Tuy nhiên, việc ra đời và hoạt động của các quỹ này đòi hỏi cần có hướng dẫn và hành lang pháp lý cụ thể. Thông tư 224/2012/TT-BTC ngày 26/12/2012 của Bộ Tài chính đã giải đáp khó khăn, vướng mắc về thành lập và quản lý quỹ đóng, quỹ thành viên…

Thông tư 224/2012/TT-BTC ngày 26/12/2012 hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ đóng, quỹ thành viên, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/3/2013, đồng thời thay thế Quyết định số 45/2007/QĐ-BTC ngày 5/6/2007 của Bộ Tài chính về việc ban hành Quy chế thành lập và quản lý quỹ đầu tư chứng khoán.

Với 7 Chương, 35 Điều, Thông tư số 224/2012/TT-BTC quy định việc huy động vốn, thành lập, quản lý và giám sát hoạt động quỹ đóng (không bao gồm quỹ đầu tư bất động sản (BĐS)), quỹ thành viên trên lãnh thổ nước Việt Nam.

Thông tư được áp dụng cho các đối tượng là Công ty quản lý quỹ, ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát; Trung tâm Lưu ký Chứng khoán; Sở Giao dịch chứng khoán; Ban đại diện quỹ, thành viên ban đại diện quỹ và các nhà đầu tư (NĐT) của quỹ; Các tổ chức và cá nhân có liên quan.

Đối với quỹ đóng

Quỹ đóng là hình thức quỹ phát hành chứng chỉ quỹ một lần duy nhất khi tiến hành huy động vốn cho quỹ và quỹ không thực hiện việc mua lại cổ phiếu/chứng chỉ đầu tư khi NĐT có nhu cầu bán lại. Nhằm tạo tính thanh khoản cho loại quỹ này, sau khi kết thúc việc huy động vốn (hay đóng quỹ), các chứng chỉ quỹ sẽ được niêm yết trên thị trường chứng khoán. Các NĐT có thể mua hoặc bán để thu hồi vốn đầu tư của mình thông qua thị trường thứ cấp. Chứng chỉ quỹ có thể được giao dịch thấp hoặc cao hơn giá trị tài sản ròng của quỹ (NAV).

Theo quy định của Thông tư 224/2012/TT-BTC, trong thời hạn 10 ngày sau khi hoàn thành đợt chào bán hoặc giấy chứng nhận đăng ký chào bán hết hiệu lực, công ty quản lý quỹ phải gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) hồ sơ đăng ký thành lập quỹ gồm: Giấy đăng ký thành lập quỹ; Báo cáo kết quả đợt chào bán, kèm theo văn bản xác nhận của ngân hàng giám sát về số vốn huy động được trong đợt chào bán và số lượng NĐT thanh toán cho đợt chào bán.

Nếu phát hành thêm chứng chỉ quỹ để tăng vốn thì trong thời hạn 5 ngày sau khi kết thúc đợt phát hành, công ty quản lý quỹ phải đề nghị UBCKNN điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký thành lập quỹ. Hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký thành lập quỹ. Hồ sơ đăng ký thành lập quỹ, hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký thành lập quỹ được lập thành 01 bộ gốc kèm theo tệp dữ liệu điện tử gửi đến UBCKNN. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được bộ hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, UBCKNN cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập quỹ hoặc điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký thành lập quỹ. Nếu chưa được cấp giấy chứng nhận UBCKNN phải có trả lời cụ thể bằng văn bản.

Thông tư quy định quỹ đóng được phép đầu tư vào các loại tài sản sau đây tại Việt Nam: Gửi tiền tại các ngân hàng thương mại theo quy định của pháp luật; Công cụ thị trường tiền tệ bao gồm giấy tờ có giá trị, công cụ chuyển nhượng theo quy định trong lĩnh vực ngân hàng; Trái phiếu chính phủ (TPCP), trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương; Cổ phiếu niêm yết, cổ phiếu đăng ký giao dịch, trái phiếu niêm yết trên Sở Giao chứng khoán của Việt Nam; Cổ phiếu chưa niêm yết, cổ phiếu chưa đăng ký giao dịch của công ty đại chúng; trái phiếu chưa niêm yết của các tổ chức phát hành hoạt động theo pháp luật Việt Nam; Cổ phiếu của công ty cổ phần, phần vốn góp tại công ty trách nhiệm hữu hạn...

