Hiệp định EVFTA và cơ hội thúc đẩy thương mại điện tử Việt Nam

TS. Lê Thị Hoài - Trường Đại học Thương mại

Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) được ký kết, tạo động lực cho phát triển kinh tế Việt Nam nói chung và thương mại điện tử nói riêng. Thương mại điện tử trở thành xu hướng phát triển tất yếu, cần được các doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy mở rộng hoạt động xuất khẩu và tận dụng tối đa cơ hội từ EVFTA mang lại, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vào thị trường EU thông qua kênh thương mại điện tử.

Ảnh minh họa. Nguồn: Bộ Công thương
Ảnh minh họa. Nguồn: Bộ Công thương

Đặt vấn đề

Liên minh châu Âu - EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba và là 1 trong 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, sau 3 năm thực thi EVFTA (từ tháng 8/2020 đến tháng 8/2023), tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt gần 128 tỷ USD, trong đó năm 2021 đạt 40,12 tỷ USD, tăng trưởng 14,2%; năm 2022 đạt mốc 46,83 tỷ USD, tăng 16,7% so với năm 2022. Tính đến ngày 31/7/2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt khoảng 25 tỷ USD. Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU là giày dép, dệt may, cà phê, đồ gỗ, hải sản, nông phẩm, đồ uống…

Việc tham gia ký kết EVFTA của Việt Nam ngày 30/6/2019 là một bước tiến quan trọng trong tiến trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta. Hơn nữa, Hiệp định này được ký kết trong bối cảnh kinh tế - thương mại toàn cầu đang đứng trước những thách thức to lớn từ cạnh tranh chiến lược và xung đột thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc, sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa đơn phương và yêu cầu cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhằm thích ứng hơn với sự phát triển mạnh mẽ của toàn cầu hoá, kinh tế số và thương mại điện tử (TMĐT).

Vậy Hiệp định EVFTA sẽ mang lại cho các doanh nghiệp TMĐT Việt Nam những lợi thế gì? Các doanh nghiệp TMĐT Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn thách thức nào? Và họ cần phải làm gì để có thể tận dụng được những lợi thế từ EVFTA? Để trả lời các câu hỏi này, với phương pháp nghiên cứu định tính, bài viết phân tích những cơ hội của các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa qua kênh TMĐT khi Hiệp định EVTFA có hiệu lực; đưa ra một số khuyến nghị giúp các doanh nghiệp TMĐT Việt Nam có thể tận dụng tối đa những cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường EU trong thời gian tới.

EVFTA và cơ hội cho thương mại điện tử Việt Nam

EU là khu vực chiếm tỷ trọng lớn trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và châu Âu; là thị trường xuất khẩu rất tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, với thế mạnh của mình, TMĐT đem đến cho doanh nghiệp rất nhiều lợi ích to lớn như tăng khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu một cách nhanh chóng với chi phí thấp, tiết kiệm đáng kể thời gian chi phí cho doanh nghiệp.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa qua kênh TMĐT lại càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Hiệp định EVFTA được ký kết và có hiệu lực thi hành sẽ đem đến nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa qua kênh TMĐT, cụ thể:

- Mức cam kết xóa bỏ thuế suất xuất khẩu cao: Theo cam kết của EU dành cho Việt Nam, gần như 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế trong một lộ trình ngắn. Bên cạnh đó, thuế xuất khẩu thông qua giao dịch điện tử cũng cam kết được xóa bỏ, cộng với việc EU là thị trường có trình độ dân trí cao và công nghệ phát triển, sẽ tạo ra lợi thế lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam khi đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU thông qua TMĐT.

Liên minh châu Âu - EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba và là 1 trong 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, sau 3 năm thực thi EVFTA (từ tháng 8/2020 đến tháng 8/2023), tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt gần 128 tỷ USD, trong đó năm 2021 đạt 40,12 tỷ USD, tăng trưởng 14,2%; năm 2022 đạt mốc 46,83 tỷ USD, tăng 16,7% so với năm 2022.

- Tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam: Khi được giảm phần lớn các dòng thuế xuất khẩu và không thu các loại phí giao dịch điện tử sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất nói chung, từ đó giá sản phẩm cũng được giảm theo, điều này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh về giá của hàng hóa Việt Nam tại thị trường quan trọng này. Như vậy, từ 3-7 năm tới việc được hưởng thuế xuất khẩu các mặt hàng sang EU thấp hơn cùng với các cơ chế tạo thuận lợi ưu đãi thương mại từ EVFTA sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn các nước ASEAN tại thị trường này.

- Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu được hưởng thuế suất thấp hoặc 0% rất đa dạng: Từ các nhóm hàng công nghiệp cho đến các nhóm hàng nông, thủy, hải sản, và dịch vụ (như tài chính - ngân hàng, du lịch, vận chuyển hàng không… phát triển theo trong đó đặc biệt có các sản phẩm chủ lực của Việt Nam như dệt may, thủy sản, nông sản. Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hóa của Việt Nam và EU mang tính bổ sung cao, tương hỗ lẫn nhau nên ít có cạnh tranh trực tiếp cho hàng hóa Việt Nam tại thị trường Ngược lại sẽ tạo ra những ngành hàng Việt Nam có lợi thế và là cơ hội vàng cho nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

- Thúc đẩy nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc thị trường: Tác động kép của dịch COVID-19 và EVFTA được kỳ vọng thúc đẩy những nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc không gian thị trường của nền kinh tế Việt Nam theo hướng tăng cường tính tự chủ, giảm lệ thuộc vào các thị trường nước ngoài, tận dụng thế mạnh của TMĐT và nâng cấp Việt Nam trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, EVFTA còn cải thiện thể chế và môi trường kinh doanh theo hướng phù hợp với môi trường kinh doanh số. Đối với các mặt hàng nông sản, khi EVFTA có hiệu lực thuế các mặt hàng này sẽ giảm đáng kể, điều này mang lại nhiều lợi ích, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

- Thúc đẩy phát triển ngành Du lịch trực tuyến: EVFTA đang mở ra nhiều điều kiện thuận lợi cho ngành Du lịch Việt Nam khai thác, triển khai và mở rộng hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trực tuyến thông qua những cam kết, ưu đãi mở cửa thông thoáng đối với các loại hình dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, đại lý du lịch, điều hành tour, dịch vụ hướng dẫn du lịch.

Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn, để khai thác các thế mạnh thị trường, thu hút đầu tư, hợp tác kinh doanh hai chiều trong lĩnh vực du lịch. Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ mang lại những tín hiệu lạc quan; hướng đi mới bền vững cho ngành công nghiệp không khói của Việt Nam.

- Tạo cơ hội cho các doanh nghiệp TMĐT Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng số toàn cầu: Hiện nay, các nước tham gia Hiệp định EVFTA, chiếm khoảng 22% GDP toàn cầu. Với quy mô GDP và kim ngạch thương mại này, việc tham gia hiệp định EVFTA sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp TMĐT nói riêng khi chuỗi cung ứng mới hình thành, là điều kiện quan trọng để nâng tầm trình độ phát triển của nền kinh tế, tăng năng suất lao động, giảm dần việc gia công lắp ráp, tham gia vào các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn, từ đó bước sang giai đoạn phát triển các ngành Điện tử, công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp .. Đây là cơ hội lớn để nâng tầm nền kinh tế và đưa các doanh nghiệp Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng số toàn cầu trong 5 - 10 năm tới.

Để tận dụng cơ hội “vàng” từ EVFTA Các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng tối đa những cơ hội từ EVTFA mang lại để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vào thị trường EU thông qua kênh TMĐT, thì cần triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp sau:

Về phía Nhà nước

- Tiếp tục cải cách thể chế đồng bộ, nhất quán so với mức độ cam kết, cải thiện môi trường kinh doanh thông thoáng hơn, thân thiện hơn sẽ mở rộng không gian phát triển cho nền kinh tế Việt Thúc đẩy liên kết, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo ra hệ sinh thái cộng sinh cùng có lợi giữa các doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước.

- Tiếp tục hoàn thiện và sửa đổi hệ thống pháp luật, đặc biệt là pháp luật liên quan đến các giao dịch điện tử để tạo hành lang pháp lý an toàn bảo vệ các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang EU thông qua kênh TMĐT. Đồng thời, cũng phải phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế về kinh doanh điện tử, sở hữu trí tuệ và cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại.

- Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam về cơ hội xúc tiến đầu tư, thông tin thị trường, đồng thới với đó là minh bạch về thuế, phí và đặc biệt tạo điều kiện để các doanh nghiệp vượt qua hàng rào thuế quan, các rào cản kỹ thuật và phi kỹ thuật quy định trong hiệp định. Phối hợp với các doanh nghiệp trong việc xây dựng các giải pháp tận dụng cơ hội và đẩy lùi các thách thức từ Hiệp định.

Về phía doanh nghiệp

- Không ngừng nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp thông qua đầu tư đổi mới cơ sở hạ tầng công nghệ, chất lượng sản phẩm dịch vụ. Chủ động tái cơ cấu tổ chức và cấu trúc các thị trường, đối tác, nhà cung ứng…, để phù hợp hơn với môi trường kinh doanh số, cũng như các quy định của Hiệp định.

- Chủ động tìm hiểu về các cam kết trong Hiệp định, các cơ hội thị trường liên quan đến ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp mà EVFTA mang lại, đặc biệt là các ưu đãi về thuế, các rào cản kỹ thuật và phi kỹ thuật để nắm bắt các cơ hội xuất khẩu hàng hóa, cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường EU, các quy định của Hiệp định về chất lượng hàng hóa, hàm lượng nội địa hóa của các loại hàng hóa.

- Tăng cường liên kết liên doanh để hình thành các liên minh TMĐT có đủ năng lực, sức mạnh và khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp trong Liên minh châu Âu và các quốc gia khác. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần sát cánh với các cơ quan Chính phủ trong những nỗ lực thực thi EVFTA.

- Tăng cường tham gia và hợp tác với các sàn giao dịch điện tử quốc tế như Alibaba, Ebay, Amazon… các doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm kiếm được đối tác kinh doanh, các nhà đầu tư nước ngoài với chi phí thấp, nhanh chóng và hiệu quả.

- Đầu tư đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ và kỹ năng sử dụng internet cho đội ngũ nhân sự, giúp họ có thể sử dụng thành thạo các phần mềm thương mại điện tử, cũng như kỹ năng giao tiếp với đối tác nước ngoài, kỹ năng soạn thảo và thương thảo các hợp đồng điện tử cũng như quản trị mối quan hệ đối tác điện tử.

Kết luận

Trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp như đã nói trên, việc ký kết Hiệp định EVFTA vừa là động lực, vừa là mục tiêu và cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào mạng lưới thương mại tự do toàn cầu. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ nói chung và các ứng dụng kinh doanh số như hiện nay tạo ra áp lực thúc đẩy việc xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào thị trường châu Âu và tiến tới là nhiều thị trường khác trên thế giới thông qua kênh thương mại điện tử.  

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Công thương (2017), Văn kiện Hiệp định EVFTA, EVIPA và các Tóm tắt từng chương, NXB Công Thương;
  2. Tổng cục Hải quan (8.2023), Báo cáo Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 9 tháng năm 2023, customs.gov.vn;
  3. Hiệp hội TMĐT Việt Nam (2023), Báo cáo chỉ số TMĐT 2023;
  4. Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, NXB Thông tấn xã Việt Nam;
  5. Tạp chí Tài chính online (2020), Cơ hội vàng từ Hiệp định EVFTA: Việt Nam cần làm gì để tận dụng? Tạp chí tài chính ngày 17 tháng 2 năm 2020, http:// tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/co-hoi-vang-tu-hiep-dinh-evfta- viet-nam-can-lam-gi-de-tan-dung-319008.html, ngày truy cập 25/6/2023;
  6. Phạm Thị Dự (2017), Cơ hội và thách thức đối với lĩnh vực thương mại hàng hóa của Việt Nam khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, Tạp chí Công thương, số 7 năm 2017;
  7. Lê Thị Hoài (2020), EU - VIETNAM free trade agreement (evfta) - opportunities to promote the export of goods through e-commercial channels for Vietnam enterprises, Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển kinh tế và thương mại Việt Nam trong bối cảnh bảo hộ thương mại”, Trường Đại học Thương mại 10/2020.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 11/2023