Hậu Giang: Cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu
Chiều 26/8, UBND tỉnh Hậu Giang và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hậu Giang đã họp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Tại cuộc họp này, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị phối hợp chặt chẽ hơn trong xử lý nợ xấu; đồng thời, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về xử lý nợ xấu.
“Trong xử lý nợ, đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hậu Giang báo cáo thường xuyên tình hình tín dụng của các tổ chức tín dụng, đặc biệt những tổ chức tín dụng có nợ xấu; cũng như tăng cường xử lý nợ; trong đó kiểm soát đầu ra cho vay”, ông Tuyên nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đối với những khách hàng lớn thì tạo điều kiện về thủ tục cho nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn vay.
Các cơ quan, đơn vị như: toà án, chi cục thi hành án tăng cường xử lý án sớm, cũng như hỗ trợ xử lý nợ xấu nhanh; xây dựng nghiên cứu quy chế phối hợp đảm bảo việc xử lý nợ xấu trên địa bàn tỉnh nhanh chóng, hiệu quả hơn.
Theo ông Hồ La Thành, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hậu Giang, tỷ lệ nợ xấu của tổ chức tín dụng được duy trì ở mức khá thấp và ổn định trong suốt thời kỳ báo cáo.
Đây là một tín hiệu cho thấy chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng đã được tăng cường, các khoản tín dụng đã đầu tư được thu hồi đúng thời hạn, không để phát sinh nợ xấu mới, các khoản nợ xấu cũ dần được xử lý thu hồi.
Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội tương đối cao và chậm được xử lý.
Tổng các khoản nợ xác định theo Nghị quyết 42 toàn địa bàn tỉnh Hậu Giang gần 4.500 tỷ đồng, giảm trên 36% so với dư nợ thời điểm 31/12/2018…
Theo rà soát của các tổ chức tín dụng, mặc dù, việc xử lý nợ xấu chưa áp dụng được các chính sách quy định tại Nghị quyết 42 nhưng các quy định của nghị quyết là cơ sở tác động mạnh mẽ đến kết quả xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn.
Khó khăn trong thực hiện Nghị quyết 42 của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hậu Giang trong thời gian qua là việc phối hợp giữa tỉnh và các địa phương trong việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng chưa chặt chẽ; việc xét xử, thi hành án một số địa phương trong tỉnh chậm; tài sản bảo đảm, đặc biệt là quyền sử dụng đất nông nghiệp rất khó xử lý…