Tuy nhiên, cơ cấu danh mục đầu tư của quỹ phải phù hợp với các quy định tại điều lệ quỹ và phải bảo đảm: Không đầu tư vào chứng khoán của một tổ chức phát hành quá 15% tổng giá trị chứng khoán đang lưu hành của tổ chức đó, ngoại trừ TPCP; Không đầu tư quá 20% tổng giá trị tài sản của quỹ vào các loại chứng khoán và các tài sản (nếu có) được phát hành bởi cùng một tổ chức, ngoại trừ TPCP; Không đầu tư quá 30% tổng giá trị tài sản của quỹ vào các tài sản quy định; Không đầu tư quá 10% tổng giá trị tài sản của quỹ vào bất động sản và các tài sản tài chính.

Ngoài ra, không được sử dụng vốn và tài sản của quỹ để cho vay, bảo lãnh cho các khoản vay, trừ trường hợp đầu tư tiền gửi theo quy định; không được sử dụng tài sản của quỹ để thực hiện các giao dịch ký quỹ (vay mua chứng khoán), bán khống (cho vay chứng khoán để bán) hay đầu tư vào chứng chỉ của chính quỹ đó, đầu tư vào các quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán thành lập và hoạt động tại Việt Nam.

Việc phát hành thêm chứng chỉ quỹ phải được công ty quản lý quỹ đăng ký với UBCKNN và phải đáp ứng đủ điều kiện quy định của Luật Chứng khoán; phải có phương án phát hành và sử dụng vốn đã được đại hội NĐT gần nhất thông qua.

Phương án thông qua phải bao gồm các nội dung sau: Thông tin về tỷ lệ quyền mua; nguyên tắc và phương thức xác định giá phát hành; mức độ pha loãng chứng chỉ quỹ dự kiến sau khi phát hành; phương thức xác định giá phát hành; tỷ lệ phát hành thành công hoặc số tiền tối thiểu thu được trong đợt phát hành và phương án xử lý trong trường hợp không đạt tỷ lệ phát hành thành công hoặc không thu đủ số tiền tối thiểu như dự kiến; tiêu chí lựa chọn NĐT để chào bán và phương thức xác định điều kiện chào bán trong trường hợp không phân phối hết số chứng chỉ quỹ dự kiến phát hành thêm; Thông tin về phương án sử dụng vốn; mục tiêu, kế hoạch, lộ trình giải ngân (nếu có).

Bên cạnh đó, chỉ được phát hành cho NĐT hiện hữu của quỹ thông qua phát hành quyền mua chứng chỉ quỹ. Quyền mua chứng chỉ quỹ được phép chuyển nhượng. Trường hợp NĐT hiện hữu không thực hiện quyền mua chứng chỉ quỹ, công ty quản lý quỹ được chào bán cho NĐT khác.

Đối với quỹ thành viên

Quỹ thành viên huy động vốn bằng phương thức phát hành riêng lẻ cho một nhóm nhỏ các NĐT, có thể được lựa chọn trước, là các cá nhân hay các định chế tài chính hoặc các tập đoàn kinh tế lớn, do vậy tính thanh khoản của quỹ này sẽ thấp hơn quỹ công chúng. Về bản chất, Quỹ thành viên là một dạng Quỹ đầu tư chứng khoán, tuy nhiên, quỹ này chỉ giới hạn ở một số ít NĐT tham gia góp vốn. Mục tiêu chủ yếu của việc thành lập các Quỹ thành viên là để thực hiện các hoạt động đầu tư có tính chất tương đối mạo hiểm.

