Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực sẽ có hiệu lực vào tháng 1/2022
Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022, sau khi Australia và New Zealand vừa phê chuẩn hiệp định.
Theo đó, tuyên bố của Chính phủ Australia nêu rõ: “RCEP sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ khi ít nhất sáu quốc gia ASEAN và ba quốc gia ngoài ASEAN phê chuẩn. Cột mốc này đã đạt được vào ngày 2/11/2021, với sự phê chuẩn của Australia và New Zealand, mở đường cho RCEP có hiệu lực vào ngày 1/1/2022”.
Theo tuyên bố, RCEP sẽ củng cố mối quan hệ thương mại của Australia với ASEAN, đồng thời biểu hiện cam kết của nước này đối với cấu trúc kinh tế khu vực do ASEAN dẫn đầu.
Khi có hiệu lực đối với tất cả 15 bên ký kết, RCEP sẽ là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, đưa 9 trong số 15 đối tác thương mại hàng đầu của Australia vào một khuôn khổ kinh tế chung duy nhất, theo thông cáo của Chính phủ Australia.
Trong khi đó, theo tuyên bố đưa ra ngày 3/11, Bộ trưởng Thương mại và Tăng trưởng xuất khẩu New Zealand Phil Twyford cho biết, New Zealand cùng với Australia đã chính thức thông qua RCEP ngày hôm qua, khởi động quá trình thực thi hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới và đẩy nhanh hơn nữa sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Ông Phil Twyford cho biết thêm, các doanh nghiệp New Zealand sẽ có thể tận dụng các cơ hội mang lại bởi RCEP từ đầu năm tới.
Sau khi có hiệu lực đầy đủ, RCEP sẽ là hiệp định thương mại giữa 15 nền kinh tế trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chiếm gần 1/3 dân số thế giới, cũng như gần 1/3 GDP toàn cầu và một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu của New Zealand, theo thông cáo của Chính phủ New Zealand.
Bộ trưởng Phil Twyford cho rằng, điều này sẽ mở ra những lợi ích kinh tế to lớn cho các nhà xuất khẩu và doanh nghiệp New Zealand, cũng như khả năng tiếp cận thị trường mới.
Bên cạnh đó, RCEP cũng sẽ cho phép các doanh nghiệp nước này kết nối tốt hơn thông qua các chuỗi cung ứng khu vực và mang lại sự ổn định cho các nhà xuất khẩu trong thời điểm còn nhiều bất ổn trên toàn cầu.
Khẳng định các quốc gia trong khối ASEAN là một phần quan trọng của nền kinh tế toàn cầu, ông Phil Twyford nhấn mạnh, việc New Zealand và Australia phê chuẩn thỏa thuận RCEP do ASEAN dẫn đầu thể hiện mối quan hệ bền chặt giữa các bên liên quan.
Bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/1 đầu năm sau, các bên tham gia RCEP bao gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN cùng năm đối tác thương mại tự do của ASEAN là Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.
Với thị trường 2,2 tỷ dân và GDP xấp xỉ 26,2 nghìn tỷ USD, RCEP khi đi vào hiệu lực sẽ loại bỏ thuế quan đối với 91% hàng hóa, đồng thời tiêu chuẩn hóa các quy định về thương mại hàng hóa và dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử và cạnh tranh, bên cạnh thúc đẩy tối ưu hóa chuỗi cung ứng trong khu vực.