Hàng không giá rẻ chưa thực sự rẻ
Dư địa phát triển hàng không ở Việt Nam còn nhiều, nếu có thêm các hãng hàng không thì thị trường sẽ cạnh tranh quyết liệt hơn, người tiêu dùng được hưởng lợi.
Thị trường hàng không tăng trưởng mạnh, hàng loạt hãng bay đang xếp hàng đợi cấp phép, nhưng khả năng giá vé máy bay giảm vẫn khó, còn thuế và phí vẫn cứ tăng đều…
Thiếu cạnh tranh
Theo Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA), giai đoạn 2010 – 2017, tốc độ tăng trưởng hành khách thị trường Việt Nam đạt mức tăng trưởng kép (CAGR) 16,7%/năm, cao nhất châu Á – Thái Bình Dương. Hội đồng Sân bay Quốc tế (ACI) cũng đưa ra dự báo Việt Nam là thị trường tăng trưởng hành khách nhanh nhất thế giới trong nhóm thị trường trên 50 triệu hành khách giai đoạn 2016-2040.
Dự báo năm 2018, thị trường hành khách đạt 72 triệu lượt (tăng 16% cùng kỳ), trong đó hành khách nội địa và quốc tế đạt lần lượt 35 triệu lượt và 37 triệu lượt.
Như vậy, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tại Việt Nam đang tăng cao. Tuy nhiên, thị trường vận chuyển hành khách tại Việt Nam hiện nay chỉ là "cuộc chơi" của 4 hãng: Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar Pacific và VASCO đảm nhận.
Thực chất trong 4 hãng này chỉ có 2 hãng có động lực cạnh tranh mạnh với nhau là Vietjet và Vietnam Airlines. Còn Jetstar Pacific và VASCO là công ty con hoặc có vốn của Vietnam Airlines.
Trong khi đó, nhiều hãng bay đã đăng ký nhưng vẫn trong trạng thái… chờ được cấp các loại giấy phép.
Như công ty cổ phần Dịch vụ Globaltrans Air có vốn điều lệ 100 tỷ đồng đã được Bộ GTVT cấp phép kinh doanh khai thác hàng không chung (thực hiện các chuyến bay trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, cấp cứu…), nhưng bị thu hồi từ tháng 11/2016 do chưa hoạt động khai thác vận tải hàng không trong thời hạn 18 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép…
Vietstar Airlines có vốn điều lệ 800 tỷ đồng công bố kế hoạch bay từ đầu năm 2016 và nhiều lần nộp hồ sơ xin cấp phép bay nhưng đến nay vẫn chưa được chấp thuận, một trong những nguyên nhân là sân bay Tân Sơn Nhất hiện… quá tải.
Thị trường hàng không gần đây tiếp tục dậy sóng khi công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways – công ty con của Tập đoàn FLC) được Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất để được hoạt động.
Tre Việt cũng đã công bố tuyển 92 phi công; 250 tiếp viên, nhân viên kỹ thuật…, đồng thời thông báo sẽ cất cánh vào cuối năm 2018.
Giá vé đã rẻ?
Theo thống kê của Rome2Rio – trang chuyên về tìm đường và phương tiện du lịch nổi tiếng trên thế giới về giá vé máy bay toàn cầu, giá vé máy bay của Việt Nam hiện nay nằm ngoài top 50 hãng hàng không giá rẻ trên thế giới.
Cụ thể, giá vé trung bình của Vietjet Air tại Việt Nam là 0,14 USD/ km, của Jetstar Pacific là 0,15 USD/km và Vietnam Airlines là 0,3 USD/km.
Đại diện một hãng hàng không cho rằng sở dĩ các hãng bay tại Việt Nam không góp mặt vào top vé máy bay giá rẻ trên thế giới là do chi phí nhiên liệu xăng dầu tại Việt Nam cao hơn so với thế giới.
Theo đó, nhiên liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi phí hoạt động của hãng hàng không, dao động 30- 40%, trong khi giá xăng ở Việt Nam cao hơn 20-30% so với các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng việc có quá ít tính cạnh trong thị trường hàng không khiến giá cả và chất lượng phục vụ của ngành này chưa khiến hành khách hài lòng. Bên cạnh đó, thời gian gần đây, các hãng hàng không liên tục tăng giá vé vì tăng phí quản trị hệ thống.
Cụ thể, Jetstar Pacific, Vietjet Air đã áp dụng mức phí quản trị hệ thống, phí thay đổi chỗ, chặng bay… trong tháng 6/2018 tăng hơn 100.000 – 140.000 đồng so với trước đây.
Cũng trong tháng 6, Vietjet tăng phí quản trị hệ thống mới lên mức 210.000 – 370.000 đồng/ vé tùy theo chặng bay quốc nội hoặc quốc tế, tăng 100.000 – 130.000 đồng/vé so với trước. Vietjet cũng tăng phí đổi tên hành khách, phí thay đổi chặng bay, ngày bay…
Trước đó, tháng 4/2018, Vietnam Airlines bắt đầu áp dụng mức giá 90% vé người lớn cho trẻ em từ 2 đến 12 tuổi, thay vì 75% như trước đây.
Như vậy, có thể thấy, thiếu tính cạnh tranh mạnh trong thị trường khiến giá vé máy bay hiện nay chưa thực sự rẻ như đúng tên gọi của nó.
Nhiều chuyên gia hàng không cho rằng dư địa phát triển hàng không ở Việt Nam còn nhiều, nếu có thêm các hãng hàng không, thị trường sẽ cạnh tranh quyết liệt hơn, người tiêu dùng được hưởng lợi. Tất nhiên, phải đảm bảo nghiêm ngặt điều kiện an toàn bay của các hãng.
Khi mở thêm các hãng hàng không đồng nghĩa sẽ gây áp lực lên hạ tầng, tuy nhiên sẽ tăng tính cạnh tranh trên thị trường hàng không về loại hình dịch vụ, giá vé, chặng bay…, giúp hành khách có nhiều lựa chọn hơn.