Thống kê từ Cục Hải quan Quảng Ninh, 6 tháng đầu năm 2017, đơn vị đã tiếp nhận 16.975 container chuyển cửa khẩu các loại, trị giá 523,1 triệu USD, giảm 18,4% về số lượng và giảm 32% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó có 9.911 container thủy, hải sản (trị giá 399,8 triệu USD) và 7.046 container rượu, thuốc lá, đồ điện tử, da, lông chồn, đường kính… (trị giá 123,3 triệu USD). Hàng hóa tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan chủ yếu từ các Chi cục Hải quan khu vực cảng Hải Phòng, giám sát thực xuất qua các điểm thông quan tại: Bắc Phong Sinh, Hoành Mô, Móng Cái, Vạn Gia (Quảng Ninh).
Thời điểm trước khi có Phần mềm quản lý hàng hóa chuyển cửa khẩu, cán bộ hải quan đều phải thực hiện các khâu quản lý bằng phương pháp thủ công; thời gian thực hiện kéo dài, công tác thống kê, báo cáo thiếu chính xác và khoa học. Có đơn vị đã thực hiện theo dõi bằng bảng Excel. Song, trình độ tin học của cán bộ công chức không đồng đều dẫn đến có thể làm mất dữ liệu dẫn đến báo cáo sẽ không chính xác.
Phòng Công nghệ thông tin là đơn vị được lãnh đạo Cục Hải quan giao nhiệm vụ nghiên cứu, khảo sát xây dựng phần mềm quản lý hàng hóa chuyển cửa khẩu để đẩy nhanh việc thực hiện thủ tục hải quan từ các khâu tiếp nhận hồ sơ, giám sát thực tế, từ đó thống nhất trong quản lý hàng hóa chuyển cửa khẩu.
Lãnh đạo Phòng Công nghệ thông tin cho biết, phần mềm được xây dựng trên công nghệ Web và dữ liệu tập trung. Theo đó, phần mềm được kỳ vọng sẽ đảm bảo các tiện ích và tính năng về Hệ thống cơ sở dữ liệu (lưu trữ thông tin về biên bản bàn giao, tờ khai, người giám sát… theo Thông tư 38/2015/TT-BTC và Quyết định số 1966/QĐ-TCHQ); tiếp nhận thông tin, phân công công chức thực hiện, hoàn thiện hồ sơ…
Phần mềm được cài đặt trên máy chủ và chương trình chạy trên từng máy tính trạm dẫn đến việc triển khai dễ dàng, thuận tiện. Việc sao lưu dữ liệu được cấu hình tự động, giảm thiểu tối đa việc mất dữ liệu, tránh được việc mất công thức cũng như mất dữ liệu như khi sử dụng bảng Excel. Đặc biệt, chương trình được cấp user sử dụng và phân quyền chức năng cho từng công chức, công chức thực hiện khâu nào thì chỉ có quyền xem dữ liệu ở khâu đó. Khâu trước kiểm soát khâu sau dẫn đến việc hạn chế tối đa sai sót trong việc nhập liệu tiếp nhận hồ sơ.
Ví dụ, khi phân công giám sát nếu có phát hiện sai sót trong khâu tiếp nhận thì lãnh đạo có thể chuyển hồ sơ đó về khâu tiếp nhận để sửa chữa, nếu đúng thì sẽ chuyển sang khâu giám sát. Tại mỗi khâu đều có phần ghi chú giúp công chức thực hiện có thể ghi chú thêm các thông tin cần thiết nhằm thực hiện bộ hồ sơ đó nhanh nhất mà không cần phải điện thoại cho nhau.
Việc giám sát cũng có thể phân công lại cho công chức khác nếu hồ sơ đó chưa thực hiện việc giám sát dẫn đến linh hoạt hơn. Đặc biệt tại khâu giám sát, hồ sơ nào được phân công cho công chức nào thì chỉ có công chức đó khi đăng nhập vào phần mềm mới hiện lên danh sách. Hơn nữa, trước khi nhập kết quả giám sát, phần mềm sẽ còn đưa ra mã xác nhận yêu cầu nhập nên hạn chế được sai sót, nhầm lẫn...
Ngoài ra, nếu container được chuyển đi nơi khác sẽ được nhập vào ô dữ liệu “Danh sách container/biển kiểm soát chuyển đi nơi khác”, phần mềm sẽ tự động tính toán số lượng container chuyển đi để có thể thống kê được danh sách, số lượng container chuyển đi, cũng như thống kê chính xác số lượng container thực xuất...
Từ khi phần mềm quản lý hàng hóa chuyển cửa khẩu được đưa vào sử dụng, việc tổng hợp thống kê, báo cáo đối với hàng hóa chuyển cửa khẩu cũng dễ dàng, thuận tiện hơn rất nhiều, chính xác đến từng số container, trị giá, cho từng giai đoạn, cho từng điểm xuất, điểm tiếp nhận, cho từng doanh nghiệp, cho từng công chức…
Từ cuối năm 2016, Hải quan Quảng Ninh đã xây dựng và triển khai phần mềm hàng hóa chuyển cửa khẩu tại Chi cục Hải quan Bắc Phong Sinh. Sau một thời gian áp dụng thí điểm và đem lại hiệu quả, phần mềm được mở rộng triển khai tại 3 Chi cục Hải quan: Hoành Mô, Móng Cái, Vạn Gia từ tháng 5/2017.