Tỉnh Đồng Nai
Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi kinh tế
Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 ở nước ta đã cơ bản được kiểm soát. Chính phủ đã ra nghị quyết để cả nước chuyển trạng thái từ mục tiêu quản lý không COVID-19 sang quản lý rủi ro. Cộng đồng doanh nghiệp (DN) của Đồng Nai cũng như các địa phương khác đang nỗ lực phục hồi sản xuất, kinh doanh, bù đắp những thiệt hại trong thời điểm dịch bệnh.
Trong bối cảnh đó, DN, đặc biệt là khối DN nhỏ và vừa rất cần sự hỗ trợ để phục hồi trong giai đoạn trước mắt cũng như xây dựng kế hoạch phát triển lâu dài.
Hồi phục trong khó khăn
Từ ngày 11/10, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 để khôi phục phát triển kinh tế - xã hội, đưa cả nước bước vào trạng thái “bình thường mới” sớm nhất có thể trong năm 2021, đồng thời thích ứng an toàn với dịch bệnh. Mục tiêu trước mắt của nền kinh tế là giữ vững kinh tế vĩ mô, bảo đảm cân đối lớn, kiểm soát lạm phát, tập trung khôi phục sản xuất, chú trọng kết nối lại thị trường lao động, hỗ trợ DN, đẩy mạnh xuất khẩu.
Tại Đồng Nai, từ giữa tháng 10/2021, toàn tỉnh đã dần trở lại trạng thái “bình thường mới”, nhất là đối với lĩnh vực sản xuất của doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp. Và từ ngày 24-10, việc nới lỏng các điều kiện để các hoạt động sản xuất, kinh doanh diễn ra được thuận lợi hơn cũng được ban hành. Lãnh đạo tỉnh xác định, khi đã xác định chung sống an toàn trong dịch bệnh thì các hoạt động sản xuất phải được mở cửa. Trong đó, địa phương linh hoạt theo từng điều kiện cụ thể để có những điều chỉnh hợp lý.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng, đóng góp của DN là trụ cột để Đồng Nai phục hồi kinh tế. Để trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho DN, Đồng Nai đã quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt giúp nắm bắt tốt hơn các vấn đề phát sinh, vướng mắc của DN trong thời gian bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Hiện Đồng Nai đã giao các đơn vị liên quan lên phương án đưa người lao động từ các tỉnh, thành khác về Đồng Nai để tiếp tục tham gia lao động tại các DN.
Đối với các DN, nhất là DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh hiện nay, nguồn tài chính để xoay vòng được coi là mạch máu để có thể duy trì sản xuất. Suốt thời gian dài, DN phải chống dịch và ngừng sản xuất, rất khó khăn nhưng lãi vay ngân hàng và lãi gốc, DN vẫn phải đóng.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Tuyến - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Bao bì Ngọc Thanh Phước (H.Trảng Bom), trong khó khăn, DN cần có chính sách để được giảm lãi vay nhiều hơn. Đồng thời, các thủ tục để tiếp cận được nguồn vốn vay cần thông thoáng hơn để DN tiếp cận. Điều này sẽ tiếp thêm sức cho DN từng bước hồi phục và xây dựng kế hoạch phát triển dài hạn hơn, có điều kiện để thích nghi với những biến động đột ngột trong tương lai.
Tương tự, ông Nguyễn Trịnh Huấn - Giám đốc Công ty TNHH Việt Sơn Nguyễn (TP.Biên Hòa) cho hay, hoạt động sản xuất của DN giảm sút 70% so với trước dịch bệnh. 3 tháng qua, dưới ảnh hưởng của dịch, DN phải ngưng hoạt động để phòng, chống dịch nhưng chi phí mặt bằng, nhân công, khấu hao máy móc… vẫn phải gồng mình chịu lỗ. Khi có chủ trương cho sản xuất trở lại, công ty đã khẩn trương khôi phục hoạt động dù còn nhiều khó khăn.
