Hộ gia đình Hàn Quốc đối mặt áp lực nợ vay tăng
Điều này sẽ xảy ra nếu Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc tăng lãi suất lên 1,5% vào ngày 30/11 tới đây, nhiều hộ gia đình sẽ phải chi trả nhiều hơn cho các khoản vay nợ.
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc dự kiến sẽ tăng lãi suất vào ngày 30/11 khi xuất khẩu tăng trưởng và tiêu dùng phục hồi. Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc sẽ nâng lãi suất lên 1,5% từ mức 1,25%. Trước đó, lãi suất cơ bản đồng Won tại Hàn Quốc đã được giảm dần từ mức 3,25%.
Nhưng các chuyên gia nói rằng, động thái như này sẽ khiến tình trạng nợ nần các hộ gia đình trở nên trầm trọng hơn.
Cụ thể, việc tăng lãi suất sẽ khiến các hộ gia đình và công ty vay vốn ít hơn, nhưng những người đã vay tiền từ trước đó sẽ bị áp lực nhiều hơn.
Trong tháng 9/2017, khoản nợ của các gia đình Hàn Quốc đã tăng lên đến 1.419,1 nghìn tỷ Won (1,3 nghìn tỷ USD), tăng 2,2% so với ba tháng trước đó và tương đương 86,7% GDP của quốc gia này.
Bộ Tài chính Hàn Quốc cũng tuyên bố sẽ có kế hoạch hỗ trợ những người đang bị nợ nần quá mức. Bộ trưởng Bộ Tài chính Kim Dong Yeon cho biết: “Chúng tôi có thể hỗ trợ người dân bằng cách tái cơ cấu nợ. Nếu họ tích cực tham gia vào các hoạt động kinh tế, điều đó đáng được khuyến khích”.
Tăng trưởng của nền kinh tế Hàn Quốc đã tăng từ mức tăng 0,6% trong quý II lên 1,4% trong quý III/2017, chủ yếu nhờ xuất khẩu các mặt hàng bán dẫn tăng. Con số tăng trưởng 3% trong năm 2017 ngày càng trở nên chắc chắn đối với Hàn Quốc. Tuy nhiên, vấn đề về nợ gia đình tăng và nhu cầu tiêu dùng giảm có thể khiến tăng trưởng kinh tế của nước này giảm nhẹ.
Dự báo tăng trưởng 2018 của Hàn Quốc, JP Morgan cho biết, tốc độ tăng trưởng của Hàn Quốc năm 2018 sẽ chỉ còn 2,9%, USB và Citibank dự đoán 2,8%, Credit Suisse ước tính tăng trưởng 2,6% và HSBC cho biết tăng trưởng có thể là 2,4%. Còn Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc vẫn giữ dự báo 2,9% cho tăng trưởng năm 2018.
Nợ hộ gia đình ngày càng phình to cùng sự phân hoá của thị trường lao động được coi là lực cản đối với nền kinh tế đang chật vật thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trì trệ và nhu cầu trong nước giảm.