Hãy chấp nhận và tìm cách chung sống với đồng USD mạnh lên
TS. Phan Minh Ngọc cho rằng, sự yếu đi của VND là một xu thế hợp lý trên nhiều khía cạnh...
Đồng USD đã mạnh lên đáng kể so với các đồng tiền chủ chốt trên thế giới, với dollar index thời điểm hiện tại đã tăng gần 6% so với đầu năm nay. Nhiều nhận định cho rằng USD sẽ còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới khi Fed có khả năng sẽ tăng lãi suất tại Mỹ thêm 2 lần nữa trong thời gian còn lại của năm nay.
Trong bối cảnh như vậy, VND tất yếu sẽ chịu áp lực mất giá so với USD. Tuy nhiên, so với thời điểm đầu năm, VND mới chỉ yếu đi 0,8%, là mức rất khiêm tốn so với sự yếu đi của nhiều đồng tiền chủ chốt như đã nói ở trên.
Đây có thể là một phần kết quả của việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động và chấp nhận để VND "nương theo chiều gió", yếu đi một chút so với USD nhằm duy trì tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, mặc dù họ có đủ khả năng và công cụ can thiệp để ổn định tỉ giá VND/USD trong ngắn hạn.
Lưu ý thêm rằng NHNN đã nhiều lần cho biết về định hướng chính sách của mình là "sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ và tỉ giá trong biên độ cho phép". Theo tuyên bố này, NHNN không cam kết sẽ ổn định tỉ giá một cách cứng nhắc, tức "neo" tỉ giá, mà chỉ cam kết "ổn định tỉ giá trong biên độ cho phép". Có thể hiểu "biên độ cho phép" ở đây là mức biến động +/-3% xung quanh tỉ giá trung tâm do NHNN công bố hàng ngày.
Cho dù biên độ biến động này được cố định (+/-3%), nhưng điều này không có nghĩa là tỉ giá VND/USD sẽ được/bị cố định, bởi vì NHNN còn nắm trong tay một công cụ "động" khác là tỉ giá trung tâm - một biến số động, thay đổi hàng ngày. Và quả thật, trên thực tế, tỉ giá trung tâm có thay đổi, và đã thay đổi đáng kể hàng ngày, chứ không nằm bất định hàng nhiều tháng như với tỉ giá liên ngân hàng mà NHNN công bố trước đây.
Như vậy, với cơ chế tỉ giá dựa trên tỉ giá trung tâm và biên độ biến động +/-3%, NHNN đã ly khai chủ trương ổn định tỉ giá một cách cứng nhắc trước đây của mình và thực tế đã chuyển sang một chế độ tỉ giá linh hoạt, mở đường để VND biến động đáng kể theo tình hình thực tế trong và ngoài nước.
Trong bối cảnh này, điều đáng ngạc nhiên là có khá nhiều ý kiến lo ngại về chuyện VND mất giá so với USD, cũng như đề xuất hay kỳ vọng NHNN ổn định tỉ giá (theo nghĩa là để tỉ giá VND/USD gần như cố định hay thay đổi không đáng kể).
Như đã được phân tích trước đây và cũng là một phần của chủ trương linh hoạt với tỉ giá của NHNN, VND yếu đi so với USD là xu thế cần phải và có thể chấp nhận được. Điều cần quan tâm là làm cách nào thích nghi được với xu thế này để giảm thiểu những thiệt hại, nếu có, cho toàn bộ nền kinh tế cũng như với từng chủ thể kinh tế.
Tác động tiêu cực đầu tiên thường được nhắc đến khi tỉ giá tăng lên là gia tăng áp lực lạm phát trong nước, do giá nhập khẩu hàng hóa thế giới quy ra VND tăng lên. Nhưng điều này không nhất thiết luôn đúng như vậy.
