Hỗ trợ hộ kinh doanh theo Nghị quyết số 68/2021/NQ-CP: Để chính sách sớm đến với người thụ hưởng
Theo Nghị quyết số 68/2021/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, hộ kinh doanh cá thể nằm trong nhóm được hỗ trợ, tuy nhiên việc triển khai thực hiện trong thực tế đang còn những vướng mắc.
Hộ kinh doanh mong chờ được hỗ trợ
Đại dịch COVID-19 khiến nhiều hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk lâm vào cảnh khó khăn khi phải tạm dừng hoạt động hoặc thay đổi cách thức hoạt động để phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ và địa phương.
Anh Bùi Nguyễn Thành Tâm - hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống tại phường An Lạc (thị xã Buôn Hồ) cho hay, gia đình mở cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống từ nhiều năm nay nhưng chưa bao giờ gặp khó khăn như thế này. Cửa hàng đã nghỉ kinh doanh gần 3 tháng nay, dù không phát sinh doanh thu nhưng vẫn phải chịu phí thuê mặt bằng (6 triệu đồng/tháng).
Do đó, khi nghe thông tin về chính sách hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể theo Nghị quyết số 68/2021/NQ-CP của Chính phủ, anh rất mong muốn được tiếp cận và nhận hỗ trợ để vơi bớt phần nào khó khăn. Tuy nhiên, do dịch bệnh đang diễn biến phức tạp cùng với việc chưa nắm rõ các quy trình hoàn thiện hồ sơ, thủ tục nên anh Tâm vẫn chưa làm hồ sơ để đề nghị được hỗ trợ.
Ông Đoàn Ngọc Định - chủ một hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống tại phường Thắng Lợi (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, gia đình ông mở dịch vụ ăn uống hàng chục năm nay, nhưng đây là lần đầu tiên cửa hàng phải tạm ngừng nghỉ kinh doanh thời gian dài như vậy. Cụ thể là cửa hàng đã đóng cửa hàng từ đầu tháng 6/2021 đến nay. Ông đã được cán bộ thuế Đội thuế phường Thắng Lợi - Tân Lợi hướng dẫn làm đơn đề nghị hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/2021/NQ-CP của Chính phủ khoảng 2 tuần nay nhưng chưa thấy phản hồi từ cơ quan chức năng.
Theo thống kê của ngành Thuế, toàn tỉnh có 23.328 hộ kinh doanh nộp thuế năm 2021. Thực hiện Kế hoạch số 6657/KH-UBND ngày 21/7/2021 của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ, Cục Thuế đã có văn bản số 3313/CTĐL-NVDTPC ngày 28/7/2021 về việc tổ chức triển khai.
Theo đó, ngành Thuế đã quán triệt các đơn vị liên quan tích cực, chủ động phối hợp với UBND xã, phường phổ biến sâu rộng nội dung của chính sách hỗ trợ đối với hộ kinh doanh. Các chi cục thuế căn cứ dữ liệu quản lý hộ kinh doanh trên địa bàn, tình hình quản lý thực tế và hồ sơ xác nhận do UBND cấp xã gửi sang để chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện rà soát, thẩm định hồ sơ đúng đối tượng theo quy định.
Để chính sách sớm đi vào cuộc sống
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa có hộ kinh doanh nào được nhận tiền hỗ trợ từ chính sách này.
Theo số liệu thống kê của Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk, tính đến ngày 18/9, toàn tỉnh mới có 4 huyện tiếp nhận hồ sơ từ UBND xã chuyển đến với tổng số 494 hồ sơ; trong đó TP. Buôn Ma Thuột là 369 hồ sơ, huyện Krông Bông 103 hồ sơ, huyện Ea Kar 13 hồ sơ và huyện Ea H’leo 9 hồ sơ. Kết quả, đơn vị đã xử lý, thẩm định xong và báo cáo UBND cấp huyện 46 hồ sơ (38 hồ sơ đáp ứng điều kiện hỗ trợ, 8 hồ sơ không đáp ứng điều kiện hỗ trợ); đang lấy ý kiến thẩm định 337 hồ sơ và đang yêu cầu bổ sung thông tin 111 hồ sơ.
Còn theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, mặc dù UBND các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/2021/NQ-CP của Chính phủ, tổ chức tuyên truyền với nhiều hình thức trên địa bàn huyện, cấp xã, cấp thôn… nhưng kết quả đạt được chưa nhiều.
Trong nghị quyết có khá nhiều chính sách hỗ trợ, nên khi triển khai trong thực tế một số chính sách vẫn đang phải rà soát, thẩm định hồ sơ cho đối tượng, doanh nghiệp theo quy định. Trong đó, chính sách hỗ trợ cho hộ kinh doanh hiện vẫn chưa có địa phương nào tổng hợp hồ sơ trình UBND tỉnh phê duyệt.
Có một thực tế là từ khi Nghị quyết số 68/2021/NQ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành thì tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh nói chung và nhiều huyện diễn biến phức tạp. Các địa phương tập trung ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch nên việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/2021/NQ-CP còn hạn chế, việc thông tin, tuyên truyền các chính sách liên quan vẫn chưa được địa phương thực hiện kịp thời, hiệu quả nên còn nhiều lao động, người sử dụng lao động chưa nắm bắt được để lập hồ sơ hỗ trợ theo quy định.
Sở Lao động - Thương bình và Xã hội đã kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền Nghị quyết 68 đến người lao động, người sử dụng lao động và các hộ kinh doanh; chú trọng tuyên truyền bằng nhiều hình thức như qua hệ thống loa đài, cổng thông tin điện tử, mạng xã hội… thường xuyên, liên tục với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ để người dân nắm rõ về các chính sách hỗ trợ, đặc biệt là với đồng bào dân tộc thiểu số.
Trên cơ sở đó nhanh chóng thiết lập hồ sơ đề nghị nhận hỗ trợ; rà soát, thẩm định, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ để doanh nghiệp, người lao động sớm tiếp cận các chính sách hỗ trợ. Đồng thời, các địa phương phải thực hiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện bằng việc hồ sơ đăng ký đến đâu, lập thủ tục hỗ trợ đến đó…
Có thể nói, Nghị quyết 68 là quyết sách nhân văn của Chính phủ để tiếp sức cho cả người lao động và doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn chung do đại dịch. Sẽ càng ý nghĩa hơn khi nghị quyết được triển khai hiệu quả, kịp thời, tiền hỗ trợ đến tay người thụ hưởng đang gặp khó khăn trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay; giúp họ giảm thiểu những tác động tiêu cực, sớm ổn định và phục hồi sản xuất, kinh doanh khi dịch được kiểm soát.
Theo quy định, điều kiện để hộ kinh doanh được hưởng hỗ trợ là phải có đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 1-5 đến 31/12/2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19.