Năng lực thương mại của doanh nghiệp Việt Nam: Không có FTA nào là tất cả!
Sự hào hứng “quá mức” vào Hiệp định Đối tác Kinh tế Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay một Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) khu vực, theo TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, có thể khiến doanh nghiệp Việt Nam bỏ quên những bạn hàng lớn truyền thống. Quan trọng hơn, khiến các doanh nghiệp quên cả nội tại họ đang có.
Theo TS. Lê Đăng Doanh, có khá nhiều yếu điểm khiến năng lực thương mại của doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khi tiếp cận các cơ hội nêu trên.
“Bình cũ, rượu cũ”
Trong đó, trước khi xét đến những thuận lợi của các FTAs và TPP nói riêng, ở nhiều khía cạnh, Việt Nam đang tụt hậu.
Thứ nhất, xuất khẩu dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam đang khá thấp. Đáng nói ở khu vực xuất khẩu, khối FDI đang chiếm lĩnh với vai trò xúc tác quan trọng của tăng trưởng xuất khẩu lẫn GDP nhưng lại không có tác động lan tỏa về công nghệ như kì vọng của Việt Nam, khiến Việt Nam không được hưởng lợi ích lớn, và hoạt động liên kết với các doanh nghiệp trong nước để kích hoạt chuỗi doanh nghiệp vẫn hạn chế thì khối tư nhân trong nước lại chậm tiến về công nghệ, năng lực quản lí, thiếu động cơ và tiếp thu.
Môi trường kinh doanh cũng là yếu tố cản trở doanh nghiệp dù đã được cải thiện không ít. “Chừng nào mà những doanh nghiệp có hàm lượng sáng tạo như Sơn Kova, chỉ vì đăng ký đầu tư với cái tên Nano cho sản phẩm vẫn bị bắt dán chữ “ô” khiến họ phải đi đăng kí nước ngoài thì chừng đó, chưa thể gọi là môi trường kinh doanh được cải thiện. Mục tiêu tăng các doanh nghiệp hàm lượng R&D lên 30% trong tổng số 1 triệu 1 doanh nghiệp mà Nghị quyết 35 NQ-CP Thủ tướng Chính phủ đã ban hành sẽ vẫn còn rất nhiều khó khăn”, ông Doanh nói.
Song song đó, quy mô doanh nghiệp quá nhỏ xét ở vốn điều lệ hoặc pháp định, quy mô doanh thu, lợi nhuận, đều là “yếu điểm” trong cả vấn đề thu hút các nguồn lực đầu tư bên ngoài. “Làm ăn kiểu “cò con” là một yếu tố mà nhìn chung bản thân các DN cũng không mấy lạc quan, tự tin là thuyền thúng có thể “đấu” ngang thuyền máy ở trên mặt biển hội nhập”, TGĐ một doanh nghiệp cho hay.
Thống kê của TS. Lê Đăng Doanh cho biết trong cơ cấu doanh nghiệp Việt, có 96% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, 2% là trung bình và 2% là lớn, năng lực hạn chế. Chỉ có 36% doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ông Doanh nhắc lại số liệu được công bố năm 2014, chỉ có 300 doanh nghiệp ở TP.Hồ Chí Minh có năng lực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Đây là một con số vô cùng đáng quan ngại bởi xét trên 10 FTAs mà Việt Nam đã kí kết và thêm nhiều Hiệp định khác đang đàm phán, tỷ lệ trung bình sẽ là chỉ có 30 doanh nghiệp có năng lực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu/ 1 Hiệp định. Cần lưu ý TP.HCM là đầu tàu kinh tế trọng điểm phía Nam và quy tụ hơn 250.000 doanh nghiệp. Tỷ lệ này cho thấy một lỗ hổng lớn trong nội tại năng lực thương mại, hội nhập của doanh nghiệp Việt Nam. Trong một sớm một chiều, những cánh cửa rộng lớn như TPP theo đó, sẽ vừa mở ra chân trời bát ngát nhưng cũng có thể mở ra cả những vùng trắng nuốt chửng các doanh nghiệp Việt Nam.
Chuyển thách thức thành áp lực
Theo các đại diện từ Dự án Năng lực thương mại, thuộc một trong 6 tiểu dự án trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ Chính sách Thương mại và Đầu tư của châu Âu tại Việt Nam(Mutrap) cho giai đoạn 2014 -2017, những nỗ lực kết nối các doanh nghiệp tham gia đã phần nào thực hiện được mục tiêu nâng cao năng lực và thúc đẩy hoạt động kết nối thương mại giữa các doanh nghiệp Việt Nam với nhau, với Liên minh Châu Âu (EU), đồng thời góp tiếng nói phản ánh những rào cản, vướng mắc thương mại với chính phủ.
Nhiều doanh nghiệp tham gia dự án cũng cho biết họ “sửng sốt” khi nhận diện năng lực nội tại của bản thân, từ đó mới thấy cần có động lực thay đổi tư duy kinh doanh. Trong đó, các doanh nghiệp quan tâm đến thay đổi tư duy về tiêu chuẩn sản xuất, dịch vụ… để đáp ứng chuẩn quốc tế, tham gia chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu. Các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội Asean để tạo liên kết chuỗi khu vực, liên kết chuỗi cung ứng trong nội địa, nghiên cứu thị trường… trước khi bước chân vào những cánh cửa FTAs và TPP đang sẵn sàng.
TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam diễn đạt việc thay đổi tư duy đó ở một tầm vĩ mô hơn, là cách tiếp cận mới về năng lực thương mại, nhìn cả phía chính phủ lẫn doanh nghiệp. Theo đó, tập trung “tư duy lại” thách thức nguy cơ và cơ hội hội nhập đẳng cấp cao theo logic “động”.Phân tích lại nguy cơ phát triển nông nghiệp trong môi trường hội nhập. “Điều quan trọng nhất, phải chuyển hóa được thách thức thành áp lực “đè lên” bộ máy. Bằng cách đó, mới có thể biến nguy thành cơ.
Bên cạnh đó, giảm chi phí cho doanh nghiệp nội địa là trọng tâm chiến lược. Hoạch định chiến lược liên kết các vòng tròn hội nhập để “thoát khỏi lệ thuộc” và “nhập vào quỹ đạo bay lên”. Cách tiếp cận mới này có trọng trách hoạch định nghiêng về vai trò các nhà quản lý. Không riêng doanh nghiệp mà ngay cả hệ thống quản lý cũng cần một sự chủ động để xác lập năng lực quản lý, quản trị hỗ nâng cao năng lực thương mại của doanh nghiệp và nền kinh tế, theo hướng “vòng tròn hội nhập”. Đã là vòng tròn, thì hào quang hay hay “cánh cửa” thương mại tự do dễ dàng nào, đều không phải là tất cả hay có thể mang đến phép màu đổi đời, phù phép năng lực cho những thế hệ DN hiện hữu hoặc start-up mới.
Chính phủ hiện đã quyết liệt đặt mục tiêu tăng gần gấp đôi từ số doanh nghiệp đang hoạt động hiện tại lên 1 triệu đơn vị sản xuất kinh doanh ở tầm nhìn 2020. Mục tiêu càng lớn, cơ hội vươn lên càng cao. Nhìn lại sáu năm qua với 368.187 doanh nghiệp Việt Nam đã phải đóng cửa , hơn lúc nào sự nhận diện năng lực nội tại và bức tranh thực tế càng cần sự tỉnh táo và khả năng chấp nhận “áp lực” của doanh nghiệp. Áp lực trước hết từ bắt buộc chính mình thay đổi!