"Hành trang" của Hillary Clinton khác gì so với 7 năm trước?
(Tài chính) Bức tranh chính trị hiện nay là rất khác so với những gì cách đây 7 năm, và đó là những thay đổi mà có thể mang lại lợi thế cho chiến dịch tranh cử tổng thống của bà Hillary Clinton.
Cuối tuần trước, Hillary Clinton đã chính thức thông báo bà sẽ lần thứ hai chạy đua vào Nhà Trắng. Người xưa đã rút ra kết luận lần kết hôn thứ hai chính là một chiến thắng của hi vọng trước kinh nghiệm. Có thể nói quyết định quay trở lại Nhà trắng của bà Hillary Clinton cũng... gần giống như thế.
Nhiều nhà phân tích cho rằng bà Hillary Clinton trước đây, và hiện giờ vẫn là một ứng viên khó hiểu và dễ bị tổn thương nên khó đứng vững trong cuộc chạy đua đến Nhà Trắng. Tuy nhiên, họ cũng quên mất một sự thật rằng bức tranh chính trị hiện nay là rất khác so với những gì cách đây 7 năm, và đó là những thay đổi mà có thể mang lại lợi thế cho chiến dịch tranh cử tổng thống của bà Hillary Clinton.
Iraq
Lúc còn ở Thượng viện, bà Hillary Clinton đã bỏ phiếu thuận đối với cuộc chiến ở Iraq do Tổng thống George W. Bush khởi xướng. Năm 2008, cuộc chiến này không nhận được sự đồng thuận của đảng Dân chủ, và chính lá phiếu của bà đã làm buồn lòng những người trong cùng đảng. Chính Tổng thống Obama, lúc đó còn là thượng nghị sĩ, cũng đã không đồng tình với cuộc chiến này.
7 năm sau, tình hình ở Trung Đông hiện đã trở nên rất khác. Tổng thống Obama đã rút quân ra khỏi Iraq và Afghanistan. Tuy nhiên, những nỗ lực của ông lại bị chỉ trích nặng nề khi nhà nước Hồi giáo (IS) và các thành phần đối lập khác lại nổi lên. Giờ đây, thay vì tập trung vào chuyện Iraq, các nhà lập pháp và các nhà bình luận đang phải đau đầu tìm cách đối phó với các phần tử cực đoan Hồi giáo.
Dù lá phiếu ủng hộ cuộc chiến Iraq khi xưa của bà Hillary Clinton không thể trở thành một tài sản thật sự (vì khó mà tưởng tượng đảng Cộng hòa lại xem hành động đó là “công trạng”) nhưng chí ít thì bà sẽ không bị chỉ trích vì lá phiếu thuận năm xưa.
Nền kinh tế Mỹ
Mặc dù cuộc đại suy thoái đã để lại những hậu quả lớn, nhưng phần lớn chuyện đó là diễn ra sau khi bà Hillary Clinton rút lui khỏi cuộc chạy đua vào ghế tổng thống năm 2008. Vì vậy, đó không phải là yếu tố quyết định trong những cuộc bầu cử sơ bộ. Giờ đây kinh tế Mỹ đã phục hồi vững chắc được vài năm, và những cuộc thăm dò cũng cho thấy các cử tri đang bắt đầu lạc quan hơn. Bà Hillary Clinton sẽ không gặp phải vấn đề như thượng nghị sĩ John McCain từng đối mặt: cử tri “đổ thừa” ông chủ Nhà trắng và “bộ sậu” của mình đã khiến cho tình hình kinh tế trở nên tồi tệ. Thêm vào đó, những kỉ niệm “ngọt ngào” về một thời kinh tế hùng mạnh do chồng bà mang lại cũng giúp ích rất nhiều cho bà.
Được lên chức bà
Tháng 9 năm ngoái, cô con gái duy nhất của bà là Chelsea Clinton đã hạ sinh đứa con đầu lòng, nghĩa là bà đã lên chức “bà ngoại”. Điều này khiến bà thêm hào hứng khi nói về những tham vọng và hi vọng của mình cho tương lai.
“Được lên chức bà khiến cho tôi phải suy nghĩ sâu sắc hơn về trách nhiệm mà tất cả chúng ta cùng đang chia sẻ. Đó là vai trò người phục vụ của thế giới mà chúng ta đang thừa kế và sẽ trao lại cho thế hệ tương lai. Điều này thôi thúc tôi phải hành động nhanh hơn nữa", bà Hillary Clinton đã viết như thế trong lời kết của cuốn tự truyện “Hard Choices”.
Được lên chức bà cũng giúp “hâm nóng” hình ảnh lạnh lùng thường thấy của bà Hillary Clinton. Giờ đây bà có thể trò chuyện vui vẻ về đứa cháu Charlotte ở mỗi chặng dừng chân trong chiến dịch vận động tranh cử của mình.
“Tôi vui mừng thấy rằng sự ra đời của Charlotte dường như khiến nhiều người Mỹ cảm thông và chia sẻ. Chelsea và tôi đã nhận được nhiều thư và quà từ những người mẹ và người bà trên khắp đất nước, nào là thú nhồi bông, áo len bé xíu, tất và nón được đan bằng tay, và cả những chiếc ao thun thể thao dành cho trẻ con từ các đội bóng,” bà viết.
Tuổi tác
Suốt nhiều năm qua, cũng như hầu hết mọi phụ nữ của công chúng khác, bà Hillary Clinton đã phải hứng chịu những soi mói và chỉ trích gay gắt về vẻ bề ngoài và cả trang phục của mình. “Hình ảnh một phụ nữ đeo kính là hoàn toàn không phù hợp với một đệ nhất phu nhân Arkansas,” báo chí lên tiếng. Trong những ngày đầu theo chồng đến Nhà trắng, họ cũng thường có những bài báo xoay quanh... các kiểu tóc của bà, và khi bà chạy đua vào Thượng viện, các chính sách của bà phải cạnh tranh với... trang phục bà mặc để giành được sự chú ý. Trong chiến dịch năm 2008 bà cũng từng đùa: “Nếu tôi muốn lên trang nhất thì tôi chỉ cần... thay đổi kiểu tóc.”
Ở tuổi 67, bà Clinton có lẽ đã không còn bị ám ảnh bởi vấn đề ngoại hình. Hay ít nhất là bà có thể thấy rằng mình không còn khó chịu với những câu hỏi, vì tuổi tác thường mang đến sự kiên nhẫn.