Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã
Bài viết trao đổi về thực trạng chuyển đổi số khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình này trong thời gian tới.
Chuyển đổi số được coi là công cụ quan trọng để phát triển và chuyển đổi mô hình kinh tế hợp tác xã một cách linh hoạt, phù hợp, đạt hiệu quả cao, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực; góp phần thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng tối đa sức lao động, gia tăng giá trị sản phẩm, giúp các hợp tác xã tiếp cận nhanh với thị trường và gắn với chuỗi giá trị.
Đặt vấn đề
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan của sự phát triển trong quá trình phát triển kinh tế đất nước, góp phần giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho nhân dân và doanh nghiệp (DN).
Tại Việt Nam, chuyển đổi số là chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước. Trong đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với tinh thần “chuyển đổi số một cách toàn diện, với sự tham gia của người dân, DN và Nhà nước”...
Hiện nay, cả nước có hơn 28.000 hợp tác xã (HTX), hơn 100 liên hiệp HTX và khoảng 100.000 tổ hợp tác, trong đó, HTX nông nghiệp chiếm khoảng 66%. Trong khi đó, tại Nghị quyết số 20-NQ/TW, Trung ương đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 45.000 HTX với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp HTX với 1.700 HTX thành viên trong đó có trên 5.000 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đến năm 2045, các tổ chức kinh tế tập thể đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ.
Thực trạng chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã
Kết quả tích cực
Trong 20 năm qua, chính sách, pháp luật về kinh tế hợp tác, HTX được Đảng, Nhà nước quan tâm xây dựng, hoàn thiện phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Theo đó, nhiều văn bản quan trọng mang tính chiến lược đã được ban hành như: Kết luận số 70-KL/TW ngày 9/3/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 Khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT); Nghị quyết số 134/NQ-CP ngày 25/9/2020 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 9/3/2020 của Bộ Chính trị; các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược, kế hoạch, chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai những nhiệm vụ cụ thể giúp HTX chuyển đổi số, như: Xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống đăng ký HTX trực tuyến có liên thông với đăng ký thuế; xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong DN, HTX và hộ kinh doanh giai đoạn 2021-2025 nhằm hỗ trợ các DN, HTX, hộ kinh doanh đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số...
Việc hoàn thiện thể chế khu vực KTTT, HTX đã tạo ra chuyển biến tích cực về chất và lượng. Về cơ bản, khắc phục tình trạng yếu kém kéo dài, tận dụng và khai thác được dư địa, tiềm năng, không gian phát triển, từng bước khẳng định vị trí, vai trò của một trong những thành phần kinh tế nền tảng trong nền kinh tế quốc dân. Theo Liên minh HTX Việt Nam, hiện cả nước có 28.237 HTX, trong đó, 18.785 HTX nông nghiệp, 9.452 HTX phi nông nghiệp. Hầu hết các HTX, liên hiệp HTX đã xây dựng phương án sản xuất kinh doanh cụ thể. Nhiều HTX đổi mới cơ sở vật chất nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng sản xuất, tiếp cận chuyển đổi theo mô hình HTX kiểu mới, linh hoạt, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số, thích ứng với nhu cầu thị trường.
Chuyển đổi số trở thành công cụ quan trọng để phát triển và chuyển đổi mô hình kinh tế HTX một cách linh hoạt, phù hợp, đạt hiệu quả cao, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực; góp phần thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng tối đa sức lao động, gia tăng giá trị sản phẩm, giúp các HTX tiếp cận nhanh với thị trường và gắn với chuỗi giá trị.
Một số bất cập, khó khăn
Bên cạnh kết quả đạt được, chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, HTX còn nhiều tồn tại, bất cập, khó khăn, thách thức, cụ thể:
- Nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số cho khu vực kinh tế hợp tác, HTX nói riêng chưa thật sự sâu rộng, nhất là người đứng đầu. Thể hiện rõ qua việc chưa quyết liệt chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho công tác này. Hoạt động chuyển đổi số ở một số nơi còn mang nặng tính hình thức, phong trào, chưa thực chất, hiệu quả. Chưa xác định chuyển đổi số là nhân tố quan trọng quyết định sự thành công hoặc kém hiệu quả của mô hình kinh tế này.
- Việc ứng dụng CNTT và chuyển đổi số ở khu vực kinh tế hợp tác, HTX đang ở giai đoạn bước đầu; HTX ứng dụng CNTT, chuyển đổi số còn nhỏ lẻ, manh mún mới tập trung ở một số khâu như quản lý HTX, sản xuất (công nghệ tưới tiêu, chế biến...), truy xuất nguồn gốc (dán tem, mã QR…), thương mại điện tử…
- Vẫn còn nhiều thách thức trong chuyển đổi số do tỉ lệ và hiệu quả chuyển đổi số chưa cao trong nhiều loại hình ngành nghề hoạt động và địa bàn hoạt động của HTX. Cụ thể, trong 1.718 HTX ứng dụng công nghệ cao, chỉ có 240 HTX sử dụng phần mềm quản lý và sản xuất thông minh, chiếm 1,5%. Trong đó, các HTX này chỉ tập trung vào ứng dụng công nghệ tưới tiêu, hệ thống nhà lưới, dán tem truy xuất nguồn gốc. Còn ứng dụng chuyển đổi số vào khâu chế biến, quản lý HTX, kinh doanh sản phẩm chưa được quan tâm. Điều này khiến các HTX gặp khó khăn trong quản lý hiệu quả các nguồn lực và hạn chế sự tương tác giữa các tác nhân liên quan trong hệ sinh thái.
