Hậu đại dịch, chủ nợ ồ ạt trở thành “ông chủ“
Trong thế giới hậu đại dịch, ngay cả các nhà đầu tư “hiếu chiến” nhất cũng buộc phải kiềm chế trong việc đòi hỏi quyền lợi.
Thực tế, Covid-19 tạo nên làn sóng mới của hoạt động đầu tư, nơi “chủ nợ” bắt tay với “con nợ” để hướng tới kết thúc có hậu hơn.
Theo giới quan sát, đại dịch Covid-19 vừa tạo tác động mạnh tới “bàn cờ” đầu tư khi cân bằng sức mạnh giữa người cho vay và kẻ đi vay, khiến các chủ nợ trở nên thân thiện hơn khi bước tới bàn đàm phán.
Tại Mỹ, một xu hướng mới trỗi dậy là việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu với sự bảo đảm từ các chủ nợ.
Trong tháng trước, nhà tổ chức hoạt động du thuyền Carnival Corp đã phát hành 4 tỷ USD trái phiếu với lãi suất 11,5%/năm trong 3 năm, với tài sản đảm bảo là tàu và các tài sản trị giá 28 tỷ USD, trong đó có cả tài sản của các nhà đầu tư.
Tại châu Âu, nhà sản xuất xe hơi thể thao McLaren Automotive Ltd bắt tay cùng chủ nợ để thực hiện gọi vốn khẩn cấp.
Xu hướng tương tự cũng xuất hiện tại châu Á. Hoạt động tái cấu trúc các khoản nợ trở nên sôi nổi với việc các chủ nợ chấp nhận điều khoản ân hạn, hoặc một số hỗ trợ khác dành cho doanh nghiệp.
Công ty khai thác mỏ tại Singapore Geo Energy Resources Ltd đã đề xuất chủ nợ chấp nhận từ bỏ một số quyền được quy định tại hợp đồng đầu tư trước đó. Dr Peng Telecom & Media Group Co tại Trung Quốc thì gia hạn thêm 1,5 năm đối với các trái phiếu đến hạn vào năm 2020 bằng cách trả lãi thêm 2%/năm và được các chủ nợ chấp thuận.
Diễn biến này chỉ là màn dạo đầu cho một xu hướng mới, nơi các nhà đầu tư có thể tham gia sâu hơn vào cấu trúc doanh nghiệp, thay vì đầu tư tài chính thông thường, với mục tiêu cải thiện hơn nữa hiệu suất hoạt động và nâng cao yếu tố quản trị.
Không giống các tổ chức đầu tư tập trung vào cổ phiếu, nhóm quỹ đầu tư vốn tư nhân, hoặc đầu tư nắm giữ dài hạn ưa chuộng doanh nghiệp có dòng tiền ổn định, sở hữu tiền mặt lớn và muốn các giá trị tiếp tục tăng trưởng.
Gregory Nini, giáo sư tài chính tại Drexel University cho biết, các doanh nghiệp luôn muốn chủ nợ của mình vui vẻ, nhất là tại thời điểm khó khăn như hiện nay.
Nghiên cứu của vị giáo sư này chỉ ra rằng, các doanh nghiệp thường cải thiện hiệu quả hoạt động sau khi tiến hành đàm phán với các nhà đầu tư/chủ nợ. Áp lực càng lớn thì hiệu quả cải tổ càng tích cực.
Trong thế giới hậu Covid-19, các chủ nợ không tìm kiếm lợi nhuận tức thời, mà muốn bảo vệ khoản đầu tư. Do đó, việc quản lý tài chính và quản trị doanh nghiệp là yếu tố hàng đầu, khiến các chủ nợ trở thành cổ đông thực sự của doanh nghiệp.
Theo Moody’s Investors Service Inc, tại Mỹ, 80% khoản nợ trên thị trường của doanh nghiệp gắn với các thỏa thuận đầu tư, hoặc không có các yêu cầu tài chính kèm theo.
Số liệu từ Fitch Ratings cho thấy, tổng số lượng các khoản nợ có nguy cơ vỡ nợ của doanh nghiệp đang ở mức 12,6 tỷ USD trong tháng 5/2020, cao nhất kể từ tháng 4/2014. Các khoản nợ không có khả năng chi trả kể từ đầu năm tới nay đã đạt 33,3 tỷ USD.
Tính tới cuối tháng 4, tỷ lệ vỡ nợ của doanh nghiệp trong vòng 12 tháng tăng lên 2,8% so với mức 1,8% vào cuối năm ngoái. Fitch dự báo, số nợ không thể chi trả của doanh nghiệp Mỹ sẽ đạt 80 tỷ USD trong năm 2020, vượt qua mức đỉnh gần nhất là 78 tỷ USD năm 2009.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp vật lộn để sinh tồn, các chủ nợ nhận ra cơ hội để tham gia vào quá trình tái cơ cấu các khoản nợ, từ đó vực dậy hoạt động của doanh nghiệp, thay vì tìm cách siết nợ.
Thực tế, theo số liệu của Moody’s trong 3 thập kỷ gần đây, hơn 40% doanh nghiệp gặp rắc rối không tránh khỏi tình cảnh vỡ nợ, ngay cả khi được ân hạn trả nợ. Do đó, điều mà cả chủ nợ lẫn doanh nghiệp nhận ra là cần sự kết hợp để tái cấu trúc, giúp hoạt động sản xuất - kinh doanh khởi sắc trở lại.