Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái: Cần người tiêu dùng vào cuộc
Bên cạnh các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu, hàng giả, hàng nhái còn “hoành hành” mạnh ở lĩnh vực thời trang, bao gồm các mặt hàng: quần áo, túi xách, đồng hồ, kính mắt…
Đồ hiệu nhái tràn lan phố lớn
Chỉ trong nửa cuối tháng 5, lực lượng chức năng liên ngành đã liên tục thu giữ hàng nghìn sản phẩm làm giả các nhãn hiệu nổi tiếng ở ngay trung tâm Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Đơn cử, mới đây khi các đội Quản lý thị trường (QLTT), Cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra đột xuất các cửa hàng kinh doanh thời trang trên các tuyến phố Hai Bà Trưng, Hàng Bông, Hàng Đường… đã phát hiện và thu giữ số lượng hơn 2.000 sản phẩm áo, quần, túi, ví, phụ kiện thời trang giả mạo các nhãn hiệu quốc tế nổi tiếng như Chanel, Louis Vuitton, Gucci, Hemes, Dior, Lascote, Burberry… Đa phần sản phẩm không kèm theo hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Đáng chú ý, theo đại diện Tổng cục QLTT, các cửa hàng vi phạm đều là các cửa hàng đã bị thu giữ số lượng lớn hàng giả, hàng nhái và ký cam kết không buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng gian lận thương mại hồi đầu năm. Tuy nhiên, ngay sau khi hết thời hạn giãn cách xã hội do dịch Covid-19, các cửa hàng này lại tiếp tục buôn bán hàng giả các nhãn hiệu nổi tiếng.
Tình trạng này cũng tương tự ở TP. Hồ Chí Minh. Vừa qua, các ngành chức năng đồng loạt ra quân, tiến hành kiểm tra tại 6 tụ điểm kinh doanh thuộc quận 1 và quận 10 TP. Hồ Chí Minh, phát hiện hàng chục nghìn mặt hàng có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu lớn đã được bảo hộ ở Việt Nam như Gucci, D&G, Louis Vuitton… Các cơ sở kinh doanh này đã lợi dụng mạng xã hội, internet để quảng cáo và bán ra thị trường các sản phẩm trên trong một thời gian dài.
Có thể thấy, hàng giả, hàng nhái trên thị trường rất đa dạng về mẫu mã, chủng loại. Hầu hết các hãng có thương hiệu uy tín, được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái. Thậm chí các sản phẩm nhái còn “đắt khách” hơn cả sản phẩm chính hãng do có lợi thế về giá cả.
Người tiêu dùng phải ngừng “tiếp tay”
Mặc dù các cơ quan, lực lượng chức năng đã nỗ lực kiểm soát, xử lý vấn nạn hàng nhái, nhưng chính tâm lý dễ dãi trong mua sắm của người tiêu dùng đã tạo cơ hội cho hàng giả, hàng nhái thương hiệu “tung hoành” trên thị trường.
Đáng nói là ngoài những người tiêu dùng mua vì không phân biệt được chất lượng hàng hóa, không ít người dù biết là hàng giả, hàng nhái vẫn sử dụng vì lý do giá rẻ, hoặc không nhận định việc ngăn chặn hàng vi phạm là nhiệm vụ của mình.
Người tiêu dùng nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Khi tham gia mua, bán những mặt hàng này, quyền lợi của chính người mua cũng bị xâm phạm; ngoài ra còn “tiếp tay” cho các đối tượng gây “loạn” thị trường; ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu, uy tín của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.
Thực chất, trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, người tiêu dùng là mắt xích quan trọng nhất. Khi người mua kiên quyết tẩy chay các hàng hóa này, các tổ chức, đối tượng vi phạm sẽ bị ngăn chặn đầu ra. Nếu phát hiện hàng giả, hàng nhái, người tiêu dùng nên phản hồi ngay với cơ sở sản xuất, doanh nghiệp hoặc cơ quan chức năng để các đơn vị liên quan nhận biết đưa ra biện pháp xử lý kịp thời. Việc này không chỉ bảo vệ quyền lợi của chính mình mà còn góp phần để thị trường hàng hóa lưu thông lành mạnh.
Vấn nạn kinh doanh hàng giả, hàng nhái trong lĩnh vực thời trang tuy không gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng nhưng lại làm giảm uy tín của các thương hiệu, tác động tiêu cực đến thị trường, kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế đất nước.