- Hệ thống CNTT và hạ tầng số chưa đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, gây khó khăn rất lớn cho việc kết nối liên thông giữa các HTX, DN và các cơ quan quản lý nhà nước. Dịch vụ viễn thông và internet ở khu vực nông thôn (nơi có số lượng HTX chiếm tới trên 70% số lượng HTX của cả nước) phát triển chậm. Trang thiết bị phục vụ chuyển đổi số (hệ thống máy tính, thiết bị đầu cuối…) của các HTX còn thiếu, lạc hậu.
- Nguồn lực tài chính, đầu tư cho khu vực kinh tế tập thể, HTX còn hạn chế, trong đó có đầu tư cho chuyển đổi số. Trong khi đó, các cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh tế hợp tác, HTX chuyển đổi số còn ít.
- Chất lượng nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số còn hạn chế. Đặc biệt, chất lượng nguồn nhân lực quản trị HTX còn thiếu số lượng và yếu về chất lượng. Cụ thể, số lượng cán bộ quản lý HTX có trình độ sơ cấp, trung cấp chiếm khoảng 46,6%; trình độ cao đẳng, đại học chỉ chiếm 22%; còn tới trên 31% cán bộ quản lý HTX chưa được đào tạo qua các trường lớp giáo dục nghề nghiệp.
Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã
Để khu vực kinh tế hợp tác, HTX chuyển đổi số thực sự mạnh mẽ, hiệu quả, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thực sự phát huy vai trò trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, cần lưu ý một số nội dung trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục quán triệt, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII; Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược quốc gia phát triển chính phủ số, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số; các nhiệm vụ tại Kế hoạch số 10-KH/TW ngày 23/8/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII...
Hai là, thay đổi nhận thức, tư duy về chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác, HTX trong bối cảnh nền kinh tế số, coi đây là nhiệm vụ trong tâm và nhân tố cốt lõi gắn với đổi mới quản lý và phương thức hoạt động của mô hình kinh tế này. Chuyển đổi số là yêu cầu thực tiễn khách quan của sự phát triển, do vậy, cần có tầm nhìn xa, tổng thể; phải đẩy mạnh ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, CNTT, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, huy động mọi nguồn lực, tạo động lực theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng với các khu vực kinh tế khác.
Ba là, xây dựng, hoàn thiện thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp, thúc đẩy sáng tạo, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động để kinh tế hợp tác, HTX phát triển nhanh và bền vững. Các bộ, ngành, địa phương rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất, sửa đổi các quy định còn bất cập, cản trở phát triển của kinh tế tập thể, HTX. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Luật HTX năm 2012 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đặc biệt nội dung chuyển đổi số phải là một nội dung cốt lõi, làm nền tảng; thể chế hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW về nội dung chính sách đặc thù cho khu vực kinh tế hợp tác, HTX trong bối cảnh nền kinh tế số.
Bốn là, xây dựng được hệ sinh thái chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, HTX. Xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành về HTX, dùng chung và liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành khác; tập trung xây dựng một số nền tảng số để phục vụ, hỗ trợ cho HTX về thông tin thị trường, khoa học công nghệ; trao đổi, tư vấn pháp luật, chính sách; đào tạo; sàn giao dịch điện tử; hợp tác quốc tế...
Năm là, có chính sách hỗ trợ, thu hút nguồn lực, ứng dụng khoa học-công nghệ, chuyển đổi số, mở rộng thị trường cho khu vực kinh tế tập thể, bảo đảm thống nhất, đồng bộ như xây dựng các chương trình, đề án, dự án chuyển đổi số để hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính và đội ngũ tư vấn giúp các HTX thực hiện chuyển đổi số. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong khu vực DN, HTX, hộ kinh doanh. Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương hướng dẫn các tổ chức kinh tế tập thể có dự án ứng dụng, nâng cao trình độ khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được vay vốn trung và dài hạn từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia và của các bộ, ngành, địa phương...
Sáu là, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, khu vực kinh tế hợp tác, HTX cần chủ động chuyển đổi số mạnh mẽ để tồn tại và phát triển, gắn với tăng cường năng lực quản trị HTX theo hướng công khai, minh bạch, thích ứng bối cảnh, xu hướng phát triển mới. Nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ CNTT, chuyển đổi số phù hợp; tăng cường học hỏi kinh nghiệm chuyển đổi số hiệu quả; góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Kết luận
Chuyển đổi số góp phần chuyển đổi mô hình kinh tế HTX một cách linh hoạt, phù hợp đạt hiệu quả cao, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực đòi hỏi sự tham gia, chung tay của cả hệ thống chính trị, các HTX và người dân. Do vậy, trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số để mô hình kinh tế hợp tác, HTX có sự chuyển biến mạnh mẽ để hoạt động ngày càng hiệu quả, góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2045 "các tổ chức kinh tế tập thể đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ”, qua đó đóng góp vào định hướng xây dựng đất nước phát triển hùng cường và thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Tài liệu tham khảo:
1. Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (2022), Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới;
2. Bộ Chính trị (2022), Kế hoạch số 10-KH/TW ngày 23/8/2022 về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới;
3. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”;
4. Lê Anh (2022), Thúc đẩy chuyển đổi số khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, Báo điện tử Đảng Cộng sản;
5. Hà Văn (2022), Tạo động lực để kinh tế hợp tác bắt kịp, tiến cùng với các khu vực kinh tế khác, Báo điện tử Chính phủ.