chắn các hãng tàu nước ngoài sẽ thay thế đội tàu Việt Nam cung cấp các dịch vụ vận chuyển container nội địa với chất lượng dịch vụ cao.
Bộ luật Hàng hải 2015 quy định ưu tiên phát triển đội tàu vận tải biển thông qua các chính sách ưu đãi và lãi suất vốn vay. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có văn bản pháp luật quy định các mức ưu đãi. Tại Đề án phát triển đội tàu vận tải biển quốc tế Việt Nam mới xây dựng, Cục HHVN đã kiến nghị các cấp có thẩm quyền tiếp tục có các chính sách hỗ trợ chủ tàu Việt Nam phát triển đội tàu hàng rời, tổng hợp có trọng tải lớn, tuổi tàu thấp thay thế dần các tàu nhỏ, cũ hiện nay.
Giá vận tải biển của Việt Nam thấp nhất trong khu vực cùng tuyến
Hệ thống cảng biển Việt Nam luôn ổn định, không để xảy ra tình trạng tắc nghẽn. Sản lượng hàng container thông qua cảng biển Việt Nam vẫn tăng trưởng hơn 18% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, hàng container xuất khẩu tăng 16%, hàng nhập khẩu tăng tới 21%. Nhờ sự ổn định của cảng biển, xu thế giá vận tải biển của Việt Nam hiện thấp nhất trong khu vực trên cùng tuyến.