Hệ thống tài chính Việt Nam tiếp tục phát triển lành mạnh và an toàn
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) cho biết, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn nhiều khó khăn, thách thức, hệ thống tài chính Việt Nam tiếp tục phát triển khá lành mạnh và an toàn, đảm bảo tốt chức năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng và khu vực doanh nghiệp đồng thời duy trì ổn định vĩ mô.
Tăng trưởng kinh tế dự báo thấp hơn so với kế hoạch
Tại Hội thảo "Tổng quan thị trường tài chính 2016" tổ chức ngày 10/11/2016, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết kinh tế thế giới năm 2016 tiếp tục tăng trưởng ở mức thấp. IMF dự báo năm 2016 tăng trưởng ở mức 3,1% (thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với năm 2015). Nguyên nhân chủ yếu là do năng suất lao động chậm cải thiện tại các nước phát triển, tăng trưởng thương mại toàn cầu thấp hơn dự kiến, giá cả hàng hóa cơ bản tiếp tục giảm khá mạnh và những tác động tiêu cực từ Brexit
Trước bối cảnh phục hồi kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo tăng 6,3% thấp hơn so với kế hoạch (6,7%) chủ yếu đến từ sự giảm tốc của ngành nông nghiệp và sụt giảm của ngành khai khoáng do giá dầu ở mức thấp, thiên tai hạn hán trong nước.
Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho hay, ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì. Lạm phát năm 2016 ước trong khoảng 4-4,5%. Tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định tạo điều kiện giúp NHNN bổ sung dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục 40 tỷ USD. Niềm tin nhà đầu tư nước ngoài ngày càng được củng cố vào ổn định vĩ mô và đồng tiền VND. Vốn FDI và ODA đăng ký và giải ngân tiếp tục tăng cao, khối ngoại mua ròng trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu ở mức cao nhất trong 3 năm nay… giúp gia tăng nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế.
Về phía cân đối ngân sách nhà nước, bội chi NSNN đạt thấp hơn so với năm 2015 do thu NSNN tăng thấp chủ yếu do thu từ tiền bán cổ phần chậm, thu từ DNNN giảm, giá dầu thanh toán đạt thấp trong khi đó chi NSNN cũng giảm tương ứng.
Trong Báo cáo xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu do World Bank công bố, xếp hạng môi trường kinh doanh năm 2016 của Việt Nam tăng 9 bậc. Điều này đã tạo điều kiện cho khu vực doanh nghiệp tiếp tục phát triển với số lượng đăng ký và vốn đăng ký tăng nhanh.
Tuy nhiên, khu vực doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn: doanh thu và tỷ suất lợi nhuận bình quân giảm nhẹ, trong đó ngành khai khoáng và nông nghiệp giảm mạnh nhất, tốc độ tăng doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn khá khiêm tốn.
Hệ thống tài chính Việt Nam đảm bảo tốt chức năng cung ứng vốn cho nền kinh tế
Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô nói trên, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đánh giá, hệ thống tài chính Việt Nam tiếp tục phát triển khá lành mạnh và an toàn, đảm bảo tốt chức năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng và khu vực doanh nghiệp đồng thời duy trì ổn định vĩ mô.
Cụ thể, vốn cung ứng cho nền kinh tế tiếp tục tăng 15% so với cuối năm 2015 nhờ thanh khoản khu vực ngân hàng dồi dào và diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán (cổ phiếu và trái phiếu);
Phân bố nguồn vốn tín dụng cho các khu vực doanh nghiệp và lĩnh vực ưu tiên tiếp tục được chú trọng nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng tín dụng; Mặc dù lạm phát tăng cao hơn 2015 song mặt bằng lãi suất huy động được duy trì khá ổn định, lãi suất cho vay tăng nhẹ;
Quá trình tái cơ cấu hệ thống tài chính từ cuối năm 2011 góp phần lành mạnh hóa thị trường tài chính (giảm 10% số TCTD và 25% số công ty chứng khoán). Hoạt động của khu vực tài chính Việt Nam tiếp tục phát triển an toàn với mức đủ vốn bình quân của hệ thống cao hơn mức chuẩn an toàn. Nợ xấu được xử lý tích cực giúp giảm chi phí dự phòng rủi ro của các TCTD và đà tăng của nợ xấu chậm lại qua các năm, góp phần gia tăng khả năng sinh lời của hệ thống TCTD.
Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, quy mô hệ thống tài chính Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn, năng lực cung ứng vốn còn hạn chế, đặc biệt còn phụ thuộc nhiều vào khu vực ngân hàng. Trong khi đó thị trường chứng khoán Việt Nam chưa hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài so với tiềm năng. Một số vấn đề tồn tại nổi bật của hệ thống tài chính là nợ xấu vẫn chưa được giải quyết triệt để, tập trung ở một số TCTD yếu kém, khiến cho mặt bằng lãi suất cho vay vẫn chưa giảm được như mong đợi bất chấp sự hỗ trợ tích cực từ các yếu tố vĩ mô.