Không chỉ khó khăn về tài chính mà một khó khăn khác, lâu dài hơn là thiếu hụt nguồn lao động. Trước dịch, khó khăn về lao động đã có nhưng sau thời gian hàng chục ngàn lao động trở về quê của họ thì việc tuyển mới càng khó khăn hơn, DN muốn phát triển hơn cũng khó thực hiện.
Bà Trịnh Thị Uyên Phương - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phương Sinh (TP.Biên Hòa) đang đau đầu về việc tuyển dụng lao động. DN này đang có dự định mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng các đơn hàng của đối tác, nhu cầu tuyển dụng lao động lên tới 200 người, nhưng hơn 1 năm nay vẫn giậm chân tại chỗ, nhất là lao động có tay nghề cao lại càng khó tuyển dụng.
Khảo sát khó khăn từ nhiều DN cho thấy, sau tổn thất do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, các DN cần có phương án phòng ngừa rủi ro, xây dựng quỹ phòng ngừa vì bất cứ tình huống gì cũng có thể xảy ra. Nếu không có quỹ này thì DN có thể phải đối mặt với việc phá sản; hoặc có nỗ lực duy trì thì cũng lâm vào tình trạng kiệt quệ nếu không có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước.
Xây dựng chương trình phát triển kinh tế sau dịch
Năm 2021 đã đi đến những tháng cuối năm, trước mắt, cả nước cũng như từng địa phương, trong đó có Đồng Nai phải nỗ lực để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khắc phục khó khăn, tái sản xuất, thực hiện những nhiệm vụ đã đặt ra trong năm. Song song đó là xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn sau dịch, những năm 2022-2023; phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021-2025 từ 6,5-7%/năm.
Chính phủ mở cửa nền kinh tế chắc chắn, ổn định và an toàn; sẵn sàng các kịch bản, phương án và nguồn lực để ứng phó với diễn biến dịch bệnh. Tăng tính chủ động cho DN trong phòng, chống và thích ứng với dịch bệnh nhằm duy trì hoạt động liên tục, ổn định với công suất và chi phí phù hợp với doanh nghiệp. Phủ vaccine ngừa COVID-19 cho toàn dân để thích nghi an toàn hơn trong dịch bệnh.
Tại hội thảo phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch COVID-19, khắc phục đứt gãy kinh tế, tăng cường kết nối giữa các địa phương được tổ chức vào ngày 1310 vừa qua, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay, sau chương trình phục hồi tổng thể thì có các chương trình phục hồi du lịch, kích cầu tiêu dùng trong nước và thúc đẩy xuất khẩu bền vững; chương trình phục hồi doanh nghiệp; chương trình phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực đầu tư xã hội; chương trình hỗ trợ an sinh xã hội và phát triển thị trường lao động; chương trình cải cách thể chế, cải cách hành chính, thủ tục hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính…
Về điều này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, các chương trình phục hồi, kích cầu kinh tế đưa ra phải đủ lớn, đủ thời gian và phù hợp với tình hình thực tế. Khó khăn cũng là cơ hội để giúp Việt Nam phát triển.
“Cơ hội để cải cách thể chế, cải cách hành chính, cơ hội để chuyển đổi số, thương mại điện tử, cơ hội để xanh hóa nền kinh tế, chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng sạch và chống biến đổi khí hậu. Đây là những cơ hội chứ không phải chỉ là các thách thức” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Riêng với Đồng Nai, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là triển khai hiệu quả, kiểm soát rủi ro về phòng, chống dịch. Trong đó, tập trung vào các vấn đề y tế, an sinh xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục trong tình hình mới. Bên cạnh đó, địa phương kiến nghị được tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách giai đoạn
2022-2025 từ 47% lên 49% để tỉnh có thêm nguồn lực phục hồi nền kinh tế…
“Đồng Nai xác định phục hồi kinh tế không chỉ cho địa phương mà phải gắn với cả vùng Đông Nam bộ, cả nước. Đồng Nai đang phối hợp với các địa phương trong vùng hỗ trợ DN để thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết nhanh những vướng mắc, khó khăn về lao động, lưu thông và xuất nhập khẩu” - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết thêm.