Lạng Sơn:

Nhiều doanh nghiệp hưởng lợi từ dự án nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm

Quang Hào

Với chủ trương hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, dự án “Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn” đã giúp nhiều doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, hộ kinh doanh hưởng lợi.

Công ty TNHH Thành Long là DN duy nhất trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn xuất khẩu được sản phẩm ra các nước trên thế giới do áp dụng tiêu chuẩn chất lượng ISO 22000.
Công ty TNHH Thành Long là DN duy nhất trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn xuất khẩu được sản phẩm ra các nước trên thế giới do áp dụng tiêu chuẩn chất lượng ISO 22000.

Dự án “Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của DN, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn” được đẩy mạnh triển khai từ năm 2018 với đối tượng được mở rộng là DN, HTX và hộ kinh doanh.

Sau 2 năm triển khai dự án, đến nay đã có nhiều DN được hưởng lợi và đạt kết quả kinh doanh khả quan. Điển hình như: Công ty TNHH Thành Long trụ sở tại TP. Lạng Sơn sản xuất bánh quy thương hiệu Jessica; là DN duy nhất trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn xuất khẩu được sản phẩm ra các nước trên thế giới do áp dụng tiêu chuẩn chất lượng ISO 22000 (ISO 22000 là tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc tế, được chấp nhận và có giá trị trên phạm vi toàn cầu).

Để đạt được tiêu chuẩn ISO 22000, bên cạnh nỗ lực của DN trong việc cải tạo hạ tầng, hoàn thiện trang thiết thị, Ban Điều hành dự án Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đã hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng chứng nhận, hỗ trợ thiết lập quy trình chuẩn hóa, kiểm soát các quá trình trong hệ thống, xây dựng hệ thống văn bản…

Chương trình quốc gia Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa được tỉnh Lạng Sơn triển khai từ năm 2012. Tuy nhiên, trên địa bàn Tỉnh chủ yếu là DN nhỏ nên đối tượng tham gia dự án còn hạn chế. Năm 2017, UBND Tỉnh đã điều chỉnh mở rộng đối tượng áp dụng từ DN ra DN, HTX, hộ kinh doanh.

Nhằm tạo bước chuyển biến về năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh cho các DN, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn Tỉnh, trong những năm qua, Ban Điều hành dự án đã tổ chức 2 hội nghị, hội thảo phổ biến dự án đến các DN, HTX trên địa bàn Tỉnh; phối hợp xây dựng trang thông tin điện tử phục vụ tuyên truyền, thông tin về năng suất, chất lượng.

Đặc biệt, Ban Điều hành đã biên soạn và phát hành 450 cuốn cẩm nang nội dung hướng dẫn thực hiện các hệ thống quản lý chất lượng cấp phát cho các DN, HTX; tư vấn, hướng dẫn hơn 70 DN, HTX áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho các sản phẩm là vật liệu xây dựng, hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, mã số mã vạch, tem truy xuất hàng hóa… Kết quả, đã có  45 đơn vị áp dụng thành công.

Nhờ mở rộng đối tượng tham gia dự án, năm 2019, đã có 16 DN, HTX được hỗ trợ. Trong đó, 1 DN đăng ký nhãn hiệu, bao bì sản phẩm; 11 DN, HTX đăng ký xây dựng tem truy xuất hàng hóa; 3 HTX đăng ký xây dựng và chứng nhận VietGAP; 1 DN áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm đá xây dựng.

Ông Trần Quốc Anh - Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Lạng Sơn cho biết: Qua khảo sát trước khi tham gia dự án tại một số DN cho thấy, công tác quản lý chưa thực sự bài bản, khoa học; sai lỗi xảy ra trong quá trình xử lý công việc cũng như sản xuất còn nhiều, chưa rút ngắn được thời gian sản xuất, các vật dụng chưa được sắp xếp hợp lý nên người lao động còn nhiều thao tác thừa, công nhân kỹ thuật còn thiếu và yếu…

Tuy nhiên, sau khi DN tham gia dự án và triển khai áp dụng một số nội dung như: Hệ thống quản lý chất lượng kết hợp công cụ cải tiến, áp dụng tiêu chuẩn, kỹ thuật cho sản phẩm sẽ góp phần nâng cao chất lượng, tạo môi trường làm việc khoa học, ngăn nắp, giảm thiểu sai lỗi, tiết kiệm chi phí, tăng doanh thu, thu nhập cho người lao động và đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Thời gian tới, Ban Điều hành dự án sẽ tập trung tư vấn, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân nâng cao kỹ năng áp dụng và thực hành các công cụ nâng cao năng suất, chất lượng, hệ thống quản lý chất lượng; hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn lập hồ sơ đăng ký sử dụng mã số mã vạch, đăng ký nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc, chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy cho sản phẩm… Qua đó, nâng cao giá trị các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Nhờ mở rộng đối tượng tham gia dự án, năm 2019, đã có 16 DN, HTX được hỗ trợ. Trong đó, 1 DN đăng ký nhãn hiệu, bao bì sản phẩm; 11 DN, HTX đăng ký xây dựng tem truy xuất hàng hóa; 3 HTX đăng ký xây dựng và chứng nhận VietGAP; 1 DN áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm đá xây dựng.