Gỡ “thẻ vàng” cho xuất khẩu thủy sản: Cần xây dựng nghề cá có trách nhiệm

Theo Ngọc Thủy/kinhtenongthon.com.vn

Cuối tháng 10 vừa qua, Đoàn công tác của Ủy ban Nghề cá Nghị viện châu Âu đã sang Việt Nam và đến một số tỉnh miền Trung. Qua khảo sát thực tế, Đoàn đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc chống khai thác IUU (khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định) và tuân thủ thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC). Với những nỗ lực đó, hy vọng EC sẽ sớm gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam được rút ra từ 1 năm trước.

Theo VASEP, Việt Nam chỉ có 3.000 tàu được lắp đặt thiết bị định vị vệ tinh Movimar. Nguồn: internet
Theo VASEP, Việt Nam chỉ có 3.000 tàu được lắp đặt thiết bị định vị vệ tinh Movimar. Nguồn: internet

Nỗ lực từ cơ sở

Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Định, tỉnh hiện có đội tàu hơn 6.130 chiếc với 44.350 lao động. Để triển khai chống khai thác IUU và các khuyến nghị của EC, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành 13 văn bản, Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành 16 văn bản tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ “thẻ vàng” của EC. Bên cạnh đó, địa phương đã tổ chức cho 3.600 chủ tàu ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài.

Đến nay, Bình Định cũng đã cập nhật đầy đủ dữ liệu tàu cá khai thác thủy sản, chuyển đổi quản lý công suất tàu cá sang quản lý theo chiều dài tàu và xúc tiến thành lập cơ quan kiểm ngư của tỉnh để nâng cao năng lực giám sát hoạt động của tàu cá.

Bên cạnh đó, thu hồi giấy phép khai thác thủy sản, xóa đăng ký tàu cá, công bố danh sách tàu cá vi phạm lên Trang thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và PTNT; tổ chức kiểm điểm và công bố danh sách tàu cá, chủ tàu và thuyền viên vi phạm trên đài phát thanh địa phương, chuyển hồ sơ tàu cá vi phạm cho cơ quan chức năng để thu thập chứng cứ và xử lý hành vi vi phạm của chủ tàu, thuyền trưởng… Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Định đã kiểm điểm trách nhiệm 7 lãnh đạo UBND xã và 2 huyện Hoài Nhơn, Phù Cát để tàu cá xảy ra vi phạm.

Thời gian qua, Bình Định đã lắp đặt máy Movimar cho 70 tàu có chiều dài trên 24m, đang nâng cấp 4 trạm bờ để giám sát tự động 2 giờ/lần. Địa phương này cũng nâng cao năng lực quản lý, kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất nhập bến tại các cảng cá; tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển về chống khai thác IUU; bố trí đầy đủ nhân lực, trang thiết bị cho các tổ thường trực kiểm tra, kiểm soát nghề cá 24/24 giờ tại 3 cảng cá: Tam Quan, Quy Nhơn và Đề Gi; kiểm tra, xác nhận nguồn gốc thủy sản. Tổ chức 35 chuyến tuần tra, kiểm soát vùng biển ven bờ, xử phạt vi phạm hành chính 69 trường hợp vi phạm.

Tại Bình Thuận, theo ông Nguyễn Văn Chiến, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, từ giữa tháng 9/2018, Bình Thuận cùng 7 tỉnh ven biển vùng ĐBSCL ký kết quy chế phối hợp giữa UBND các tỉnh trong quản lý tàu cá hoạt động khai thác hải sản trên biển. Đây được xem là việc làm cụ thể nhằm tăng cường tuyên truyền cũng như hạn chế tình trạng các tàu cá và ngư dân đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài. Ngư dân vi phạm đánh bắt bất hợp pháp sẽ bị tổ chức kiểm điểm tại địa phương, đưa ra khỏi danh sách hỗ trợ nhiên liệu đánh bắt xa bờ. Từ đầu năm đến nay, đã có gần 30 trường hợp vi phạm. Từ ngày 01/11, tỉnh Bình Thuận đã xử phạt các tàu không ghi nhật ký khai thác, nhất là những trường hợp đã tuyên truyền, nhắc nhở nhưng không thực hiện.

