Hàng hóa ASEAN và cuộc chiến thương mại
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Phần lớn các nhà phân tích tính đến hậu quả mà các nước liên hệ làm ăn với họ sẽ bị ảnh hưởng, nhưng nhiều nhà phân tích khác đặt câu hỏi liệu cuộc chiến thương mại này có thể nổ ra trực tiếp với các thành viên Cộng đồng Kinh tế ASEAN không, và trong trường hợp này lợi hại sẽ ra sao, cho từng nước.
Cán cân thương mại nghiêng về ASEAN
Người Mỹ đang tìm cách lấy lại sự cân bằng mậu dịch, và cán cân thương mại từ lâu không chỉ nghiêng về Trung Quốc mà cả các nước Đông Nam Á. Tổng lượng thâm hụt mậu dịch của Mỹ với khối ASEAN lên đến 91,8 tỉ đô la Mỹ. Nhiều nước đang phát triển nhắm đến Mỹ như một thị trường tiêu thụ, bán hàng qua Mỹ thì nhiều trong khi tìm mua hàng ở những nước khác giá rẻ hơn.
Bảng cân đối mậu dịch năm 2017 giữa Mỹ và các nước ASEAN cho thấy chỉ có Brunei và Singapore có cán cân thương mại nghiêng về phía Mỹ, lần lượt với thặng dư 98,3 triệu đô la Mỹ và hơn 10.438 triệu đô la Mỹ, và tỷ số giữa xuất hàng sang Mỹ so với nhập hàng từ Mỹ lần lượt là 16/84 và 39/61. Singapore nhắm đến phát triển thành một trung tâm công nghệ cao và tiến lên từ thành phố thông minh thành quốc gia thông minh, vì thế không lạ khi họ nhập khẩu chủ yếu công nghệ của Mỹ, chứ không phải các nơi khác.
Số liệu của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho tài khóa đến đầu năm 2017 cho biết Việt Nam nhập khẩu 8,1 tỉ đô la từ Mỹ nhưng xuất hàng sang thị trường này đến 46,5 tỉ đô la. Cùng lúc này thâm hụt mậu dịch giữa Mỹ và Malaysia là 24,4 tỉ đô la; Thái Lan là 20,2 tỉ đô la; Indonesia 13,3 tỉ đô la; Philippines 3,2 tỉ và Cambodia 2,7 tỉ. Tháng 3 năm nay, Phó đại diện thương mại Mỹ phụ trách châu Á, châu Âu và Trung Đông, ông Jeffrey T. Gerrish đã đưa ra lời nhắc nhở rằng “Hoa Kỳ đã làm nhiều để ASEAN tiếp cận thị trường. ASEAN cũng cần làm nhiều hơn nữa cho chúng tôi”.
Cơ hội cho ASEAN
Sau Trung Quốc, Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Một hiệp định song phương được Mỹ và Việt Nam ký vào năm 2000, theo đó đưa Việt Nam vào diện những nước ưu tiên (MFN). Lượng hàng nhập từ nền kinh tế lớn nhất thế giới này về Việt Nam cũng đã tăng lên trong 10 năm qua, từ mức 1,1 tỉ đô la lên 8,1 tỉ đô la vào năm 2017.
Nhưng con số này thấp hơn nhiều so với tổng giá trị lượng hàng mà Việt Nam xuất sang Mỹ. Hiện Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ các mặt hàng dệt may, da giày, điện thoại và linh kiện, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, và những sản phẩm nông – lâm – thủy sản khác. Nông sản, đồ uống thuộc nhóm các mặt hàng Việt Nam nhập từ Mỹ.
Hiện tại, Mỹ đang nhập khẩu đến 25% lượng tấm pin mặt trời từ Malaysia, nhưng đây cũng chỉ là một con số nhỏ trong bức tranh xuất khẩu thiên về hàng công nghiệp của Mã Lai. Vấn đề chỉ phức tạp nếu Malaysia liên hệ với cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc về các mặt hàng điện và điện tử. Nhưng bù lại nước này có thể gia tăng xuất khẩu hóa chất sang Mỹ thay thế Trung Quốc, và gia tăng sản lượng dầu cọ vào Trung Quốc thay thế cho dầu đậu nành của Mỹ.
Điểm yếu của cả Thái Lan, Indonesia và Việt Nam là xuất chủ yếu các hàng nông sản, trong khi điểm mạnh của Malaysia là xuất khẩu hàng công nghiệp. Tuy nhiên, trong cuộc chiến thương mại chưa có dấu hiệu dừng lại giữa Mỹ và Trung Quốc, Thái Lan vẫn có thể gia tăng lượng hàng nông sản tươi sống và chế biến thay Trung Quốc vào đất Mỹ, và Việt Nam cũng vậy.
Diễn biến cuộc chiến thương mại trong thời gian sắp tới sẽ rất phức tạp, cả về số lượng mục tiêu mặt hàng và mức độ, cả về ảnh hưởng liên đới, lợi hay hại cho từng nước trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN vốn lệ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu từ Trung Quốc và xuất khẩu sang Mỹ.
Cuộc chiến thương mại trực tiếp giữa Mỹ và các nước ASEAN có thể sẽ không diễn ra chừng nào các nước này không tham gia vào việc bán hàng cho Trung Quốc sang thị trường Mỹ. Mặt khác cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc cũng mang đến nhiều cơ hội để các nước ASEAN điền vào chỗ khuyết do Trung Quốc để lại, đặc biệt là nông sản và các mặt hàng giá rẻ.
Nhưng về lâu về dài, và từ kinh nghiệm của Singapore, ASEAN phải nhắm đến nhập khẩu công nghệ cao từ Mỹ để phát triển và tạo lợi thế cạnh tranh. Nhưng người ta sợ rằng, với khối lượng hàng hóa khổng lồ, một khi phải chịu thuế cao trên thị trường Mỹ thì các công ty Trung Quốc đổ dồn vào Đông Nam Á và tạo thế cạnh tranh bất lợi cho các doanh nghiệp bản xứ.