Bởi hàng hóa thế giới là do nhiều nước cung cấp, không chỉ có những nước sử dụng USD. Trong khi đó, khi USD mạnh lên so với các đồng tiền khác, gồm các đồng tiền của những nước cung cấp hàng hóa cho thế giới, thì thường có xu hướng là giá cả hàng hóa sẽ tăng chậm lại, không tăng, hoặc thậm chí sụt giảm.
Lý do đơn giản là bởi giá thành sản xuất hàng hóa tại nước sở tại tính bằng bản tệ nên nếu bản tệ yếu đi so với USD thì giá xuất khẩu hàng hóa đó tính theo USD cũng phải giảm đi.
Đồ thị Chỉ số giá cả hàng hóa của Bloomberg (Bloomberg Commodity Index) ở bên minh họa thực tế trên. Theo đó, dù USD có xu hướng mạnh lên đáng kể từ giữa năm 2014 nhưng chỉ số giá cả hàng hóa thế giới lại giảm mạnh từ năm đó và chỉ phục hồi và tăng nhẹ tại một số thời điểm trong nửa đầu năm nay.
Như vậy, dù tỉ giá VND/USD có tăng lên nhưng do giá hàng hóa nhập khẩu bằng USD thậm chí giảm đi nên giá nhập khẩu hàng hóa bằng VND nhìn chung có khả năng sẽ không thay đổi, hoặc thay đổi không đáng kể, không làm gia tăng áp lực lạm phát trong nước.
Ngược lại, áp lực lạm phát thường gia tăng do các yếu tố trong nước, mà điển hình là áp lực do gia tăng cung tiền. Nếu NHNN thận trọng hơn (và thực tế họ đã như vậy) với gia tăng cung tiền như là kết quả một phần của việc bơm thanh khoản cho hệ thống để hạ lãi suất, và một phần do đã mua vào nhiều USD trong thời gian qua, thì sẽ giảm bớt áp lực lạm phát trong nước.
Điều đáng nói thêm ở đây chỉ là liệu sự thận trọng với cung tiền này của NHNN có gây "khó dễ" cho lãi suất và, do đó, cho tăng trưởng kinh tế hay không mà thôi.
Nhưng cũng như đã được phân tích rõ, thực tế vài năm qua cho thấy tăng trưởng cung tiền và tín dụng không đồng hành với tăng trưởng kinh tế. Thậm chí ngược lại, tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng tiền tệ quá mức thường phải trả giá đắt sau này.
Và có lẽ đã nhận thức rõ được mối liên hệ này mà NHNN gần đây đã không còn chịu áp lực phải đẩy mạnh cung tiền và tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như trước. Thay vào đó, Chính phủ tiếp tục tìm cách tháo gỡ các rào cản kinh tế để cải thiện hiệu quả sử dụng các nguồn lực, coi đó là một kênh chính để cải thiện tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, cần lưu ý rằng sự sụt giảm tăng trưởng, nếu có, do sụt giảm tăng trưởng cung tiền (và do đó làm tăng lãi suất) sẽ được bù đắp bởi hiệu ứng tích cực từ tỉ giá tăng lên, kích thích xuất khẩu.
Đương nhiên, tỉ giá gia tăng có thể sẽ làm hại nhà nhập khẩu hoặc những nhà sản xuất dựa nhiều vào nhập khẩu đầu vào, nếu họ không tìm được nguồn nhập khẩu thay thế có giá nhập khẩu bằng USD rẻ hơn.
Để thích ứng với tình trạng này và giảm thiểu tác động, những nhà sản xuất và nhập khẩu này cần phải tăng cường sử dụng hàng trong nước thay thế hoặc tìm cách cắt giảm chi phí nếu muốn tiếp tục tồn tại.
Tóm lại, sự (tiếp tục) yếu đi của VND là một xu thế hợp lý trên nhiều khía cạnh. Do việc ổn định tỉ giá là một điều không tưởng hiện nay nên các chủ thể kinh tế bị tác động bởi sự yếu đi của VND cần chủ động có biện pháp khắc phục tương ứng.