Với tính chất rủi ro như vậy, quỹ thành viên không phù hợp với việc huy động vốn từ công chúng. Quy mô và phạm vi huy động vốn của quỹ chỉ tập trung vào một số ít NĐT lớn, có tiềm lực tài chính và có khả năng chấp nhận rủi ro cao trong hoạt động đầu tư. Chính vì vậy, để tham gia vào quỹ thành viên, các NĐT phải đạt được những điều kiện nhất định do pháp luật đặt ra.

Theo quy định của Bộ Tài chính, việc thành lập quỹ thành viên phải có vốn thực góp tối thiểu là 50 tỷ đồng; Có tối đa 30 thành viên góp vốn và chỉ bao gồm thành viên là pháp nhân trong nước, tổ chức nước ngoài; Tài sản của quỹ được lưu ký tại một ngân hàng lưu ký độc lập với công ty quản lý quỹ.

Hồ sơ báo cáo thành lập quỹ thành viên bao gồm: Giấy đề nghị đăng ký hoạt động; Điều lệ quỹ, bao gồm các nội dung có liên quan; Bản cáo bạch, trong đó tại trang bìa của bản cáo bạch phải nêu rõ nguyên tắc hoạt động của quỹ: “Quỹ này không phải tuân thủ các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư của quỹ đầu tư chứng khoán thực hiện chào bán chứng chỉ quỹ ra công chúng. Việc đầu tư vào quỹ này chỉ phù hợp đối với các tổ chức sẵn sàng chấp nhận mức rủi ro cao tiềm tàng từ việc đầu tư của quỹ. Tổ chức đầu tư vào quỹ này cần cân nhắc kỹ trước khi tham gia góp vốn, quyết định đầu tư”; Hợp đồng lưu ký tài sản, Biên bản thoả thuận góp vốn, danh sách các tổ chức tham gia góp vốn và Bản sao có chứng thực quyết định thành lập, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc tài liệu tương đương khác của thành viên góp vốn. Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc tài liệu tương đương phải có chứng thực của cơ quan nơi tổ chức đó đã đăng ký không quá 6 tháng trước ngày hoàn tất hồ sơ đăng ký lập quỹ và phải được dịch công chứng theo quy định của pháp luật liên quan. Biên bản họp và quyết định của đại hội đồng cổ đông hoặc hội đồng quản trị, quyết định của hội đồng thành viên hoặc của chủ sở hữu phù hợp với quy định tại điều lệ công ty của tổ chức góp vốn về việc tham gia góp vốn vào quỹ, về việc cử người đại diện phần vốn góp theo uỷ quyền kèm theo hồ sơ cá nhân của người này và Bản sao giấy chứng nhận đăng ký mã số giao dịch chứng khoán của tổ chức nước ngoài cùng với Giấy xác nhận của ngân hàng lưu ký về quy mô vốn đã góp...

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, UBCKNN có trách nhiệm thông báo bằng văn bản xác nhận công ty quản lý quỹ đã báo cáo về việc thành lập quỹ thành viên. Trong thời 05 ngày, kể ngày nhận được thông báo của UBCKNN, công ty quản lý quỹ công bố thông tin về việc thành lập quỹ thành viên theo quy định.

Quỹ thành viên được đầu tư vào các loại tài sản như quỹ đóng ngoài ra còn được tham gia góp vốn thành lập công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn theo quy định của pháp luật về DN. Trường hợp điều lệ quỹ có quy định và được đại hội thành viên chấp thuận bằng văn bản, quỹ thành viên được đầu tư vào các loại BĐS đáp ứng điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định pháp luật về kinh doanh BĐS.

Trong hoạt động quản lý quỹ thành viên, công ty quản lý quỹ phải bảo đảm các điều kiện như: Không đầu tư vào chính quỹ đó và vào các quỹ đầu tư chứng khoán khác, kể cả công ty đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư BĐS; Không được sử dụng vốn, tài sản của quỹ để cho vay, bảo lãnh cho khoản vay của bất cứ bên thứ ba nào; không được bảo lãnh phát hành chứng khoán.

