Hàng Việt đang lên ngôi

Theo daidoanket.vn

(Tài chính) Liên tiếp những ngày gần đây các loại hàng hóa "made in China” khó tiêu thụ. Các thông tin "hạn chế dùng hàng Tàu” đi từ thực tế vào các trang mạng xã hội. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam giảm nhập siêu từ Trung Quốc, hàng Việt cũng có đòn bẩy lật chuyển thế cờ.

Hàng Việt đang là lựa chọn số một của nhiều người tiêu dùng. Nguồn: daidoanket.vn
Hàng Việt đang là lựa chọn số một của nhiều người tiêu dùng. Nguồn: daidoanket.vn
Người tiêu dùng không mặn mà với hàng "made in China”

Hiện nhiều mặt hàng từ tiêu dùng đến các loại hàng công nghệ cao bày bán tại Việt Nam đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Thậm chí có những thời điểm phần lớn các mặt hàng hoa quả được bày bán tại các chợ đầu mối, các siêu thị đều dán mác "made in China”. Song diễn biến trên thị trường trong 1 tuần gần đây cho thấy, nhiều nhà kinh doanh bắt đầu hạn chế nhập hàng Trung Quốc.

Ghi nhận tại các chợ đầu mối lớn trên địa bàn Hà Nội, các loại hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc bán  chậm hơn bình thường. Tại chợ Long Biên, chợ đầu mối bán buôn lớn của Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc, mức luân chuyển hàng hóa tới hàng trăm tấn/ngày, chủ yếu hoa quả và nông sản thực phẩm xuất xứ Trung Quốc, chiếm tỷ lệ  70- 80%, thì nay khi hỏi có phải hàng Trung Quốc không các chủ hàng đều khẳng định "hoa quả miền Nam 100%”. Trước đây, các vỏ thùng xốp chữ Trung Quốc được vứt lung tung dễ nhận biết thì nay phần lớn được thay bằng thùng các tông, bên ngoài đóng khung gỗ. 

Trong khi đó một số chợ truyền thống như chợ Hôm, chợ Hàng Bè, phần lớn người tiêu dùng cho biết, nếu thấy mác xuất xứ ghi chữ "made in China” là chuyển sang lựa chọn hàng hóa xuất xứ khác. Theo khảo sát của phóng viên, người dân  đang dần "tẩy chay” rau, củ, quả có xuất xứ từ Trung Quốc. Nhiều người nội trợ cũng đã "nói không” với các loại rau, củ, quả đẹp mắt, bóng loáng, căng mọng vì nghi ngờ có nguồn gốc từ Trung Quốc.

 Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam: "Lâu nay người tiêu dùng Việt Nam không mấy mặn mà với hàng hóa Trung Quốc vì vấn đề chất lượng. Việc thị trường người tiêu dùng trong nước thời gian gần đây xuất hiện làn sóng tẩy chay hàng Trung Quốc chỉ là một hiện tượng xã hội, thể hiện thái độ của người tiêu dùng phản ứng lại hành động đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam của Trung Quốc”.

Cơ hội chuyển tình thế

Một thống kê từ Bộ Công thương cho biết, những năm gần đây, tốc độ nhập siêu đã giảm dần, từ mức 85% giai đoạn 2001-2008 xuống còn 17% giai đoạn 2009-2013. Tỉ lệ giá trị nhập siêu/xuất khẩu cũng có chuyển biến lớn, nếu năm 2008 tỉ lệ trên đạt 255% thì đến năm 2012 còn 133%. 

Trung Quốc  vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2013 lên tới 50,2 tỷ USD. Trong đó Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc năm 2013 là 36,9 tỷ USD.

Thế nhưng, trước tâm lý tiêu dùng "nói không với hàng Trung Quốc”,  các doanh nghiệp nội hoàn toàn có thời cơ vàng để khai thác thị trường. Đơn cử, Công ty cổ phần Đường Ninh Hòa đã tăng trưởng ngoạn mục trong thời gian gần đây, bằng việc tăng mạnh sản lượng bán ra mặc dù ngành đường đang là một trong những ngành gặp khốn khó với tồn kho và ngoại nhập.  Hay các doanh nghiệp nội làm nhiệm vụ phân phối trên thị trường nội địa như Coopmart, Fivmart … cũng cam kết đẩy mạnh tiêu thụ các hàng hóa có xuất xứ Việt Nam.

Tuy nhiên, để hàng hóa Việt có hiệu ứng lan tỏa thì chất lượng là điều vô cùng quan trọng. Nhiều nhà hoạch định chính sách còn cho rằng, trong tiến trình hội nhập, chẳng hạn theo đúng cam kết của tiến trình tự do hoá thương mại khu vực ASEAN/AFTA vào năm 2018, thì các doanh nghiệp cũng phải có những cam kết nhất định về quá trình phát triển hay nói cách khác là cam kết về bảo hộ tỉ lệ nội địa hoá trong mỗi sản phẩm của doanh nghiệp mình. Điều này sẽ khuyến khích các nhà sản xuất nội địa sử dụng hàng lẫn nhau.