Hàng ngàn doanh nghiệp hồi sinh nhờ chương trình kết nối với ngân hàng
Thông qua chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, gần 6.300 doanh nghiệp đã được tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp.
Qua đó tạo điều kiện cho DN giảm bớt những khó khăn về vốn, góp phần tác động giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực tài chính và cải thiện năng lực cạnh tranh của DN. Đó là nhận định của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng tại Hội nghị sơ kết 3 năm chương trình kết nối ngân hàng - DN trên địa bàn TP.HCM được tổ chức tại TP.HCM cuối tuần qua.
Vốn rẻ cứu doanh nghiệp
Báo cáo tại Hội nghị, ông Tô Duy Lâm, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, những DN tham gia chương trình dù thuộc ngành nghề nào (có thể không hoạt động trong 5 lĩnh vực ưu tiên) đều được hưởng lãi suất ưu đãi tương đương lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên theo quy định tại thời điểm tham gia ký kết. Hiện nay, lãi suất cho vay đối với khách hàng tham gia chương trình phổ biến từ 6% đến 7%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và xoay quanh mức 9%/năm đối với khoản vay trung, dài hạn.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình cho biết, quận Tân bình hiện có gần 18.000 DN đang hoạt động, trong đó đa phần là DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Trong những năm trước, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, nhiều DN phải ngưng hoạt động và hoạt động cầm chừng. Chỉ tính riêng năm 2012 đã có gần 500 DN đăng ký ngưng hoạt động. Trước tình hình đó, khi UBND TP.HCM đề ra chương trình kết nối ngân hàng - DN, quận Tân Bình đã rất tích cực hưởng ứng nhằm giúp DN tiếp cận vốn, vượt qua khó khăn. Qua 3 năm, tại Tân Bình đã có 6 đợt kết nối ngân hàng - DN, giúp cho 135 DN được vay vốn với tổng số 4.500 tỷ đồng. Đến nay, tất cả những DN này đều đã vượt qua khó khăn và ổn định sản xuất.
Ông Nguyễn Tấn Phước, Phó Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp (Hepza) cũng chia sẻ, hiện Hepza có 1.200 nhà đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh với tổng vốn đầu tư 9,7 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu hàng năm đạt 4 tỷ USD, xuất khẩu đạt 5 tỷ USD. Các dự án đầu tư trong Hepza đều là dự án dài hạn nên đều được xem là khách hàng tin cậy của hệ thống ngân hàng. Trong 3 năm triển khai chương trình kết nối ngân hàng - DN, Hepza đã tổ chức được 2 đợt kết nối với 96 DN được cấp vốn 4.500 tỷ đồng. Đồng thời tháng 8 tới, Ban quản lý sẽ tiếp tục phối hợp cùng NHNN chi nhánh TP.HCM tổ chức cho 21 DN vay số vốn 1.384 tỷ đồng. Ông Phước cũng cho biết, Hepza mong muốn có mối quan hệ chặt chẽ hơn với các tổ chức tín dụng, Sở Công Thương để từ đó có những dự báo với các DN về chính sách đầu tư, hỗ trợ vốn ưu đãi, kịp thời giúp các DN, nhà đầu tư vượt qua khó khăn và sử dụng nguồn vốn đúng mục đích.
Là một trong số hàng ngàn DN đã hồi sinh nhờ đồng vốn nhận được từ chương trình kết nối ngân hàng - DN, ông Trần Tụ, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Savi (Savipharm) cho biết, trong các năm 2010 - 2012, Savipharm gặp khó khăn rất lớn về vốn. Qua chương trình, Savipharm nhận được nguồn vốn vay của Ngân hàng VietinBank chi nhánh TP.HCM. Với nguồn vốn được giải ngân, Công ty đã phát triển mạnh trong giai đoạn 2013 - 2015 với mức tăng trưởng bình quân trên 20%, đặc biệt, Công ty còn xuất khẩu được sản phẩm sang Nhật.
Về phía các ngân hàng, ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank chia sẻ tại hội nghị, sau 3 năm, VietinBank đã giải ngân khoảng 90.000 tỷ đồng cho các DN tham gia chương trình, hiện dư nợ còn lại trên 30.000 tỷ đồng. Đặc biệt, tất cả các khoản vay trong chương trình đều không phát sinh nợ xấu.
Tiếp tục lan tỏa
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, trong quá trình triển khai chương trình kết nối ngân hàng - DN, ông nhận thấy có 3 vấn đề cần giải quyết. Theo đó, mặc dù UBND TP.HCM đã giao cho 9 đầu mối là các cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - DN nhằm giúp chương trình phủ sóng khắp thành phố. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tình trạng DN kêu khó vay vốn, lãi suất cao… Ngoài ra, một số DN có phương án sản xuất kinh doanh tốt nhưng không đáp ứng điều kiện vay (tài sản thế chấp), các DN cũng yêu cầu lãi suất trung dài hạn ổn định trong suốt thời gian vay.
Để giải quyết các tồn tại trên, ông Minh đã đề xuất một số giải pháp. Theo đó, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cùng Sở Công Thương, Hiệp hội DN, UBND các quận huyện rà soát danh sách DN tại các quận, huyện. DN nào có nhu cầu và đáp ứng đủ điều kiện sẽ được giải quyết cho vay, đảm bảo thời gian tới không còn tình trạng DN đủ điều kiện vay mà không vay được. Đối với các DN có phương án sản xuất kinh doanh tốt nhưng không có tài sản thế chấp sẽ cho vay theo 2 hướng: Cho vay tín chấp hoặc cho vay qua hình thức thế chấp bằng các dòng tiền. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng tích cực giải quyết nợ xấu, tích cực huy động vốn trung dài hạn để đảm bảo nguồn vốn trung dài hạn cho vay và ổn định lãi suất các kỳ hạn này. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cũng đã thiết lập đường dây nóng hỗ trợ việc vay vốn của DN. Qua 3 năm, đã có trên 30 DN được vay vốn thông qua việc phản ánh thông tin qua đường dây nóng.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng cũng đề nghị giảm thêm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến, hiện lãi suất cho vay ưu đãi tối đa đã là 7%/năm. Muốn giảm thêm lãi suất đầu ra phải phụ thuộc vào tình hình kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và nhất là lãi suất tiền gửi. Hiện lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm phổ biến 6%/năm, việc cho vay ở mức này đã là cố gắng rất lớn của các Ngân hàng thương mại.