Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vượt hàng rào phi thuế quan

Theo Việt Nga-Hoàng Lan/congthuong.vn

Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp (DN), nhất là DN nhỏ và vừa về các vấn đề phi thuế quan trong giao dịch quốc tế, ngày 21/11, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) đã phối hợp tổ chức khởi động “Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại của Việt Nam: Đối phó với vấn đề phi thuế quan trong thương mại”.

Đông đảo đại diện cơ quan chức năng, tổ chức phi Chính phủ, doanh nghiệp tham gia khởi động "Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại của Việt Nam: Đối phó với vấn đề phi thuế quan trong thương mại". Nguồn: congthuong.vn
Đông đảo đại diện cơ quan chức năng, tổ chức phi Chính phủ, doanh nghiệp tham gia khởi động "Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại của Việt Nam: Đối phó với vấn đề phi thuế quan trong thương mại". Nguồn: congthuong.vn

“Nở rộ” hàng rào phi thuế quan

Phát biểu tại buổi khởi động dự án, ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết: Việc tham gia vào thị trường quốc tế, thông qua ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã giúp Việt Nam tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng. Xuất khẩu (XK) theo đó ngày càng được mở rộng, đa dạng về cách thức và loại hình. Tuy nhiên, ngoài những thuận lợi do FTA mang lại, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức từ tiến trình này, đặc biệt là những trở ngại trong giao thương quốc tế.

Hàng rào phi thuế quan của các thị trường XK là vấn đề DN trong nước phải nắm bắt để vượt qua. Thực tế, DN trong nước, nhất là DN nhỏ và vừa chưa đủ năng lực để hiểu rõ về các rào cản này, sẽ dẫn đến thiệt hại trong kinh doanh và XK. Do đó, để hỗ trợ cộng đồng DN nhận biết và hiểu về các rào cản phi thuế quan rất quan trọng, từ đó xây dựng năng lực đủ mạnh để khắc phục và vượt qua.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), có 9 biện pháp phi thuế quan chính được các quốc gia trên thế giới sử dụng. Trong đó biện pháp kiểm dịch động thực vật là 37,5%; Rào cản kỹ thuật đối với thương mại là 37,5%; Kiểm tra hàng hoá trước khi vận chuyển và các thủ tục khác là 1,3%; các biện pháp cấp phép không tự động, cấm hạn ngạch 2,4%...

Bà Nguyễn Thị Minh Thuý - Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) chỉ ra: Biện pháp phi thuế quan cần quan tâm nhất đối với DN hiện nay là quy tắc xuất xứ bởi nếu không đáp ứng được, DN sẽ không được hưởng mức thuế ưu đãi theo cam kết trong các FTA. Quy tắc xuất xứ trong các cam kết tự do thương mại có 3 loại hình gồm: Yêu cầu thay đổi mã HS; đặt ra mức thuế cụ thể và có quy trình cụ thể về mặt hàng XK.

Chung tay cùng doanh nghiệp

Trong xu hướng “nở rộ” các rào cản phi thuế quan như hiện nay, việc đáp ứng là điều kiện bắt buộc với các DN XK. Tuy nhiên, ông Alain Chevalier - Chuyên gia tư vấn quốc tế của Cục Xúc tiến thương mại cho rằng: Ở Việt Nam số lượng DN nhỏ và vừa đang chiếm phần lớn và chỉ có 10% số DN này có khả năng XK trực tiếp, còn lại là XK qua trung gian và sản xuất gia công. DN nhỏ và vừa có rất nhiều điểm hạn chế như: Nguồn tài chính hạn hẹp, khả năng tiếp cận nguồn vốn, đầu tư công nghệ sản xuất mới hạn chế và rất ít số DN tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, do đó năng lực tiếp cận cũng như thoả mãn các rào cản phi thuế quan tại các thị trường nước ngoài rất thấp. Chính vì vậy các cơ quan chức năng cần phải liệt kê đầy đủ và phân tích các rào cản một cách rõ ràng để DN nắm rõ và thực thi.

Chính phủ cũng tập trung hỗ trợ DN thực hiện tiêu chí truy suất nguồn gốc cho sản phẩm XK, nhất là nông sản; cung cấp thông tin cụ thể về thị trường nước ngoài. “Theo tôi, hoạt động đào tạo, hoạch định kế hoạch là yếu tố hỗ trợ rất quan trọng giúp DN áp dụng kỹ năng đã được đào tạo vào quá trình XK thực tế” - ông Alain Chevalier nhấn mạnh.Bà Nguyễn Thị Minh Thuý cũng khuyến cáo: DN cần chủ động nghiên cứu với sản phẩm XK của mình phải chịu các biện pháp phi thuế quan nào, từ đó tính được chi phí đáp ứng và lợi ích đạt được khi XK sang thị trường mục tiêu. Các cơ quan có chức năng phân loại đánh giá các biện pháp phi thuế quan trong nước để điều chỉnh chính sách sao cho đạt mục tiêu cắt giảm chi phí cho DN nhưng vẫn bảo hộ được người tiêu dùng trong nước.

Được biết “Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại của Việt Nam: Đối phó với vấn đề phi thuế quan trong thương mại” sẽ chính thức triển khai trong 2 năm 2019-2020. Dự án tập trung vào 4 nội dung chính: Tiến hành khảo sát DN về vấn đề phi thuế quan tập trung vào 2 lĩnh vực là hàng hoá và dịch vụ; tham vấn các bên liên quan nhằm tìm hiểu về phương hướng khả thi để khắc phục các trở ngại thương mại hiện có và giảm chi phí trong giao dịch thương mại; Xây dựng năng lực để đối phó với vấn đề phi thuế quan nhằm củng cố và nâng cao năng lực của các nhà hoạch định chính sách, tổ chức hỗ trợ thương mại, DN nhỏ và vừa; tăng cường tính minh bạch về các quy tắc thủ tục.