Chủ trương phát triển nông nghiệp xanh bền vững tại Việt Nam
Trên thế giới, tăng trưởng xanh nói chung, nông nghiệp xanh nói riêng đã dần trở thành xu hướng chủ đạo. Trong những năm gần đây, tại Việt Nam, nông nghiệp xanh được xác định là chủ trương quan trọng nhằm hướng đến một mô hình nông nghiệp tăng trưởng bền vững gắn với bảo vệ môi trường.
Nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu kinh tế của Việt Nam. Do đó, có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp theo hướng xanh.
Về tổng thể, phát triển nông nghiệp xanh mà ngành Nông nghiệp đang hướng đến là tiếp tục duy trì tăng trưởng bền vững; nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo vệ tài nguyên đất nước, bảo tồn đa dạng sinh học; giảm thâm dụng đầu vào hóa chất nông nghiệp và tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực tự nhiên trong quá trình sản xuất nông nghiệp; áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; gia tăng sản xuất hữu cơ và mở rộng quy mô áp dụng các mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt…
Đặc biệt, nông nghiệp xanh gắn với xây dựng nông thôn mới bảo đảm đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững; hình thành lối sống hòa hợp với môi trường và thiên nhiên, bảo vệ và phát triển cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp văn minh.
Nhìn chung, hệ thống chính sách, thể chế liên quan đến nông nghiệp xanh của Việt Nam khá đầy đủ. Có thể kể đến, ngày 10/6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 899/2013/QĐ-TTg phê duyệt đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nhấn mạnh 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường trong phát triển nông nghiệp.
Để triển khai Quyết định số 899/2013/QĐ-TTg, Chính phủ đã đề ra 3 nhóm chính sách: (i) Nhóm chính sách quy định trực tiếp đến nông nghiệp xanh (bao gồm quy hoạch và phân vùng sử dụng đất, các yêu cầu về đánh giá môi trường, giám sát và kiểm soát việc sử dụng phân bón thuốc trừ sâu, giám sát các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, các chế tài xử phạt vi phạm môi trường); (ii) Nhóm chính sách là các công cụ thị trường để giúp người sản xuất nông nghiệp thực hiện các thực hành nông nghiệp thân thiện với môi trường (gồm giấy phép khí thải các-bon, trợ cấp hỗ trợ việc nghiên cứu và áp dụng các công nghệ xanh, chi trả dịch vụ môi trường, hình thành các Quỹ Bảo vệ môi trường, áp dụng các loại phí bảo vệ môi trường và thuế sử dụng tài nguyên); (iii) Nhóm chính sách liên quan đến công nghệ và giáo dục nâng cao nhận thức (bao gồm việc xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu về nông nghiệp xanh, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ xanh, công bố các trường hợp gây hại môi trường đối với cộng đồng, giáo dục và nâng cao nhận thức...).
Việt Nam cũng đã thành lập Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững Việt Nam và Văn phòng Tăng trưởng bền vững để thực hiện và thúc đẩy tăng trưởng xanh quốc gia.
Tiếp đó, tháng 12/2021, tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ, trong đó có 2 nội dung liên quan chặt chẽ đến ngành Nông nghiệp là tiền để thực hiện nền nông nghiệp phát triển bền vững như: (i) Cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” đến năm 2050; cam kết giảm phát thải khí methane toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2010; (ii) Tham gia “Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất”.
Ngay sau COP26, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan, xây dựng các kế hoạch, biện pháp, lộ trình cụ thể; rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch có liên quan; huy động nguồn lực đầu tư cho hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu; tận dụng sự dịch chuyển của nguồn tài chính toàn cầu; thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Nằm trong nỗ lực thực hiện tiến trình đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu chung của Chiến lược hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia.
Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững yêu cầu: Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải khí nhà kính 10% so với năm 2020.
Ngay sau đó, tháng 9/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 nhằm mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, tuần hoàn, phát thải các bon thấp nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững... Theo đó, phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các bon thấp nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững; giảm ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn, hướng đến nền kinh tế trung hòa các bon vào năm 2050.
Với các chủ trương, chiến lược, chính sách nói trên, tại Việt Nam, mô hình nông nghiệp xanh đang ngày càng được người nông dân quan tâm. Tại nhiều địa phương, nhiều mô hình đã và đang trong quá trình chuyển đổi phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái theo xu hướng thị trường thế giới cũng như giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, để thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp xanh theo hướng bền vững, trong thời gian tới, Việt Nam cần phải có những nỗ lực rất lớn, không chỉ từ phía Chính phủ, mà cả khối tư nhân gồm các doanh nghiệp và người sản xuất trực tiếp cùng tham gia thực hiện ở các quy mô khác nhau để khơi thông nguồn lực đầu tư của toàn xã hội đầu tư cho phát triển hạ tầng nông nghiệp.