Hàng loạt quốc gia ráo riết bơm tiền "chữa bệnh" Covid-19 cho doanh nghiệp
Đến chiều 15/3/2020, số người nhiễm Covid-19 trên toàn cầu là 156.125, với hơn 5.800 ca tử vong. Trước tình hình dịch bệnh tiếp tục lây lan mạnh, hàng loạt quốc gia đang gấp rút "bơm tiền" để cứu nền kinh tế.
Theo hãng tin Reuters, ngân hàng trung ương Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) - hai nền kinh tế lớn nhất Trung Đông, hôm qua tuyên bố đã chuẩn bị các gói kích thích tài chính với giá trị tổng cộng lên tới 40 tỷ USD để giảm thiểu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19.
Cụ thể, UAE sẽ chi 27 tỷ USD hỗ trợ các ngân hàng và doanh nghiệp (DN) nội địa, trong bối cảnh các khu vực kinh tế chủ chốt của nước này như du lịch, vận tải bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh. Trong những tuần qua, hàng loạt sự kiện thể thao, hoà nhạc hay hội nghị tại UAE đều đã bị huỷ hoặc hoãn để ngăn ngừa vi rút lây lan.
Về phía Ả Rập Saudi, ngân hàng trung ương nước này cho biết đã chuẩn bị một gói kích thích tài chính trị giá 13 tỷ USD để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) ứng phó với Covid-19. Theo đó, các DNVVN tại Ả Rập Saudi sẽ được hoãn chi trả các khoản thanh toán cho ngân hàng trong nửa năm, đồng thời được ưu đãi tài chính và miễn giảm thuế thông qua một chương trình cho vay có bảo lãnh.
Châu Âu thông qua gói kích thích 120 tỷ EUR
Còn tại châu Âu - nơi đang được xem "tâm điểm" của Covid-19, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 12/3 dù quyết định không cắt giảm lãi suất, song đã thông qua gói kích thích kinh tế lên tới 120 tỷ EUR (135 tỷ USD) để trợ giúp cho nền kinh tế, nhất là với các ngân hàng đang gặp khó khăn do dịch bệnh. Giữ nguyên lãi suất chủ chốt ở mức -0,5%, ECB đã thông qua gói thu mua trái phiếu và tín dụng ưu đãi đến hết năm 2020 và kỳ vọng điều này sẽ kích thích vay đầu tư thay vì giữ tiền trong ngân hàng.
Riêng tại Đức - nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu, chính phủ đã tung ra gói hỗ trợ kinh tế lớn nhất kể từ sau Thế chiến thứ 2, cũng như đề xuất hỗ trợ không giới hạn chương trình tín dụng cho các DN gặp khó khăn do Covid-19.
Theo Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier, chính phủ sẽ hỗ trợ 550 tỷ EUR (khoảng 614 tỷ USD) cho các DN mới kinh doanh. Ngoài ra, chính phủ đồng ý đến năm 2024 sẽ tăng mức đầu tư công thêm 12,4 tỉ Euro, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN yêu cầu trợ cấp hỗ trợ người lao động bị giảm giờ làm.
Mỹ ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia
Ở bên kia bán cầu, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia do dịch COVID-19, qua đó "giải phóng" thêm 50 tỷ USD ngân sách cho hoạt động chống dịch, cũng như tiết lộ kế hoạch dự trữ dầu thô và miễn thanh toán lãi suất cho các khoản vay sinh viên.
Thêm vào đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chi nhánh New York hai ngày trước đã thông báo sẽ bơm 1.500 tỷ USD để tiếp sức cho thị trường tài chính, trong bối cảnh tâm lý lo ngại nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái phủ bóng lên các nhà kinh tế và giới đầu tư, kể từ khi ông Trump ra lệnh cấm tất cả các chuyến đi đến Mỹ từ châu Âu trong 30 ngày, ngoại trừ nước Anh.
Ông Trump hồi cuối tuần trước cũng thông qua gói chi tiêu ngân sách khẩn cấp trị giá 8,3 tỷ USD để tăng cường ứng phó với Covid-19, đồng thời cho biết chính phủ sẽ cung cấp các khoản vay lãi suất thấp cho những DN bị tổn thương vì dịch bệnh và cho phép các cá nhân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trả thuế chậm mà không bị tính lãi hay bị phạt.
Nhật Bản, Singapore tích cực hỗ trợ DN
Còn tại châu Á, Nhật Bản cũng vừa thông qua gói cứu trợ khẩn cấp thứ hai với tổng trị giá lên tới gần 1.000 tỷ Yen (9,6 tỷ USD) để ứng phó Covid-19. Trong đó, 500 tỷ Yen là để hỗ trợ tài chính cho DNVVN đang gặp khó khăn và 430,8 tỷ Yen trong ngân sách của tài khóa 2019.
Theo kế hoạch, chính phủ Nhật sẽ cung cấp các khoản vay không lãi suất cho DNVVN cũng như tiểu thương bị thiệt hại về doanh thu từ 15% và 20% do dịch bệnh.
Với DN và tiểu thương có doanh thu giảm từ 5% - 14%, chính phủ sẽ cung cấp khoản vay với lãi suất dưới 1%. Mặt khác, chính phủ sẽ trợ cấp 4.100 Yen/ngày cho những người làm nghề tự do phải nghỉ việc để chăm sóc con cái khi trường học đóng cửa.
Với Singapore - một trong những quốc gia chịu tác động lớn nhất về y tế lẫn kinh tế tại châu Á do Covid-19, chính phủ đã tung ra gói giải cứu đầu tiên trị giá 4 tỷ SGD cho DN từ giữa tháng trước. Theo đó, Chương trình Hỗ trợ Việc làm sẽ trả 8% thu nhập của mỗi lao động Singapore trong 3 tháng. Mỗi tháng, mức này không vượt quá 3.600 SGD và khoản trả sẽ được thanh toán cho các DN vào cuối tháng 7.
Bên cạnh đó, DN cũng sẽ được hoàn thuế thu nhập DN hiện ở mức 25% trong năm nay, với mức hoàn tối đa là 15.000 SGD/DN. Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore Heng Swee Keat cũng cho biết nhiều ưu đãi thuế và hỗ trợ tiếp cận vốn lưu động trong một năm cũng sẽ được áp dụng, để tăng lượng tiền mặt cho các DN.