Hấp thụ có chọn lọc để tránh “tác động ngược” của nguồn vốn FDI

Trang Huyền

(Tài chính) Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không phải chỉ đem lại những tác động tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam mà còn có cả những tác động tiêu cực ngược trở lại đối với nền kinh tế.

FDI không phải chỉ đem lại những tác động tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam mà còn có cả những tác động tiêu cực ngược trở lại. Nguồn: internet
FDI không phải chỉ đem lại những tác động tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam mà còn có cả những tác động tiêu cực ngược trở lại. Nguồn: internet

Tác động hai mặt

Đánh giá về những tác động của FDI đối với nền kinh tế Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng nguồn vốn này đem đến tác động trên cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Không thể phủ nhận rằng, những năm qua, nguồn vốn FDI đã có những đóng góp quan trọng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Trong đó, đối với hoạt động xuất khẩu, các nguồn vốn FDI cũng giúp Việt Nam đa dạng hoá cũng như mở rộng và chuyển dịch cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, nguồn vốn FDI còn tạo ra công ăn việc làm cho người lao động. Trung bình các dự án FDI chiếm 80% trong các khu công nghiệp và giải quyết việc làm cho 2,4 triệu lao động…

Tuy nhiên, bên cạnh những tác động mà FDI mang lại thì vẫn còn những hạn chế nảy sinh từ nguồn vốn này đối với nền kinh tế. Điển hình có thể kể đến tình trạng chuyển giá của các doanh nghiệp FDI khiến nhà nước mất đi nhiều tỷ đồng. Hay việc các doanh nghiệp FDI độc quyền trong một số lĩnh vực như nước uống có ga, thức ăn gia súc, chất tẩy rửa… đã tác động mạnh tới khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước. Đôi khi, những công ty 100% vốn nước ngoài thực hiện chính sách cạnh tranh bằng con đường bán phá giá, loại trừ đối thủ cạnh tranh khác, độc chiếm hoặc khống chế thị trường, lấn áp các doanh nghiệp trong nước.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó trưởng ban Thông tin doanh nghiệp và thị trường (Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia) chỉ ra rằng: “Các công ty đa quốc gia phát triển mạnh trong một số lĩnh vực với lượng vốn lớn, công nghệ cao đã đẩy các doanh nghiệp trong nước cùng lĩnh vực ra khỏi thị trường. Số doanh nghiệp có tầm kiểm soát ngành trên đã làm méo mó thị trường.”

Bên cạnh đó là bất cập về mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước chưa được chặt chẽ. Do vậy, chưa hình thành được chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng hàng hoá và các ngành công nghiệp phụ trợ. Hiện tại, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam phải nhập khẩu 70-80% lượng sản phẩm phụ trợ.

Định hướng thu hút FDI

Để có thể đáp ứng trước bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng và nền kinh tế thế giới, ngồn vốn FDI cần phát huy được tác động tích cực và hạn chế tác động tiêu cực của nguồn vốn này, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như mai lại lợi ích hợp pháp cho nhà đầu tư. Để làm được điều này, bà Mai Thị Thu, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia cho rằng, FDI cần được nghiên cứu, nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan để có những chính sách phù hợp, đẩy mạnh liên kết giữa khu vực doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Theo đó, nhiều chuyên gia cho rằng, các chính sách thu hút vốn FDI cần được rà soát, tập trung hướng tới các lĩnh vực cụ thể, ưu tiên cho các hoạt động sản xuất tạo giá trị gia tăng hay ưu tiên cho các dự án đầu tư công nghệ cao. Đặc biệt, trong lĩnh vực phát triển công nghiệp phụ trợ, cần nghiên cứu đưa ra mô hình liên kết ngang, hình thành các doanh nghiệp vệ tinh, sản xuất linh kiện cho các doanh nghiệp FDI hướng tới xuất khẩu.

Bên cạnh tập trung thu hút những doanh nghiệp lớn trong đầu tư FDI, cần chú trọng đến cả doanh nghiệp nhỏ để tạo tính lan tỏa cao, dẫn dắt trung gian. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ vốn và chú trọng tháo gỡ các khó khăn cho các doanh nghiệp này, tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ cải thiện môi trường kinh doanh xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch và thuận lợi…

Đồng thời, gắn chặt thu hút FDI với quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, phù hợp với từng ngành, khu vực về điều kiện kinh tế, địa lý, nhân lực, hướng vào những ngành nghề, sản phẩm cụ thể, phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm lôi cuốn các doanh nghiệp nội địa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu đồng thời khai thác tối đa tiềm năng và hiệu quả mà nguồn vốn FDI mang lại.