Hiệu lực hợp đồng bằng ngôn ngữ nước ngoài tại Việt Nam
Trong các thoả thuận dân sự và thương mại, các bên trong hợp đồng có thể tự chọn ngôn ngữ giao kết tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài. Trừ các trường hợp luật chuyên ngành có thể yêu cầu hợp đồng phải được viết (hoặc có bản) bằng tiếng Việt.
Nhìn chung, khi các doanh nghiệp nước ngoài giao dịch với cá nhân, tổ chức Việt Nam, họ thường sử dụng hợp đồng tiếng Việt hoặc hợp đồng song ngữ Anh - Việt theo thông lệ, tập quán kinh doanh tại Việt Nam.
Luật Thương mại 2005 là cơ sở pháp lý chính cho các giao dịch thương mại tại Việt Nam không quy định cụ thể về ngôn ngữ của hợp đồng. Bộ Luật Dân sự 2005 điều chỉnh rộng hơn các hành vi dân sự cũng chỉ đưa ra định nghĩa cho các giao dịch dân sự là bằng lời nói hoặc văn bản; nội dung này được giữ nguyên trong Bộ luật Dân sự mới 2015 có hiệu lực từ 01/01/2017.
Tuy nhiên, Bộ Luật Tố tụng dân sự 2004 quy định tiếng nói và chữ viết trong tố tụng dân sự là tiếng Việt nên khi có tranh chấp xảy ra thì hợp đồng đó sẽ được xem xét trên cơ sở tiếng Việt; nội dung này được giữ nguyên trong Bộ Luật Tố tụng dân sự mới 2015 có hiệu lực từ 01/7/2016
Các doanh nghiệp cần thực hiện đúng theo quy định đối với các văn bản cần sử dụng tiếng Việt khi làm việc với cơ quan nhà nước, trọng tài thương mại như sau:
- Đối với pháp luật về thuế, Thông tư 156/2013/TT-BTC quy định ngôn ngữ được sử dụng trong hồ sơ thuế là tiếng Việt; tài liệu bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt. Người nộp thuế ký tên, đóng dấu trên bản dịch vàchịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung bản dịch. Hợp đồng là tài liệu đi kèm trong hồ sơ thuế, nên cần phải thể hiện hợp đồng bằng tiếng Việt.
- Đối với quy định về hoá đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, Thông tư 26/2015/TT-BTC quy định hóa đơn được thể hiện bằng tiếng Việt. Trường hợp cần ghi thêm chữ nước ngoài thì chữ nước ngoài được đặt bên phải trong ngoặc đơn…Trường hợp trên hóa đơn xuất khẩu chỉ sử dụng một ngoại ngữ thì sử dụng chữ tiếng Anh.
- Đối với pháp luật về kế toán, Luật Kế toán 2013 quy định chữ viết sử dụng trong kế toán là tiếng Việt.
- Đối với pháp luật về công chứng, Luật Công chứng 2014 quy định tiếng nói và chữ viết dùng trong công chứng là tiếng Việt. Các loại hợp đồng yêu cầu phải công chứng cần được dịch ra tiếng Việt. Đối với pháp luật về thủ tục tố tụng trọng tài, Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định trong tranh chấp không có yếu tố nước ngoài, ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài là tiếng Việt, trừ trường hợp tranh chấp mà ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài do các bên thỏa thuận.
- Trong một số lĩnh vực thương mại có tính đặc thù, Nhà nước quy định cụ thể hình thức ngôn ngữ thể hiện trong hợp đồng như sau:
Chuyển giao công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ 2006 quy định cụ thể về ngôn ngữ hợp đồng là do các bên thoả thuận; trường hợp cần giao dịch tại Việt Nam thì phải có hợp đồng bằng tiếng Việt và tính pháp lý của Hợp đồng bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài có giá trị như nhau.
Hàng tiêu dùng, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng giao kết với người tiêu dùng là tiếng Việt.
Công nghệ thông tin, Luật Bưu chính 2010 quy định rõ ràng hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính bằng văn bản phải được lập bằng tiếng Việt; nếu các bên có thỏa thuận sử dụng thêm ngôn ngữ khác thì văn bản bằng tiếng Việt và văn bản bằng ngôn ngữ khác có giá trị pháp lý như nhau.
Xây dựng đô thị, Nghị định 37/2015/NĐ-CP quy định ngôn ngữ sử dụng cho hợp đồng xây dựng là tiếng Việt. Đối vớihợp đồngxây dựng có yếu tố nước ngoài thì ngôn ngữ sử dụng là tiếng Việt và tiếng nước ngoài do các bên thỏa thuận lựa chọn; trường hợp không thỏa thuận được thì sử dụng tiếng Anh.
Có hai quan hệ liên quan đến hợp đồng cần lưu ý:
- Quan hệ giữa các bên trong hợp đồng: Ngôn ngữ chính là phương tiện để ghi lại ý chí của các bên trong giao dịch. Khi pháp luật không quy định cụ thể, các bên tự do thỏa thuận ngôn ngữ hợp đồng.
- Quan hệ giữa nhà nước và các bên trong hợp đồng: Trong mối quan hệ này, nhà nước yêu cầu doanh nghiệp thể hiện hợp đồng hay các văn bản bằng tiếng Việt để thuận tiện cho hoạt động quản lý của nhà nước (như thuế, kế toán, công chứng...)
Như vậy, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể lựa chọn ngôn ngữ hợp đồng khi thực hiện giao dịch tại Việt Nam. Đối với hợp đồng thông thường không có yêu cầu cụ thể, doanh nghiệp có thể dùng hợp đồng song ngữ với tiếng Anh là ngôn ngữ ưu tiên.
Thực tế, trong quá trình làm việc với cơ quan nhà nước như Tòa án thì các hợp đồng bằng tiếng Anh sẽ được yêu cầu dịch công chứng. Đối với hợp đồng chuyên ngành, doanh nghiệp cần áp dụng đúng theo pháp luật chuyên ngành quy định.