Hệ thống Kho bạc Nhà nước: Mùa xuân mới, vận hội và thách thức mới
Năm 2015 đánh dấu một mốc son quan trọng trong chặng đường 25 năm phát triển của Kho bạc Nhà nước (KBNN): Hệ thống KBNN được trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì và được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính tin tưởng giao thêm các nhiệm vụ mới.
Đây được coi là một bước tiến dài trong lộ trình thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020.
Với Quyết định số 26/2015/QĐ-TTg ngày 8/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của KBNN trực thuộc Bộ Tài chính (Quyết định 26), KBNN đã được tín nhiệm giao những nhiệm vụ mới như: Tổng hợp, lập báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) hằng năm; nhóm nhiệm vụ để thực hiện chức năng tổng kế toán nhà nước.
Quyết định 26 đã có những thay đổi căn bản trong kiện toàn cơ cấu tổ chức của hệ thống để phù hợp với các nhiệm vụ quan trọng của KBNN. Cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc và trực thuộc KBNN được thiết kế tinh gọn đầu mối quản lý, giảm thiểu các đầu mối quản lý nội bộ.
Theo đó, đã giảm 123 đầu mối cấp phòng tại KBNN tỉnh và 660 đầu mối cấp tổ tại KBNN cấp huyện. Quyết định 26 tạo nền tảng pháp lý quan trọng cho hệ thống KBNN thực hiện các chức năng, nhiệm vụ mới trong giai đoạn tới, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của hệ thống KBNN trong nền tài chính quốc gia.
Những trọng trách mới thể hiện sự tin tưởng, tín nhiệm của Đảng, Nhà nước với hệ thống KBNN, mở ra một vận hội mới, đồng thời cũng là thách thức mới đòi hỏi toàn hệ thống cũng như mỗi cán bộ, công chức KBNN phấn đấu, nỗ lực hết mình.
Để triển khai Quyết định 26, KBNN các cấp đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến toàn thể công chức trong đơn vị về mục đích, yêu cầu của việc kiện toàn chức năng, nhiệm vụ; thực hiện rà soát, bàn giao hồ sơ, tài liệu, số liệu đảm bảo an toàn, chính xác, đúng quy định; đồng thời, kết hợp việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy với công tác luân chuyển, luân phiên, điều động và định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo tinh thần Nghị quyết số 02 NQ/BCSĐ ngày 10/10/2014 của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính.
Sau gần 03 tháng tích cực chuẩn bị, toàn hệ thống KBNN đã triển khai thực hiện Quyết định 26 đảm bảo đúng nguyên tắc, hiệu quả, công khai, minh bạch; vận hành tổ chức bộ máy mới một cách đồng bộ và thông suốt từ 01/10/2015, từng bước nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, công chức trong toàn hệ thống, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2015 là năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011 - 2015, năm có nhiều thách thức đối với ngành Tài chính cũng như hệ thống KBNN. Đề ra 13 nhiệm vụ trọng tâm và những giải pháp cụ thể ngay từ đầu năm, với sự quyết tâm cao và những biện pháp chủ động, linh hoạt, KBNN đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.
KBNN đã tập trung nguồn lực, xây dựng và triển khai các đề án, chính sách, đảm bảo lộ trình phù hợp với lộ trình triển khai thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến 2020: Để tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động quản lý ngân quỹ nhà nước của KBNN, KBNN đã phối hợp với các đơn vị có liên quan bổ sung một số nội dung quy định về quản lý ngân quỹ nhà nước vào Luật NSNN sửa đổi đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9; chủ trì phối hợp với Vụ NSNN và các đơn vị liên quan nghiên cứu, sửa đổi hệ thống mục lục NSNN theo hướng tinh gọn, đáp ứng yêu cầu quản lý theo quy định của Luật NSNN 2015 để áp dụng từ năm ngân sách 2017.
Chủ động phối hợp xây dựng Nghị định về Quản lý ngân quỹ và các thông tư hướng dẫn Nghị định để triển khai thực hiện Luật NSNN sửa đổi. Phối hợp với các đơn vị có liên quan bổ sung các nội dung quy định về báo cáo tài chính nhà nước vào Luật Kế toán sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc triển khai thực hiện chức năng tổng kế toán nhà nước của KBNN; chủ động triển khai đồng bộ các công việc để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ lập báo cáo tài chính nhà nước vào năm 2019. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện triển khai thanh tra chuyên ngành đối với các đơn vị sử dụng ngân sách từ năm 2016.
Đối với công tác quản lý quỹ NSNN, các đơn vị KBNN trong toàn hệ thống đã chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan thu trên địa bàn thực hiện có hiệu quả các giải pháp, biện pháp trong tổ chức thu, trao đổi, cung cấp thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng nộp thuế để tập trung nhanh, hạch toán đầy đủ, kịp thời, chính xác các khoản thu cho các cấp ngân sách. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp thu với các ngân hàng thương mại trên phạm vi toàn quốc; thực hiện thí điểm thu NSNN qua máy chấp nhận thanh toán thẻ (POS) tại 6 đơn vị KBNN trên địa bàn thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Tham mưu với Bộ Tài chính triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đáp ứng kịp thời như cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách, song vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ các khoản chi NSNN. Các giải pháp tạo được sự đồng thuận cao từ các đơn vị sử dụng NSNN, góp phần đưa cơ chế, chính sách phù hợp hơn với thực tiễn.
