Hầu hết các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Anh đều tăng khá
Ngoại trừ hạt tiêu, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Anh trong những tháng đầu năm 2024 đều tăng trưởng khá.
Thương vụ Việt Nam tại Anh (kiêm nhiệm Ailen) dẫn thống kê sơ bộ của Hải quan Việt Nam cho biết, 3 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 2,07 tỷ USD, tăng 31,3% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Việt Nam thặng dư thương mại hơn 1,72 tỷ USD (tăng 40,4% so cùng kỳ 2023).
Xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Anh Quý I/2024 tăng mạnh
Ba tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Anh đạt hơn 1,9 tỷ USD, tăng 35,3% so cùng kỳ năm 2023.
Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đều tăng khá, dẫn đầu là cao su +205,9%; điện dây cáp điện 103,5%; sản phẩm sắt thép +99%; máy móc thiết bị dụng cụ 96,3%, Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 92.7%; cà phê 88,4%; sản phẩm gốm sứ 59%; bánh kẹo ngũ cốc 53,4%; đồ chơi dụng cụ thể thao +45%; duy nhất mặt hàng hạt tiêu giảm -3,7%.
Những mặt hàng xuất khẩu có tỷ trọng kim ngạch lớn nhất lần lượt là: Điện thoại các loại và linh kiện 22,9%; Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác 19,8%; Giày dép các loại 12%; Hàng dệt, may 8.6%; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 7,9%; Hàng thủy sản 3,5%; Gỗ và sản phẩm gỗ 2,8%, sắt thép các loại 2,7%, cà phê 2%.
Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu hàng hóa từ Anh vào Việt Nam đạt gần 174,58 triệu USD, giảm 0,5% so với 3 tháng đầu năm 2023.
Về đầu tư, tính đến ngày 20/3/2024, Anh là nước đầu tư lớn thứ 15 vào Việt Nam, có 563 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt 4.360,5 triệu USD. Trong 3 tháng đầu năm 2024, Anh có 13 dự án mới được cấp phép với tổng số vốn đăng ký mới 107,32 triệu USD, tăng 120% so cùng kỳ năm ngoái.
Cơ hội và khó khăn, thách thức tại thị trường Anh
Theo Thương vụ Việt Nam tại Anh (kiêm nhiệm Ailen), doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam có nhiều cơ hội tại thị trường Anh nhờ cơ sở ưu đãi thuế quan theo các Hiệp định UKVFTA, CPTPP; cơ chế áp dụng Fast track Digital UKCA thay cho CE đối với sản phẩm công nghiệp.
Đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tăng cường xuất khẩu các mặt hàng: cao su, dây điện và dây cáp điện; điện thoại và linh kiện các loại, cà phê, bánh kẹo ngũ cốc, gốm sứ, rau quả thực phẩm, giày da, gạo… sang Anh quốc. Gần đây, Anh có xu thế tăng nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng này.
Thị trường Anh khá lớn (khoảng 68 triệu dân), nhu cầu đa dạng với cộng đồng người gốc Á hơn 5,5 triệu người cũng là điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam gia tăng xuất khẩu vào thị trường này.
Bên cạnh những cơ hội thuận lợi, hàng hóa Việt Nam cũng gặp những khó khăn tại thị trường Anh do nhiều yếu tố tác động.
Trong đó, thương mại quốc tế tăng yếu khi kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và xung đột địa chính trị leo thang. Xung đột Biển đỏ gần đây là trở ngại lớn đối với xuất khẩu hàng hóa sang Anh bằng đường biển khi làm cho hành trình tàu kéo dài thêm từ 10-15 ngày so với trước và cước tàu tăng.
Nhu cầu thị trường Anh giảm do lạm phát cao và người dân thắt chặt chi tiêu bởi tâm lý lo ngại về chi phí sinh hoạt cao và tình hình kinh tế bấp bênh; Chỉ số CCI (sự tự tin tiêu dùng) tháng 3/2024 ở mức -21, tương đương tháng 2/2024 và thấp hơn so giai đoạn trước Covid-19.
Biến động địa chính trị thế giới cũng ảnh hưởng đến thị trường Anh; biến động tỷ giá USD/GBP khiến rủi ro tài chính đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tăng.
Mặt khác, hàng hóa nhập khẩu phải đáp ứng yêu cầu chất lượng cao, giá cả cạnh tranh. Luật về chống mất rừng và suy thoái rừng sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu các sản phẩm gỗ, cà phê, cao su, dầu thực vật, đậu tương, da. Yêu cầu về chứng chỉ xanh, fair trade ngày càng được ưa chuộng và áp dụng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa dịch vụ khiến các doanh nghiệp phải đầu tư nhiều hơn, làm tăng chi phí đầu vào, giá thành sản phẩm.
Xu hướng sản phẩm cho người ăn kiêng phổ biến hơn như: ăn chay thuần (vegan), kiêng gluten (người dị ứng gluten), kiêng đường, kiêng muối…. khiến cho việc sản xuất và cung ứng thực phẩm nông sản cần chuyên biệt và phức tạp hơn.
Chưa kể tới hiện tượng lừa đảo, tranh chấp thương mại giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Anh tăng do tình trạng nhiều doanh nghiệp Anh gặp khó khăn tài chính, riêng trong năm 2023 số lượng doanh nghiệp Anh phá sản cao kỷ lục.