Hậu Giang tăng tốc giải ngân cuối năm

Theo Ẩn Liên/Báo Hậu Giang

Dù đã bước sang tháng 12, nhưng nhiều địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn bình quân chung cả nước. Tại Hậu Giang, tính đến ngày 30/11, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của toàn tỉnh đạt cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Tỉnh Hậu Giang tăng tốc thi công các dự án. Ảnh: Ẩn Liên
Tỉnh Hậu Giang tăng tốc thi công các dự án. Ảnh: Ẩn Liên

Tỷ lệ giải ngân chung đạt thấp

Năm 2021, tổng vốn đầu tư công Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân bổ chi tiết cho 6 địa phương thuộc Tổ công tác số 2 (gồm 6 tỉnh Long An, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang và TP. Cần Thơ) là 26.898 tỉ đồng.

Tính đến ngày 30/11, giải ngân trên 13.700 tỉ đồng, đạt 50,3% kế hoạch. Có 5 địa phương giải ngân dưới mức bình quân chung cả nước. Trong đó, 2 địa phương giải ngân dưới 50% là TP. Cần Thơ 30,1%, Kiên Giang 45,2%, tỉnh Hậu Giang có mức giải ngân cao nhất với tỷ lệ 74,4%.

Ông Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nêu ra 5 nhóm khó khăn liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 chủ yếu ở khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư; thiếu nhân công, tư vấn, chuyên gia; giá nguyên vật liệu xây dựng tăng; nhiều vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; khó khăn về mua, nhập khẩu, vận chuyển máy móc, thiết bị để thực hiện các dự án đầu tư công.

Các dự án khởi công mới phải chờ kế hoạch trung hạn 2021- 2025, trong khi đó năm 2021 là năm bắt đầu kế hoạch 2021- 2025, các địa phương bố trí khởi công nhiều dự án và triển khai dự án liên vùng, quy mô lớn nên thời gian chuẩn bị dự án đòi hỏi dài hơn. Cơ chế thông báo vốn của địa phương đối với khoản thu từ đất theo hình thức ghi thu, ghi chi dẫn đến không phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đối với khoản thu này...

Tỉnh Kiên Giang và TP. Cần Thơ là 2 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp nhất. Lãnh đạo TP. Cần Thơ cho rằng nguyên nhân chủ quan do năng lực đơn vị tư vấn thiết kế dự án còn hạn chế, phải chỉnh sửa nhiều lần, mất thời gian. Một số chủ đầu tư thiếu quyết liệt. Giá vật liệu xây dựng tăng; công tác giải phóng mặt bằng, phối hợp giữa các sở, ngành, chủ đầu tư, nhà thầu thi công chậm.

Nhiều vướng mắc

Theo các địa phương, khó khăn trong giải phóng mặt bằng và dịch COVID-19 kéo dài gây ảnh hưởng lớn đến quá trình triển khai các dự án đầu tư công năm 2021. Lãnh đạo UBND tỉnh Long An cho biết, cuối quý II và trong quý III/2021, dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động, trong đó có hoạt động xây dựng. Các công trình, dự án thuộc lĩnh vực đầu tư công của tỉnh bị gián đoạn hoặc thi công cầm chừng.

Ông Nguyễn Trung Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho rằng: Vướng mắc lớn nhất từ khâu giải phóng mặt bằng do thủ tục thu hồi đất mất nhiều thời gian. Thời điểm giãn cách xã hội, nhiều công trình, dự án dừng thi công. Năm 2021, tỉnh Trà Vinh có 19 dự án khởi công mới, đến tháng 9 mới được giao kế hoạch vốn nên việc triển khai còn chậm.

Tại Hậu Giang, tính đến ngày 30/11, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của toàn tỉnh đạt cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Tỉnh phấn đấu đến cuối năm đạt từ 95% trở lên. Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết: Tỉnh xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm tập trung ngay từ đầu năm. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập 10 tổ công tác trực tiếp chỉ đạo các địa phương và chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn. Ban Thường vụ cũng yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải chịu trách nhiệm về công tác giải ngân vốn. Đồng thời, tỉnh thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo đôn đốc tiến độ, tháo gỡ ngay các vướng mắc mới phát sinh.

“Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian còn lại của năm 2021, chúng tôi sẽ tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra tiến độ các công trình, dự án trên địa bàn. Phấn đấu đến hết ngày 31-1-2022 giải ngân vốn đầu tư công từ 95-100%”, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, nhấn mạnh.

Trong buổi làm việc với 6 tỉnh về giải ngân vốn đầu tư công mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ghi nhận sự nỗ lực và các kết quả đạt được. Đồng thời chia sẻ khó khăn với các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Trong ba trụ cột để tăng trưởng nền kinh tế thì đầu tư là trụ cột rất quan trọng, đầu tư công mang tính dẫn dắt, nếu đầu nhiệm kỳ không quan tâm, cuối nhiệm kỳ khó đạt mục tiêu kế hoạch 5 năm.

Do vậy, đề nghị các địa phương triển khai nghiêm túc, có giải pháp cụ thể để tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, tối thiểu phải đạt 95% vào cuối năm (theo Nghị quyết 63 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022) theo đúng kế hoạch đã cam kết.

Đối với 2 đơn vị giải ngân thấp là TP. Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang, Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát lại tổng thể danh mục các dự án năm 2021. Đánh giá kỹ khả năng thực hiện từng dự án. Tỉnh kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai, vướng đến đâu xử lý đến đó. 4 tỉnh: Hậu Giang, Sóc Trăng, Long An, Trà Vinh, phải giải ngân đạt tỷ lệ đã cam kết, tối thiểu từ 95%.

Theo dự kiến đến ngày 31/1/2022, tỷ lệ giải ngân chung của 6 địa phương sẽ đạt trên 86% kế hoạch. Trong đó, 4/6 địa phương dự kiến giải ngân trên 95% kế hoạch năm là Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Long An. TP. Cần Thơ dự kiến giải ngân đạt từ 63% trở lên, tỉnh Kiên Giang dự kiến đạt từ 82% trở lên.