Hàng lậu, hàng giả tung hoành là do lỗ hổng quản lý?
Hàng giả, hàng lậu tung hoành dù cơ quan chức năng liên tục triệt phá, các chuyên gia nhận định, tình trạng hàng lậu, hàng giả là do lỗ hổng quản lý.
Liên tiếp đột nhập nhiều hang ổ hàng lậu, hàng giả
Ngày 16/7/2020, Đội Quản lý thị trường số 1 và Đội Quản lý thị trường số 6 thuộc Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã cùng thành viên Tổ công tác 368 (Tổ công tác về thương mại điện tử - Tổng cục Quản lý thị trường), tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh thuộc Công ty TNHH một thành viên chuyển phát nhanh Thuận Phong - Chi nhánh Hà Nội nằm trong khuôn viên Cảng ICD Mỹ Đình, số 17 Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Người đứng đầu Chi nhánh là ông Fang Hong Yuan - quốc tịch Trung Quốc.
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện số lượng hàng hóa rất lớn được đóng trong các thùng cát tông, bao tải, túi ni lông… bên ngoài có dán các thông tin về chủ hàng như: Tổng kho Thanh Vân, shop Hồng Thắm, shop Hương Ngát… đang tập kết tại Cơ sở dịch vụ bưu chính Thuận Phong để chuẩn bị chuyển phát.
Kiểm đếm cụ thể, đoàn đã phát hiện các mặt hàng gồm: chăn ga các loại mang nhãn Zara Home; quần áo Adidas, ấm đun nước điện, mặt nạ đắp mặt, táo sấy khô đóng hộp, cao xoa bóp, kem đánh răng, xịt khoáng, mỹ phẩm dưỡng da, dầu gội đầu, dầu xả, sữa bột, đồ gia dụng các loại…, các loại miếng dán giản cân, tiêu mỡ được để rời chưa đóng bao bì và có bao bì…
Toàn bộ số hàng trên, doanh nghiệp chỉ cung cấp được 01 hóa đơn giá trị gia tăng kèm tờ khai hải quan. Nhưng thực tế đối chiếu đối với hàng hóa cụ thể thì không phù hợp về chủng loại, kích thước. Ngoài ra, không xuất trình được hóa đơn chứng từ gì khác.
Sau hơn 6 tháng theo dõi liên tục, chiều ngày 7/7, Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động và Cục A05, Bộ Công an đã tấn công vào 1 kho hàng lậu hơn 10.000m2 tại thành phố Lào Cai.
Gần 100 cảnh sát cơ động và lực lượng quản lý thị trường đã ập vào kho hàng có địa chỉ tại 145 Hoàng Diệu, TP Lào Cai. Các mặt hàng tại kho đều là: giày dép, kính mắt, đồng hồ, hàng tiêu dùng, mỹ phẩm… nhập lậu hoặc có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như LV, Gucci, Chanel, Adidas…
Trước đó, vào ngày 2/6, Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội tiến hành khám lô hàng có vận đơn số 738.4744-6512 được vận chuyển từ sân bay Tân Sơn Nhất đến sân bay Nội Bài.
Kết quả kiểm tra cho thấy toàn bộ số hàng hóa này được sản xuất tại nước ngoài và không có hóa đơn chứng từ kèm theo. Theo nhận định ban đầu, đây là lô hàng có giá trị lớn nằm trong một đường dây chuyên vận chuyển hàng lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thường xuyên lợi dụng đường hàng không để đưa hàng vào sâu nội địa, cất giấu trong các kho chứa chuyên nghiệp.
Các mặt hàng bao gồm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung, thuốc tân dược, đồ gia dụng, đồ chơi (con thú), sữa các loại với tổng số 1.877 sản phẩm được đựng trong 43 kiện và 10 thùng chứa hàng.
Bố trí chuyên nghiệp, chuyên môn hoá từng khâu
Thực trạng này cho thấy hàng giả, hàng nhái luôn tồn tại và hoạt động ngày càng tinh vi khiến cơ quan chức năng đau đầu, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Tổng cục Quản lý thị trường đánh giá, đây là hoạt động có đường dây, ổ nhóm được bố trí chuyên nghiệp, tổ chức thành các nhóm chuyên môn hoá từng khâu, phân công giữa các thành viên phối hợp nhịp nhàng. Hoạt động kinh doanh này chỉ có thể triển khai được nhờ lợi dụng triệt để việc bán hàng trên các nền tảng Internet bao gồm cả bán buôn, bán lẻ và hàng trăm nghìn sản phẩm hàng giả, hàng lậu được đưa ra thị trường một cách trót lọt trong suốt 2 năm qua.
Trước đây, hàng lậu, hàng giả thường được tập kết từ các kho sau đó xé lẻ đến cơ sở kinh doanh từ đó mới bán cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của các cơ sở này hiện nay đang chuyển hướng theo hình thức: hàng hóa sẽ được tập kết tại các tổng kho, các kho hàng lớn, sau đó sẽ được xé lẻ ngay tại các kho, tổng kho và thông qua dịch vụ vận chuyển, chuyển phát của các đơn vị dịch vụ bưu chính và chuyển đến tận tay người tiêu dùng.
Nhiều chuyên gia nhận định, việc hàng hoá được tập kết với số lượng lớn như vụ bắt giữ vừa qua cho thấy dường như vẫn có lỗ hổng trong quản lý và thực thi thông quan.
Cụ thể, đối với vụ việc tại khuôn viên Cảng ICD Mỹ Đình số 17 Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, Hà Nội, lãnh đạo Cục Hải quan Hà Nội cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin, cục đã yêu cầu tất cả các chi cục Hải quan rà soát báo cáo. Tuy nhiên, kết quả báo cáo bước đầu của các chi cục này cho thấy, chủ của kho hàng trên không làm thủ tục hải quan nào ở các đơn vị thuộc Cục Hải quan Hà Nội.
Còn đối với vụ tại Lào Cai thì các chuyên gia nhận định, số hàng không thể vượt biên giới vào Lào Cai dễ dàng bằng thuyền qua sông Hồng (đoạn chảy giáp huyện Bát Xát), và cũng không thể gùi bộ qua lối mở nhỏ hoặc đường mòn giáp biên. Nghi vấn nên được tập trung vào cửa khẩu chính tắc (có thể là Kim Thành hoặc Cốc Lếu) khi thông quan hàng hoá.
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Ban chống buôn lậu và gian lận thương mại thành phố Hà Nội cho rằng, các cơ sở này hoạt động một thời gian dài mà cơ quan chức năng không hề hay biết, cho thấy sự tắc trách của các cơ quan liên quan. Trước hết là công an kinh tế, cơ quan quản lý thị trường, sau đó là trách nhiệm của chính quyền cơ sở đã không kiểm tra đôn đốc các đơn vị dưới quyền.
Vì vậy, để ngăn chặn được tình trạng hàng giả, hàng lậu tung hoành như hiện nay cần sự vào cuộc mạnh mẽ của chính lực lượng quản lý Nhà nước.