Ngư dân Hồ Huy Thía (chủ tàu cá BTh 98884, ngụ phường Phước Hội, thị xã La Gi, Bình Thuận) bị Malaysia bắt giữ vào tháng 3/2018 cho biết, đã trắng tay vì vi phạm nên các chính sách hỗ trợ cũng đều bị cắt. “Vừa qua, được ngành chức năng tuyên truyền nên thấy việc làm vừa qua là sai, giờ hối hận vô cùng”, ông Thía bày tỏ.

Cùng các địa phương nhằm nỗ lực gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành Chỉ thị 30 về những giải pháp cấp bách để ngăn chặn, chấm dứt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Cụ thể hóa chính sách

Theo quy định tại Thông tư 02/2018/TT-BNNPTNT và tiêu chí đánh bắt, khai thác hải sản, các tổ chức quản lý cảng cá phải ký giấy xác nhận lô hàng nguyên liệu hải sản cho các doanh nghiệp thu mua sau khi đã đối chiếu nhật ký khai thác với thông tin vị trí hoạt động của các tàu cá do các trạm bờ ghi lại và cung cấp.

Trong trường hợp không thể ký giấy xác nhận, các tổ chức quản lý tàu cá phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho doanh nghiệp thu mua. Văn bản trả lời sẽ là chứng từ hợp pháp trong việc truy xuất nguồn gốc cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hải sản sang thị trường châu Âu.

Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trên thực tế, không phải trạm gần bờ nào cũng có thể ghi nhận được vị trí của từng tàu hoạt động khai thác, đánh bắt trên biển vì lí do tín hiệu yếu do thời tiết, nghẽn mạch…

Với trường hợp này, các chủ tàu chủ động gọi điện thông báo với Chi cục Thủy sản. Nhưng, không phải chủ tàu nào cũng thực hiện được, bởi hoạt động ngoài khơi xa.

Theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ ngư dân khai thác, đánh bắt xa bờ, các chủ tàu cá phải thực hiện gửi tín hiệu thông báo vị trí của tàu.

Tuy nhiên, có những tàu thực hiện đúng quy định và thường xuyên, nhưng cũng có một số tàu chỉ thực hiện vài lần và không thực hiện nữa.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP không đồng tình với cách xác nhận tin nhắn của các chủ tàu cá để làm cơ sở truy xuất nguồn gốc bởi điều này có thể là cơ hội cho các tàu cá gian lận trong khai thác, đánh bắt. Đồng thời cũng là lỗ hổng để EC không gỡ bỏ “thẻ vàng” cho thủy sản xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này.

Theo VASEP, Việt Nam chỉ có 3.000 tàu được lắp đặt thiết bị định vị vệ tinh Movimar. Để dễ dàng trong việc hoàn tất các chứng từ liên quan đến nguồn nguyên liệu đánh bắt, khai thác, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có đầy đủ hồ sơ truy xuất nguồn gốc các lô hàng xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã yêu cầu các địa phương có đoàn tàu đánh bắt, khai thác có chiều dài 24m trở lên phải lắp đặt thiết bị định vị vệ tinh Movimar. Khi tàu được lắp đặt thiết bị định vị vệ tinh này phải mở máy 24/24 giờ khi đi khai thác trên các vùng biển. Việc lắp đặt thiết bị này phải hoàn tất trước tháng 10/2018. Có như vậy, ngành khai thác, đánh bắt của Việt Nam mới thực hiện tốt các tiêu chí mà EC đã đưa ra.

Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng yêu cầu các địa phương và sở, ngành liên quan có những biện pháp cụ thể để kiểm soát xuất cảng, ra khơi.

Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết, tỉnh kiên quyết không cấp giấy phép khai thác thủy sản cũng như không cho đóng mới đối với chủ tàu tái phạm khai thác, đánh bắt bất hợp pháp, vi phạm vùng biển nước ngoài. Tàu cá bị bắt giữ phải trả tiền chuộc, thả hoặc trốn về nước phải tạm dừng chuyển quyền sở hữu và tước quyền giấy phép khai thác thủy sản trong 6 tháng. Đồng thời, không được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Cương quyết xử lý sai phạm và tuân thủ các quy định

Làm việc với tỉnh Bình Định, nghị sĩ Gabriel Mato Adrover, Trưởng đoàn công tác của Ủy ban nghề cá Nghị viện châu Âu,  đánh giá cao những cố gắng của  Bình Định trong việc triển khai thực hiện chống khai thác IUU và các khuyến nghị của EC, đồng thời cho biết sẽ tuyên truyền những nỗ lực của tỉnh để EC sớm gỡ “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam.

