Hành lang tăng trưởng Á - Phi
Nhằm đối trọng với Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng mạnh mẽ về kinh tế và chính trị thông qua sáng kiến “Vành đai và Con đường”, Ấn Độ và Nhật Bản cũng khởi xướng và đẩy mạnh những sáng kiến phát triển quốc tế riêng, đồng thời mở rộng liên kết trục với nước thứ ba.
“Hành lang tăng trưởng Á - Phi”
Ngay sau Diễn đàn “Vành đai và Con đường” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ra mắt sáng kiến “Hành lang tăng trưởng Á - Phi (AAGC)” tại một cuộc họp của Ngân hàng Phát triển châu Phi ở thành phố Gujarat, Ấn Độ.
Được định hình trong cuộc họp giữa ông Modi và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tháng 11.2016, quan hệ đối tác này dự kiến sẽ có thêm động lực vào tháng 9 tới khi ông Abe công du Ấn Độ.
Mục tiêu của AAGC là tăng cường hội nhập giữa các nền kinh tế của Nam, Đông Nam, và Đông Á với châu Đại Dương và châu Phi. Theo báo The Indian Express, ý tưởng là “tạo ra khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở bằng cách khám phá lại các tuyến đường biển cổ đại và tạo ra những hành lang biển mới”.
Thực tế, nó được định hình là một loạt tam giác kinh tế phần lớn dựa trên biển, kết nối các thành phố và trung tâm sản xuất khác trên khắp khu vực. Các khu vực này được dự đoán sẽ tăng trưởng nhanh chóng và trở thành tâm điểm tăng trưởng kinh tế tiếp theo của thế giới.
Châu Phi nhiều khả năng sẽ là biên cương kế tiếp của sự phát triển, với các nền kinh tế của nhiều nước đang tăng trưởng ở mức từ 7 - 10%/năm. Cả Ấn Độ và Nhật Bản đều là những nhà đầu tư lớn ở châu Phi và viện trợ kinh tế của hai quốc gia này cho khu vực đã tăng đáng kể những năm gần đây.
Trong bối cảnh căng thẳng hiện nay, Nhật Bản và Ấn Độ đã bắt tay nhau nhằm cạnh tranh với Trung Quốc và châu Phi được chọn làm điểm đến của hai nước.
Vành đai an ninh mới
Trung Quốc đã chủ động mở rộng và thúc đẩy hiện thực hóa tham vọng ở Ấn Độ Dương trong những năm gần đây. Bên cạnh việc tạo dựng quan hệ hữu nghị với các nước ven biển qua ngoại giao hàng hải và các công cụ khác, hải quân Trung Quốc ngày nay còn là “khách mời” thường xuyên hiện diện tại các cảng ở Karachia, Pakistan; Colombo, Sri Lanka và nhiều nước Đông Nam Á.
Không những thế, hải quân Trung Quốc còn tiến hành nhiều cuộc tập trận tại những vùng vượt khỏi ranh giới ảnh hưởng truyền thống nhằm chứng minh Trung Quốc là người chơi chính ở khu vực này. Mở rộng quy mô hạm đội hải quân, theo đuổi công nghệ hải quân mới, Trung Quốc cho thấy rõ mục tiêu vươn tới cường quốc hải quân.
Trước viễn cảnh thách thức từ việc Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng đến tất cả các nước trong khu vực, giới phân tích khu vực đặt câu hỏi, liệu có khả năng hình thành “trục quyền lực” lớn ở châu Á - Thái Bình Dương đủ sức bảo vệ an ninh hàng hải tập thể? Và Nhật Bản, Ấn Độ có là những nhân tố định hình vận mệnh của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương hay không? Trong cuộc đua này, hai nước châu Á không thể thiếu sự hỗ trợ của Australia.
Yếu tố địa lý sẽ đẩy cả ba nước xích lại gần và hợp tác với nhau khi tầm ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực dường như thu hẹp hơn. Ấn Độ - Thái Bình Dương có sự hiện diện của hải quân nhiều nước, nhưng không nước nào tỏ ra quan tâm hay nắm trong tay tiềm lực thích hợp đối với các chiến dịch đa phương.
Đơn cử như Singapore, nước sở hữu hạm đội đáng nể so với quy mô lãnh thổ nhưng lại quá nhỏ bé để thực hiện nhiệm vụ duy trì an ninh hàng hải, hoặc đóng góp cho một liên minh đa phương. Nhìn nhận thực tế, chỉ có hải quân Nhật Bản, Australia và Ấn Độ đủ sức mạnh và tính đa dạng để đảm đương một loạt trọng trách đặt ra cho khu vực.
Hiện tại, Nhật Bản và Australia đã có Hiệp định quốc phòng song phương. Nếu Ấn Độ muốn kết nối vào nhóm đa phương, Hiệp định Nhật Bản - Australia sẽ là nền tảng để New Delhi xem xét gia nhập.
Giai đoạn đầu, nỗ lực đa phương chỉ nên giới hạn ở ba nước, nhằm dễ dàng hơn trong việc tạo đồng thuận. Các quốc gia khác ở khu vực có thể tham gia sau.
Tuy nhiên, liên kết Nhật Bản - Australia - Ấn Độ cũng đối mặt với một số thách thức. Trước hết là phản ứng trong nước, người dân Nhật Bản và Ấn Độ đặc biệt “dị ứng” với ý tưởng mở rộng phạm vi hoạt động quân sự quốc gia ra nước ngoài.
Kế đến, ba nước vẫn chưa có được quan điểm thống nhất về diễn biến địa chính trị gần đây ở khu vực. Cả Nhật Bản, Australia, Ấn Độ đều quan ngại sự trỗi dậy của Trung Quốc, nhưng lại có cách tiếp cận khác nhau về cách thức đối phó.
Điều này sẽ khiến khó đạt được đồng thuận khi thảo luận các chiến dịch chung. Cuối cùng, phải kể đến thách thức về hậu cần, sự thiếu đồng bộ trong kết nối hệ thống cũng như tiêu chuẩn, quy trình thực hiện khác nhau của hải quân ba nước.