Hàng lậu, hàng giả “nóng” trên mọi tuyến đường
Từ đầu năm 2020 đến nay, tình trạng buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại tiếp tục “nóng” trên tất cả các tuyến: đường bộ, đường biển, đường hàng không và cả kênh bán hàng trực tuyến.
Liên tiếp phát hiện kho lậu quy mô lớn
Gần đây, vụ việc 1 kho hàng lậu rộng 10.000m2 tại Lào Cai được Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp với Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động và Cục A05, Bộ Công an đột kích kiểm tra, xử lý gây “sốt” dư luận. Đây là một trong những vụ việc tiêu biểu, có quy mô lớn nhất từ trước tới nay mà lực lượng chức năng phát hiện, mô hình bán hàng thông qua hình thức livestream trên mạng xã hội. Các mặt hàng tại kho này là giày dép, kính mắt, đồng hồ, hàng tiêu dùng, mỹ phẩm... nhập lậu hoặc có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới. Đối tượng vi phạm sử dụng thủ đoạn rất tinh vi từ khâu chọn địa điểm tập kết đến các khâu bán hàng.
Trước đó, thời điểm các hãng hàng không bắt đầu khôi phục mạng bay nội địa, lực lượng QLTT cũng phát hiện, xử lý một lô hàng lậu lớn tại sân bay Nội Bài bao gồm gần 2.000 sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... không hoá đơn chứng từ nhập về Việt Nam qua đường hàng không. Đây là lô hàng có giá trị lớn nằm trong đường dây chuyên vận chuyển hàng lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thường xuyên lợi dụng đường hàng không để đưa hàng vào sâu nội địa, cất giấu cả trong các kho chứa chuyên nghiệp.
Mới đây nhất, lực lượng chức năng vừa đột kích kho hàng lậu khủng với quy mô hơn 100.000 sản phẩm được phát hiện nằm tại cảng ICD Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội) - nơi đặt trụ sở của cơ quan hải quan. Sản phẩm gồm chăn ga, quần áo, mỹ phẩm, đồ gia dụng các loại… chưa đóng bao bì và có bao bì kèm theo có thể hiện mã vạch và sản xuất tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Trên đây chỉ là một số vụ việc điển hình nhất từ đầu năm 2020 đến nay. Theo thống kê của Tổng cục QLTT, tính đến tháng 6/2020, lực lượng QLTT đã phát hiện, xử lý trên 26.000 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 173 tỷ đồng. Trong đó, hầu hết là các vi phạm liên quan đến buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu, hàng giả.
Quyết liệt triệt phá vi phạm
Dự báo nửa cuối năm hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả còn diễn biến phức tạp, khó lường, lực lượng QLTT cả nước định hướng công tác trọng tâm là chủ động nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách nhằm kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để kịp thời đấu tranh ngăn chặn. Trong đó, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội (Facebook, Zalo...).
Lực lượng QLTT tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng như Hải quan, Biên phòng, Công an, Thanh tra chuyên ngành... bảo đảm sự đồng bộ, tạo được sức mạnh tổng hợp từ Trung ương đến địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội trong việc cung cấp thông tin để phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên thị trường tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả bằng các hình thức đa dạng, thiết thực; thực hiện ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng và kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Tổng cục QLTT đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đưa vào hoạt động chính thức các hệ thống phần mềm phân biệt hàng thật, hàng giả, chứng từ điện tử, xử lý vi phạm hành chính… nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh chống các vi phạm.