Trường hợp điều lệ quỹ có quy định, quỹ được vay thế chấp, thấu chi hoặc các hình thức khác từ ngân hàng lưu ký, vay mua chứng khoán (giao dịch ký quỹ) theo nguyên tắc như: Việc vay tài sản phải phù hợp với quy định của pháp luật; Hạn mức vay do đại hội thành viên quyết định, nhưng phải bảo đảm tổng nợ và các khoản phải trả của quỹ không vượt quá 30% tổng tài sản của quỹ tại mọi thời điểm; Bộ phận tín dụng của ngân hàng lưu ký phải tách biệt hoàn toàn về cơ cấu tổ chức và hoạt động đối với bộ phận lưu ký tài sản của quỹ; hoạt động tín dụng là độc lập với hoạt động lưu ký và không thuộc phạm vi điều chỉnh của hợp đồng lưu ký...

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng quy định về hoạt động của ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát. Theo đó, ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát được lựa chọn tổ chức tài chính ở nước ngoài có chức năng lưu ký tài sản làm tổ chức lưu ký phụ để lưu ký các tài sản ở nước ngoài của quỹ được đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật.

Đối với hoạt động giám sát quỹ đóng của ngân hàng giám sát, Bộ Tài chính quy định: Phạm vi giám sát chỉ hạn chế trong các hoạt động của công ty quản lý quỹ có liên quan tới quỹ đóng mà ngân hàng thực hiện chức năng giám sát. Trách nhiệm của ngân hàng giám sát trong hoạt động giám sát đầu tư của công ty quản lý quỹ đối với tài sản của quỹ đóng là: Phối hợp với công ty quản lý quỹ định kỳ rà soát quy trình nội bộ về nguyên tắc, phương pháp xác định giá trị tài sản ròng của quỹ; giám sát việc xác định giá tài sản ròng; kiểm tra, bảo đảm giá trị tài sản ròng trên một chứng chỉ quỹ là tính đúng, chính xác và phù hợp quy định của pháp luật, quy định tại điều lệ quỹ.

Đồng thời, giám sát hoạt động đầu tư và các giao dịch tài sản của quỹ, kiểm tra lại bảo đảm loại tài sản đầu tư, cơ cấu danh mục đầu tư là phù hợp với các quy định về hạn chế đầu tư, hạn chế vay theo quy định của pháp luật và tại điều lệ quỹ; giám sát các giao dịch tài sản giữa quỹ với công ty quản lý quỹ và người có liên quan, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật và điều lệ quỹ. Trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật, ngân hàng giám sát phải báo cáo cho UBCKNN và thông báo cho công ty quản lý quỹ trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi phát hiện sự việc đồng thời yêu cầu công ty quản lý quỹ thực hiện biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời các hậu quả phát sinh trong thời hạn theo quy định...

Một điểm được nhấn mạnh trong Thông tư này là, tài sản của quỹ vẫn thuộc sở hữu của NĐT (tương ứng với tỷ lệ vốn góp), không phải là tài sản của công ty quản lý quỹ, ngân hàng giám sát hoặc ngân hàng lưu ký. Công ty quản lý quỹ chỉ được sử dụng tài của quỹ để thanh toán các nghĩa vụ thanh toán của quỹ, không được sử dụng để thanh toán hoặc bảo lãnh cho nghĩa vụ nợ, nghĩa vụ thanh toán của công ty hoặc tổ chức, cá nhân khác dưới mọi hình thức và trong mọi trường hợp.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 4 - 2013

Hành lang pháp lý mới cho quỹ đóng và quỹ thành viên

TS. Đoàn Minh Phụng

(Tài chính) Quỹ đầu tư chứng khoán là một công cụ huy động vốn và đầu tư rất hiệu quả trên các thị trường vốn. Đặc biệt với thị trường chứng khoán Việt Nam, thành lập các quỹ đầu tư trở thành vấn đề tất yếu để thúc đẩy thị trường phát triển, đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư.

Xem thêm

Video nổi bật