Tích cực đôn đốc thu hồi tạm ứng vốn đầu tư XDCB, góp phần làm lành mạnh hóa và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư từ NSNN. Bên cạnh đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư. Tính đến hết ngày 31/01/2016, hệ thống KBNN thực hiện kiểm soát chi thường xuyên ước đạt 100% dự toán năm 2015 sau khi đã loại trừ số tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên của 8 tháng cuối năm.
Thông qua công tác kiểm soát chi thường xuyên NSNN, các đơn vị KBNN đã phát hiện và yêu cầu bổ sung hồ sơ thanh toán khoảng 30.000 khoản chi chưa đủ thủ tục theo quy định, số tiền thực từ chối thanh toán là 23,5 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/01/2016, lũy kế vốn đầu tư giải ngân qua hệ thống KBNN ước đạt 268.676 tỷ đồng, bằng 91,3% so với kế hoạch vốn năm 2015 cấp qua KBNN. Thông qua kiểm soát thanh toán vốn đầu tư, hệ thống KBNN đã từ chối thanh toán khoảng 110 tỷ đồng do chủ đầu tư đề nghị thanh toán không đúng đối tượng, thủ tục đầu tư không đúng quy định, không có trong hợp đồng, dự toán được duyệt.
Năm 2015 là năm đầu tiên hệ thống KBNN thực hiện nhiệm vụ tổng hợp, lập báo cáo quyết toán NSNN theo quy định tại Quyết định 26. KBNN đã chủ động phối hợp với Vụ NSNN trong việc tiếp nhận, bàn giao nhiệm vụ; đồng thời thực hiện rà soát, trình Bộ ban hành 02 Quy chế phối hợp liên quan đến công tác thẩm định báo cáo quyết toán NSNN và công tác tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, cơ quan thanh tra, cảnh sát điều tra về tài chính ngân sách.
Đối với công tác huy động vốn, KBNN đã luôn bám sát tình hình thị trường, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thuộc Bộ tham mưu, đề xuất với Bộ một loạt các giải pháp quyết liệt, sáng tạo và hiệu quả: Công khai kế hoạch, lịch biểu phát hành cả năm và hằng quý; điều chỉnh tần suất đấu thầu, khối lượng, lãi suất từng đợt phát hành; rút ngắn thời gian đưa trái phiếu vào giao dịch trên thị trường; kịp thời nắm bắt nhu cầu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư; phát hành các loại trái phiếu mới tạo sự đa dạng cho hàng hóa trên thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP)…
Đến ngày 31/12/2015, tổng khối lượng huy động đạt 256.223,3 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch năm. Kỳ hạn vay trung bình của trái phiếu năm 2015 tính đến 31/12/2015 là 7,12 năm (tăng 2,28 năm so với kỳ hạn vay trung bình của năm 2014), nâng kỳ hạn trung bình của cả danh mục TPCP trên thị trường từ 3,1 năm tại thời điểm 31/12/2014 lên 4,44 năm tại thời điểm 31/12/2015. Lãi suất huy động vốn bình quân năm 2015 là 6,07%/năm, giảm 47 điểm cơ bản so với năm 2014 (6,54%/năm).
Ngoài nhiệm vụ phát hành, KBNN đã thực hiện thanh toán gốc, lãi trái phiếu đầy đủ, đúng hạn cho các nhà đầu tư. Điều hành ngân quỹ chủ động, linh hoạt, sáng tạo đảm bảo đáp ứng nhu cầu thanh toán, chi trả cho các cấp ngân sách tại mọi thời điểm, nhất là tại những thời điểm khó khăn khi nhu cầu thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn lớn mà nguồn thu chưa tập trung kịp thời vào NSNN.
Bước sang năm 2016 - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIIcủaĐảng cũng là năm đầu tiên triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển 5 năm 2016-2020, hệ thống KBNN cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ chủ yếu sau:
Một là, tập trung nguồn lực, thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 và kế hoạch phát triển 5 năm giai đoạn 2016-2020 của hệ thống KBNN đảm bảo đúng mục tiêu, yêu cầu. Xây dựng, trình Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành đồng bộ các văn bản tạo khuôn khổ pháp lý để triển khai thực hiện Luật NSNN, Luật Kế toán năm 2015 ngay khi Luật có hiệu lực. Xây dựng hành lang pháp lý để triển khai thực hiện chức năng quản lý ngân quỹ nhà nước, tổng kế toán nhà nước.
