Hệ thống bán lẻ ưu tiên kinh doanh hàng Việt
Thời gian qua, dù chịu sức ép cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm ngoại nhưng hàng hóa “made in Việt Nam” vẫn chiếm ưu thế trên thị trường nhờ phân phối thông qua hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng và các chợ truyền thống. Từ đó, tạo vị thế cho hàng Việt hiện diện rộng khắp trên địa bàn tỉnh.
Hàng Việt phủ sóng
Với xu thế phát triển tất yếu của thị trường, người tiêu dùng cũng như sự phát triển công nghệ, các doanh nghiệp (DN) trong nước đã không ngừng cải tiến chất lượng hàng hóa và bảo đảm giá bán hợp lý.
Hiện nay, có thể thấy các mặt hàng, sản phẩm Việt Nam chất lượng cao đã phủ sâu, phủ rộng tại các kênh phân phối từ các chợ truyền thống đến các siêu thị. Song song đó là các chương trình khuyến mãi của các hệ thống bán lẻ dành riêng cho hàng hóa nội địa cũng đã góp phần tạo thói quen sử dụng hàng Việt trong đông đảo tầng lớp nhân dân.
Trong Siêu thị Co.opmart Bạc Liêu, hàng hóa nhãn hiệu Việt hiện chiếm hơn 90% tại các kệ, quầy. Đặc biệt, vào tháng 9 mỗi năm, siêu thị đều tổ chức chương trình “Tự hào hàng Việt” với chương trình giảm giá khuyến mãi cho hơn 2.000 sản phẩm hàng hóa sản xuất tại Việt Nam với mức giảm giá từ 20 - 50%.
Không chỉ nỗ lực cung cấp hàng Việt tại hệ thống siêu thị, mỗi năm Co.opmart Bạc Liêu còn tổ chức nhiều chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng Việt về nông thôn. Những mặt hàng mang đi phục vụ bà con là hàng tiêu dùng thiết yếu của các DN Việt chất lượng cao, với mức giảm giá hấp dẫn (từ 5 - 40%) cùng nhiều quà tặng kèm theo.
Tương tự, Siêu thị Vinmart cũng dành hơn 80% kệ hàng để trưng bày, kinh doanh hàng Việt. Chính sách thu mua của Vinmart luôn ưu tiên hàng nội, hàng nhập khẩu chỉ đóng vai trò đa dạng hóa và tăng thêm sự chọn lựa cho khách hàng. Trong khi đó, tại hệ thống Bách hóa Xanh, các cửa hàng tiện lợi, tiệm tạp hóa, các chợ truyền thống…, tỷ lệ hàng Việt cũng chiếm lĩnh từ 60 - 80%. Đây là cơ hội để người tiêu dùng mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước với chi phí tiết kiệm, sản phẩm chất lượng nhất.
Chuyên kinh doanh các mặt hàng bánh kẹo, công nghệ thực phẩm, nhiều năm qua, nhà phân phối Thành Phương (Phường 1, TP. Bạc Liêu) luôn ưu tiên các sản phẩm nội địa. Bà Nguyễn Thị Tình - chủ cơ sở Thành Phương, chia sẻ: “Hiện cơ sở tôi có gần 80% là hàng Việt. Tôi chủ yếu phân phối hàng Việt vì giá cả mềm, chất lượng đảm bảo, an toàn, nhờ vậy mà công việc kinh doanh luôn thuận lợi, hệ thống phân phối cũng ngày càng mở rộng hơn”.
“Người việt ưu tiên dùng hàng Việt”
Để hàng Việt thật sự đi sâu vào ý thức, thói quen và niềm tin của người tiêu dùng, thời gian tới, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng; sự quản lý, điều hành của chính quyền; phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, trách nhiệm của các thành viên Ban chỉ đạo và các cơ quan thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng tốt Cuộc vận động.
Theo đó, hoàn thiện chính sách, quy định của pháp luật nhằm thúc đẩy mạnh mẽ vai trò các DN, cơ sở sản xuất - kinh doanh; tạo hành lang pháp lý thuận lợi hỗ trợ DN đầu tư phát triển tại Bạc Liêu, nhất là DN vừa và nhỏ, DN công nghệ số tham gia vào chuỗi sản xuất hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao.
Các sở, ngành, địa phương trong tỉnh Bạc Liêu cũng tăng cường thực hiện các chính sách hỗ trợ DN tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng điểm bán sản phẩm đặc thù của tỉnh; phối hợp tổ chức các hội chợ thương mại, các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn; khuyến khích DN ưu tiên trưng bày sản phẩm Việt lên các quầy, kệ ở các siêu thị hay cửa hàng tiện ích, các chợ nhằm làm tăng niềm tin tiêu dùng hàng Việt của người dân…
Tuy nhiên, để khẳng định được chỗ đứng tại thị trường trong nước, đồng thời mở ra nhiều cơ hội cho hàng Việt tiếp cận thị trường mới, các DN cũng cần chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ tiên tiến, nâng cao khả năng quản lý trên các mô hình công nghệ số thông qua việc ứng dụng thương mại điện tử, tăng năng suất lao động, hạ giá thành nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, đa dạng mẫu mã để đáp ứng nhu cầu mua sắm đa dạng và ngày càng cao của người tiêu dùng.
Ngoài ra, DN cũng cần cung cấp thông tin trung thực, cụ thể về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa, dịch vụ để người tiêu dùng dễ dàng tìm hiểu, tiếp cận. Từ đó, tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách hàng, góp phần tăng doanh thu, tăng thị phần và vị thế của DN trên thị trường trong nước lẫn quốc tế.