Hỗ trợ cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa doanh nghiệp Việt Nam theo chiều rộng
Trong thời gian tới, các hoạt động hỗ trợ cải tiến năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ ưu tiên phát triển theo chiều rộng và chiều sâu.
Theo đánh giá của các chuyên gia, doanh nghiệp Việt có cơ hội tăng năng suất từ 15-30%, thậm chí lên tới 40-45% chỉ thông qua cải tiến quy trình, tổ chức lại sản xuất, giảm lãng phí, sai lỗi, nâng cao hiệu quả sử dụng máy móc, thiết bị… Do vậy, sau những kết quả tích cực từ việc triển khai, thực hiện Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 604/QĐ-TTg ngày 25/5/2012, Bộ Công Thương tiếp tục được giao xây dựng Dự án trong giai đoạn 2021-2030.
Theo ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), các hoạt động hỗ trợ cải tiến năng suất và quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ ưu tiên phát triển theo chiều rộng và chiều sâu, bao gồm tập trung vào đào tạo đội ngũ cán bộ thực hành cải tiến tại doanh nghiệp và đội ngũ chuyên gia tư vấn, vinh danh các doanh nghiệp thực hiện tốt hoạt động cải tiến; vinh danh các nhóm giải pháp hiệu quả, điển hình cho hoạt động cải tiến trong ngành, lĩnh vực.
Theo đánh giá của các chuyên gia, doanh nghiệp Việt có cơ hội tăng năng suất từ 15-30%, thậm chí lên tới 40-45% chỉ thông qua cải tiến quy trình, tổ chức lại sản xuất, giảm lãng phí, sai lỗi, nâng cao hiệu quả sử dụng máy móc, thiết bị…
Cụ thể, theo Bộ Công Thương, đối với các hoạt động hỗ trợ cải tiến năng suất và quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam ưu tiên phát triển theo chiều rộng, sẽ tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có cơ hội và tiềm năng thực hiện cải tiến, nâng cao năng suất và chất lượng; Doanh nghiệp cam kết thực hiện và đối ứng cùng nguồn ngân sách nhà nước từ mức 30-50%. Đồng thời, các nội dung và hoạt động ưu tiên sẽ tập trung vào:
Thứ nhất, tiếp tục triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin về các hoạt động cải tiến, nâng cao năng suất và quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa tại doanh nghiệp: đi sâu vào giới thiệu các điển hình thực hiện cải tiến, các mô hình điểm cho các ngành, lĩnh vực; đa dạng hóa các kênh thông tin, tận dụng các công cụ truyền thông mang tính xã hội để tạo mức độ lan tỏa; ưu tiên các thông tin có tính trực quan; xây dựng các chuyên mục và bản tin chuyên đề (báo hình, điện tử, giấy) về năng suất chất lượng.
Thứ hai, phát động các cuộc thi về cải tiến và nâng cao năng suất, chất lượng cho các doanh nghiệp trong toàn ngành và lĩnh vực: có quy chế và cơ chế khuyến khích, khen thưởng phủ hợp tạo động lực cho hoạt động cải tiến và lợi thế cho các doanh nghiệp thực hiện tốt trong hoạt động cải tiến. Định kỳ hàng năm công bố, vinh danh các doanh nghiệp thực hiện tốt hoạt động cải tiến; vinh danh các nhóm giải pháp hiệu quả, điển hình cho hoạt động cải tiến trong ngành, lĩnh vực.
Thứ ba, xây dựng tiêu chí, quy trình, cơ chế đánh giá, công nhận các hoạt động cải tiến của doanh nghiệp; các mô hình về đánh giá chứng nhận thực hành tốt 5S, các công cụ cải tiến sẽ được từng bước chuẩn hóa, quy trình hóa để hướng tới hình thành hệ thống đánh giá, chứng nhận cải tiến tại doanh nghiệp với nhiều hình thức khác nhau: doanh nghiệp tự đánh giá, đánh giá bởi tổ chức tư vấn độc lập, xác nhận, vinh danh bởi cơ quan quản lý nhà nước …
Thứ tư, đạo tạo đội ngũ cán bộ thực hành cải tiến tại doanh nghiệp giúp doanh nghiệp hình thành nguồn lực, nhóm cải tiến tự thân; phát triển và ứng dụng các công cụ đào tạo, tự đào tạo tại doanh nghiệp. Hạn chế các chương trình đào tạo mang tính chất phổ biến, hướng tới các chương trình đạo tạo chuyên sâu, gắn với triển khai hỗ trợ tư vấn ứng dụng tại doanh nghiệp. Triển khai đồng thời giữa hoạt động đào tạo với hoạt động hỗ trợ triển khai các mô hình thực hành ứng dụng các công cụ cải tiến, hệ thống quản lý tại doanh nghiệp. Xây dựng, chuẩn hóa hệ thống tiêu chí và cấp chứng nhận về cán bộ cải tiến tại doanh nghiệp với các công cụ và trình độ khác nhau; từng bước khuyến khích và hỗ trợ hình thành mạng lưới chuyên gia, cán bộ cải tiến.
Thứ năm, đào tạo chuyên gia tư vấn cải tiến năng suất và quản lý chất lượng tại doanh nghiệp: Xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu, có thời gian đào tạo dài; đào tạo lý thuyết với thực hành tại doanh nghiệp; đào tạo gắn với dự án điểm; kết hợp đồng thời việc triển khai đào tạo theo từng công cụ, hệ thống với đào tạo tổng thể; Phát triển các chương trình liên kết đào tạo, sử dụng chuyên gia và ứng dụng các phương pháp mới của các nước phát triển để chuyển giao vào trong nước.
Thứ sáu, đưa nội dung đào tạo về cải tiến, nâng cao năng suất chất lượng vào các trường đào tạo chuyên ngành về quản lý công nghiệp, quản lý chất lượng của ngành công thương; đào tạo các nguyên lý và kỹ năng tư vấn, triển khai các hoạt động cải tiến tại doanh nghiệp cho sinh viên các khối ngành này tại các trường Đại học, trường nghề của Bộ Công Thương.
Thứ bảy, tiếp tục triển khai các mô hình điểm áp dụng một, một số các công cụ, hệ thống cải tiến có tính chất nền tảng cho hoạt động cải tiến của doanh nghiệp; đối tượng ưu tiên là các doanh nghiệp nhỏ (vẫn có tiềm năng rất lớn cho các hoạt động cải tiến); mở rộng theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, tin học hóa việc hướng dẫn triển khai, đánh giá kết quả thực hiện các công cụ và hệ thống cải tiến.
Thứ tám, xây dựng, cập nhật các cơ sở dữ liệu về hoạt động cải tiến nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của ngành: cơ sở dữ liệu về mạng lưới chuyên gia tư vấn, cải tiến; cơ sở dữ liệu về các công cụ và hệ thống và các mô hình điểm thực hành cải tiến nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; cơ sở dữ liệu về đơn vị, tổ chức tư vấn, đánh giá chứng nhận …
Thứ chín, đẩy mạnh triển khai các nghiên cứu về cải tiến năng suất và chất lượng cho ngành và doanh nghiệp của ngành Công Thương.