Hai là, phối hợp chặt chẽ với cơ quan thu tổ chức tập trung đầy đủ, kịp thời các khoản thu vào NSNN, phấn đấu hoàn thành dự toán thu NSNN năm 2016, đồng thời thực hiện điều tiết cho các cấp ngân sách chính xác, đúng quy định; triển khai mở rộng hình thức thanh toán qua thẻ chi tiêu công nhằm giảm tỷ trọng thu, chi bằng tiền mặt qua KBNN. Chấp hành nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, kiểm soát chi NSNN; chủ động tham gia với các đơn vị liên quan thuộc Bộ trong việc sửa đổi, bổ sung các cơ chế liên quan đến lĩnh vực kiểm soát chi NSNN đảm bảo phù hợp với các quy định của Luật NSNN năm 2015 và Luật Đầu tư công. Tăng cường kiểm tra tình hình thực hiện quy trình nghiệp vụ trong công tác kiểm soát chi để kịp thời đôn đốc, chấn chỉnh các đơn vị trong toàn hệ thống; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai kiểm soát chi điện tử diện rộng.
Ba là, hoàn thành việc lập báo cáo quyết toán NSNN 2014; tổng hợp thông tin thuyết minh, giải trình về quyết toán NSNN 2014; đảm bảo hoàn thành báo cáo quyết toán NSNN 2014 để trình Chính phủ báo cáo Quốc hội. Tiếp tục hoàn thiện các quy chế phối hợp, các quy trình nghiệp vụ và chuẩn bị các hoạt động thực hiện quy trình quyết toán cho năm ngân sách 2015. Nghiên cứu và tham mưu cho Bộ Tài chính sửa đổi hệ thống mục lục NSNN theo quy định của Luật NSNN mới và đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu quản lý; xây dựng công thức báo cáo và nâng cấp hạ tầng phần cứng, chỉnh sửa, cập nhật các hệ thống ứng dụng (TABMIS, thu NSNN, các ứng dụng thanh toán…) để phù hợp với mục lục NSNN mới; tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công chức KBNN, các đơn vị sử dụng NSNN và các đơn vị khác có liên quan về mục lục NSNN mới.
Bốn là, tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển theo đúng Nghị quyết của Quốc hội; đồng thời thanh toán TPCP đến hạn đảm bảo an toàn, chính xác và thuận lợi cho chủ sở hữu trái phiếu. Tiếp tục nghiên cứu, triển khai phát hành các sản phẩm trái phiếu mới nhằm đa dạng hóa các loại TPCP; duy trì đều đặn các phiên phát hành trái phiếu theo lịch biểu đã công bố, tăng cường quảng bá thị trường TPCP Việt Nam tới các nhà đầu tư nước ngoài.
Năm là, đảm bảo an ninh, an toàn tiền và tài sản nhà nước giao cho KBNN quản lý; tăng cường công tác đảm bảo an ninh trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), hạ tầng truyền thông, cơ sở dữ liệu. Tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành các cơ chế chính sách và quy trình nghiệp vụ.
Sáu là, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động nghiệp vụ và quản lý nội bộ. Để triển khai thực hiện Luật NSNN năm 2015, thực hiện thành công các chức năng, nhiệm vụ mới của KBNN, đáp ứng các yêu cầu của Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử và Quyết định số 1819/QĐ-TTg về Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020, năm 2016, KBNN tập trung triển khai và hoàn thành đúng tiến độ các đề án, dự án hiện đại hóa CNTT trong hệ thống KBNN. Lấy CNTT làm bước đột phá trong hiện đại hóa KBNN, từng bước tạo nên công nghệ kho bạc hiện đại, cụ thể: Cung cấp đầy đủ các dịch vụ công trực tuyến của KBNN để hình thành kho bạc điện tử, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tất cả các đơn vị, cá nhân khi giao dịch tại kho bạc; triển khai đầy đủ các ứng dụng CNTT phục vụ các chức năng quản lý của KBNN; ứng dụng CNTT cho tất cả các mảng quản trị nội bộ của KBNN, đảm bảo toàn bộ các hoạt động điều hành nội bộ KBNN được thực hiện trên môi trường mạng.
Bảy là, thực hiện mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính, lấy chất lượng trong quản lý và phục vụ các đơn vị giao dịch là mục tiêu của công tác cải cách hành chính KBNN. Hoàn thiện cơ chế, quy trình thủ tục trong thu, chi NSNN; đẩy mạnh công tác phối hợp thu NSNN giữa các đơn vị trong ngành tài chính với các ngân hàng thương mại; triển khai mở rộng các hình thức thu nộp hiện đại (thu qua ATM, internet, qua POS lắp đặt tại KBNN…) nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nộp thuế; triển khai mở rộng thẻ chi tiêu công, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trong kiểm soát chi NSNN, xây dựng và thực hiện cơ chế “một cửa” trong giao dịch với khách hàng nhằm tạo thuận lợi nhất cho tất cả các đơn vị sử dụng NSNN.
Tính đến ngày 31/01/2016, lũy kế vốn đầu tư giải ngân qua hệ thống KBNN ước đạt 268.676 tỷ đồng, bằng 91,3% so với kế hoạch vốn năm 2015 cấp qua KBNN. Thông qua kiểm soát thanh toán vốn đầu tư, hệ thống KBNN đã từ chối thanh toán khoảng 110 tỷ đồng do chủ đầu tư đề nghị thanh toán không đúng đối tượng, thủ tục đầu tư không đúng quy định, không có trong hợp đồng, dự toán được duyệt.