Hấp lực thu hút đầu tư vào công ty tài chính

Hồng Nguyên

Với quy mô khoảng 26,5 tỉ USD (2017) và tốc độ tăng trưởng luôn trên 50% trong 3 năm gần đây, thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam đang là một trong những điểm sáng thu hút vốn đầu tư từ ngân hàng và các quỹ đầu tư cả trong nước lẫn quốc tế…

Các công ty tài chính được biết đến nhiều qua các gói cho vay mua trả góp hàng gia dụng hoặc xe máy. Ảnh: Home Credit
Các công ty tài chính được biết đến nhiều qua các gói cho vay mua trả góp hàng gia dụng hoặc xe máy. Ảnh: Home Credit
Nguồn vốn này quả thực là “liều thuốc bổ” giúp các công ty tài chính tăng thêm sức mạnh để thực hiện những bài toán kinh doanh mới. Có ba vấn đề mà các nhà đầu tư thường cân nhắc để “chọn mặt gửi tiền”, đó là sức khỏe doanh nghiệp, chiến lược phát triển và tính minh bạch của tổ chức tín dụng.
Sức khỏe và chiến lược phát triển doanh nghiệp

Bất kỳ nhà đầu tư nào cũng có nhu cầu biết được tiềm lực tài chính, khả năng quản trị rủi ro và triển vọng kinh doanh cũng như tiềm năng trả nợ của công ty tài chính trong tương lai.

Việt Nam hiện nay có khoảng 17 công ty tài chính tiêu dùng đang hoạt động. Ngoài những công ty gốc nội địa có ngân hàng “chống lưng” như FE Credit và HD Saison, thì Home Credit và Prudential Finance được đánh giá cao nhờ trợ lực từ tập đoàn mẹ.

Xét về kinh nghiệm thị trường, Home Credit hiện đang dẫn đầu khi có tới 10 năm thành công trên thị trường Việt Nam. Công ty này đã vượt qua giai đoạn khởi động và đang phát triển tốt. Với mạng lưới gần 10.000 điểm giao dịch trên toàn quốc và sở hữu hơn 10 triệu hợp đồng vay vốn, Home Credit được khách hàng chấm điểm về chỉ số hài lòng (NPS) lên đến 59 điểm.

Hấp lực thu hút đầu tư vào công ty tài chính - Ảnh 1
Home Credit tổ chức gặp gỡ các nhà đầu tư tại TP HCM và Hà Nội, thu hút hàng trăm đơn vị tham gia kết nối. Ảnh: Home Credit

Cùng với việc tăng trưởng nhanh, chìa khóa hút vốn thành công của một công ty tài chính tiêu dùng còn thể hiện ở việc kiểm soát tốt rủi ro nợ xấu thông qua việc tăng chất lượng thẩm định. Tỉ lệ nợ xấu càng thấp càng chứng tỏ doanh nghiệp có quy trình duyệt vay và thu hồi nợ tốt. Theo báo cáo, năm 2017, tỉ lệ nợ xấu của HD Saison là 5,7% FE Credit là 4,6% còn Home Credit duy trì mức dưới 3%. Có thể thấy, dù là ngành nghề khá rủi ro nhưng các công ty tài chính hiện nay đều khống chế tỉ lệ nợ xấu ở mức tốt, giúp đảm bảo an toàn cho các nhà đầu tư.

Cho vay tiêu dùng tại Việt Nam được đánh giá là thị trường còn nhiều dư địa phát triển. Đó là lý do các công ty trong ngành liên tục cho ra các gói sản phẩm vay hấp dẫn, mới lạ nhằm thu hút khách hàng. Song song với đó, việc đầu tư cho công nghệ để tối ưu hóa khâu thẩm định, đẩy nhanh tốc độ duyệt vay, tăng tương tác cũng là điều mà các công ty tài chính chú trọng trong vài năm trở lại đây.

Tính minh bạch

Đây là thước đo quan trọng để nhà đầu tư rót vốn vào bất kỳ doanh nghiệp nào, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính. Xét về hiệu quả kinh doanh, các nhà đầu tư thường chọn tham khảo các đánh giá tín nhiệm từ các công ty uy tín trên thị trường như Standard & Poor's (S&P), Moody's, và Fitch Group.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, hầu như các công ty tài chính đều chưa thực hiện, hoặc không dám thực hiện bước đi mạo hiểm này. Vì mỗi dấu cộng hoặc trừ từ báo cáo của các tổ chức đánh giá độc lập đều có thể tạo ra một sự ảnh hưởng không nhỏ đến dòng tiền vào/ra của một doanh nghiệp.

Mới đây, Home Credit Việt Nam đã mạnh dạn công bố việc được Moody’s xếp hạng B3 trong lần đầu tiên đánh giá tín nhiệm công ty này. Công ty này cũng vừa  tổ chức 2 buổi gặp mặt các nhà đầu tư tiềm năng để chia sẻ kết quả kinh doanh cũng như chiến lược phát triển trong thời gian tới.

Theo TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính, việc Home Credit công khai kết quả đánh giá từ một tổ chức xếp hạng độc lập cho thấy chủ trương minh bạch thông tin của doanh nghiệp. Điều này góp phần tạo ra môi trường tài chính lành mạnh, minh bạch, giảm thiểu rủi ro tổn thất cho các nhà đầu tư và thúc đẩy sự bền vững của ngành tài chính tiêu dùng tại Việt Nam.

Việc gọi được dòng vốn tốt sẽ góp phần giúp các công ty tài chính hiện thực hóa các mục tiêu kinh doanh, duy trì được đà tăng trưởng, phát triển bền vững. Sự tham gia của các dòng vốn tốt còn gián tiếp hỗ trợ khách hàng hưởng lợi nhờ lãi suất cho vay giảm, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.