Hàng hóa xuất nhập khẩu và phương tiện xuất nhập cảnh chịu sự giám sát của lực lượng hải quan
Tháo gỡ vướng mắc về tình trạng các doanh nghiệp đưa phương tiện vận tải của Campuchia vào các địa điểm tự phát không đủ điều kiện tập kết, kiểm tra giám sát tại khu vực cửa khẩu Khánh Bình, tỉnh An Giang, Tổng cục Hải quan hướng dẫn cụ thể về quy định của pháp luật về kiểm tra giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK), phương tiện xuất nhập cảnh (XNC).
Đối tượng làm thủ tục hải quan và chịu sự giám sát hải quan
Tổng cục Hải quan cho biết, khoản 1 Điều 38 Luật Hải quan 2014 quy định: Đối tượng giám sát hải quan gồm hàng hóa, phương tiện vận tải, phương tiện vận tải nội địa vận chuyển hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan (được quy định chi tiết tại Điều 6 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi tại Nghị định số 59/2018/NĐ-CP, theo đó, hàng hóa XNK và phương tiện XNC là đối tượng phải làm thủ tục hải quan, chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan trong địa bàn hoạt động của cơ quan Hải quan).
Theo quy định tại Điều 51 Luật Hải quan thì hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới là hàng hóa phục vụ sinh hoạt, sản xuất bình thường của cư dân biên giới của Việt Nam với cư dân biên giới của nước có chung đường biên giới quốc gia với Việt Nam. Hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới phải chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan.
Trong khi đó, Điều 16 Luật Hải quan quy định: Hàng hóa, phương tiện vận tải phải được làm thủ tục hải quan, chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan; vận chuyển đúng tuyến đường, đúng thời gian qua cửa khẩu hoặc các địa điểm khác theo quy định của pháp luật.
Cũng theo Điều 68 Luật Hải quan, phương tiện vận tải thương mại nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh phải di chuyển theo đúng tuyến đường quy định, chịu sự giám sát hải quan từ khi đến địa bàn hoạt động hải quan, quá trình di chuyển cho đến khi ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Địa bàn hoạt động hải quan, giám sát hải quan đối với hàng hoá, phương tiện
Liên quan đến quy định pháp luật về địa bàn hoạt động hải quan và công tác giám sát hải quan đối với hàng hóa, phương tiện chịu sự giám sát hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Luật Hải quan năm 2014 thì hàng hóa XNK và phương tiện XNC là đối tượng phải làm thủ tục hải quan, chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan trong địa bàn hoạt động của cơ quan Hải quan.
Điều 7 Luật Hải quan quy định địa bàn hoạt động hải quan như sau: Khu vực cửa khẩu đường bộ, ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng hàng không dân dụng quốc tế; cảng biển, cảng thủy nội địa có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; khu vực đang lưu giữ hàng hóa chịu sự giám sát hải quan, khu chế xuất, khu vực ưu đãi hải quan; các địa điểm làm thủ tục hải quan, kho ngoại quan, kho bảo thuế, bưu điện quốc tế, trụ sở người khai hải quan khi kiểm tra sau thông quan; các địa điểm kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong lãnh thổ hải quan..
Theo Điều 22 Luật Hải quan, địa điểm kiểm tra thực tế hàng hóa bao gồm: địa điểm kiểm tra tại khu vực cửa khẩu đường bộ, ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng hàng không dân dụng quốc tế; bưu điện quốc tế; cảng biển, cảng thủy nội địa có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa.
Về nhiệm vụ và quyền hạn của công chức hải quan, theo Điều 19 Luật Hải quan, thì thực hiện kiểm tra, giám sát hải quan; giám sát việc mở, đóng, chuyển tải, xếp dỡ hàng hóa tại địa điểm làm thủ tục hải quan và địa điểm kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hải quan thì yêu cầu chủ hàng hóa, chủ phương tiện vận tải, người chỉ huy, người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người được ủy quyền thực hiện các yêu cầu để kiểm tra, khám xét hàng hóa, phương tiện vận tải theo quy định của Luật này và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Phương tiện vận tải thương mại Việt Nam nhập cảnh chịu sự giám sát hải quan từ khi tới địa bàn hoạt động hải quan cho đến khi toàn bộ hàng hóa nhập khẩu chuyên chở trên phương tiện vận tải được dỡ hết khỏi phương tiện để làm thủ tục nhập khẩu. Phương tiện vận tải thương mại Việt Nam xuất cảnh chịu sự giám sát hải quan từ khi bắt đầu xếp hàng hóa xuất khẩu cho đến khi ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Về điều kiện của các tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 67/2020/NĐ-CP ngày 15/6/2020 quy định về điều kiện kinh doanh kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra giám sát hải quan. Trong đó, tại Điều 36 của Nghị định này quy định rõ về điều kiện để kho bãi địa điểm được công nhận là khu vực đủ điều kiện được phép tập kết, lưu giữ, bảo quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để chờ làm thủ tục hải quan.
Tổng cục Hải quan cho biết, căn cứ các quy định trên, đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh, phương tiện qua lại khu vực biên giới để giao nhận hàng hóa thì hoạt động bốc xếp, xếp dỡ hàng hóa lên/xuống phương tiện vận tải nước ngoài phải chịu sự giám sát, kiểm tra của cơ quan Hải quan.
Việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát được thực hiện trong địa bàn hoạt động hải quan theo quy định tại Luật Hải quan và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật này, cụ thể là các địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ở biên giới theo quy định tại Nghị định số 68/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 67/2020/NĐ-CP ngày 15/06/2020 của Chính phủ.
Để đảm bảo công tác giám sát hải quan theo đúng quy định tại Luật Hải quan và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, Tổng cục Hải quan đã ban hành Công văn số 2777/TCHQ-GSQL ngày 7/7/2022 chỉ đạo Cục Hải quan tỉnh An Giang tăng cường công tác quản lý, giám sát hải quan tại các cửa khẩu biên giới thuộc tỉnh An Giang, trong đó có cửa khẩu Khánh Bình.
Không được giám sát, kiểm tra hàng hoá xuất nhập khẩu tại các địa điểm tự phát
Liên quan tới phản ánh của một số báo, các doanh nghiệp ở An Giang lo lắng trước yêu cầu đưa hàng vào tập kết đột ngột, gặp khó khăn trong sản xuất, phân loại, tập kết hàng hóa nông, thủy sản…, Tổng cục Hải quan cho biết, vấn đề này chưa phản ánh đúng bản chất sự việc, cũng như chức năng nhiệm vụ của cơ quan hải quan theo quy định của pháp luật.
Theo lý giải của Tổng cục Hải quan, đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, phân loại, vận tải, bốc dỡ hàng hóa của các doanh nghiệp tại các địa điểm trong nội địa, nếu không liên quan đến phương tiện vận tải của nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh hoặc hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thì hoạt động bình thường theo quy định của pháp luật. Cơ quan hải quan không can thiệp, cho phép hay không cho phép thực hiện các hoạt động này.
Đồng thời, không được phép thực hiện giám sát, kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại các địa điểm tự phát này do không đáp ứng điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan và chưa được Tổng cục Hải quan công nhận.
Trường hợp các doanh nghiệp cố tình đưa phương tiện nhập cảnh của nước ngoài vào các địa điểm này này để bốc xếp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là vi phạm pháp luật.