“Chúng tôi hy vọng, những nỗ lực của tỉnh sẽ giúp đưa đến kết quả EC sớm gỡ "thẻ vàng" cho thủy sản Việt Nam”, nghị sĩ Gabriel nói.

Ông cũng cho rằng, cuộc chiến chống khai thác IUU đòi hỏi phải có sự tham gia của tất cả các bên, cần sự cam kết mạnh mẽ từ cơ quan quản lý tới ngư dân. Để thực thi các hoạt động chống đánh bắt IUU thì các hoạt động về giám sát, kiểm tra, kiểm soát tàu thuyền rất quan trọng.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường: “Chúng ta  phải chấn chỉnh lại nghề cá nói riêng và khai thác thủy sản nói chung. Với 1 triệu lao động, 109 nghìn tàu thuyền, việc khai thác còn mang tính tự phát khiến vùng gần bờ cạn kiệt tài nguyên. Do đó, khuyến nghị 9 nội dung để đảm bảo của EU cũng rất trùng với chúng ta để xây dựng nghề cá bền vững. Chính vì thế, chúng ta đồng tình với Luật Thủy sản (sửa đổi), 9 nhóm nội dung này đã  được lồng cơ bản vào Luật. Ngày 21/11/2017, Quốc hội đã đồng tình rất cao quyết định thông qua Luật Thủy sản. Đó là một quyết tâm chính trị, coi khuyến nghị của EU trùng với ý tưởng của chúng ta, xây dựng nghề cá phát triển có trách nhiệm, bền vững”.

Bộ trưởng Cường cũng cho biết thêm: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một chương trình hành động để tháo gỡ thẻ vàng này. Và theo đó, tất cả 28 tỉnh duyên hải, các bộ, ban ngành đều có trách nhiệm, các doanh nghiệp, ngư dân đều có trách nhiệm tham gia. Chủ tịch UBND tỉnh có trách nhiệm không để ngư dân đánh bắt sai phạm ở vùng ngoài vùng biển quy định của Việt Nam. Ngư dân, thuyền trưởng, thuyền viên, sau khi đánh bắt phải tổ chức khai báo, trình báo với cảng cá và đơn vị có trách nhiệm quản lý.

Đến nay, tất cả những vi phạm về khai thác bên ngoài địa phận Việt Nam ở khu vực các quốc đảo ở Thái Bình Dương đã không có vụ việc nào vi phạm. Đó là kết quả rất rõ nét, nhưng khu vực biển phía Nam thì vẫn còn một số vụ vi phạm.

“Việt Nam nhận thức tốt về vấn đề này, chỉnh sửa văn bản pháp luật rất cơ bản nhưng còn hành động thì bạn mong muốn chúng ta phải tích cực hơn, đồng bộ hơn. Chúng ta phải kiên quyết cho một nghề khai thác cá bền vững. Do đó, phải đồng hành, phải kiên quyết, quyết liệt và phải đồng bộ, coi đây là phục vụ chính chúng ta. Bao giờ rút thẻ vàng thì chúng ta rất mong muốn nhưng phải chờ kết quả và phải chờ nỗ lực cụ thể của phía chúng ta”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Cả nước hiện có khoảng 109.000 tàu cá, trong đó có 28.600 tàu cá xa bờ, sản lượng khai thác năm 2017 đạt 3,2 triệu tấn, đóng góp đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, giải quyết sinh kế cho hơn 1 triệu lao động.

 

Tuy nhiên, số lượng tàu cá phát triển quá nhanh so với trữ lượng nguồn lợi thủy sản, nhất là tình trạng khai thác bất hợp pháp, không theo quy định, đã làm suy giảm nguồn lợi trong nước, sinh kế của ngư dân bị ảnh hưởng. Từ đó phát sinh tiêu cực là tàu cá và ngư dân đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài. Đây chính là nguyên nhân mà ngày 23/10/2017, EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với Việt Nam.